'Từ khoảng trống trên Forbes, nay Việt Nam đã có doanh nhân tỷ phú USD'
Con số sẽ trở nên có hồn hơn rất nhiều, khi chúng ta được tận mắt nhìn thấy nơi xứ lạ, không chỉ là tà áo dài, mà là những thương hiệu 'made-in Vietnam'...
Thành lập đúng ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10/2003, Mancom được biết đến như công ty chuyên tư vấn chiến lược phát triển thị trường và marketing cho doanh nghiệp Việt. Qua 16 năm kinh nghiệm tư vấn với gần 100 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, ông Ngô Trọng Thanh - nhà sáng lập Mancom, người được biết tới như "bác sỹ doanh nghiệp" đã chia sẻ với VnEconomy cả những điểm sáng lẫn "khoảng tối" về doanh nghiệp Việt, dưới góc nhìn của ông.
Là người có nhiều trải nghiệm, tiếp cận với giới doanh nhân, cũng là chủ một doanh nghiệp, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, ông cảm nhận như thế nào về đời sống doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong một năm qua? Có những điểm ấn tượng gì đọng lại trong ông nhiều nhất?
Tôi xin được thay câu trả lời bằng một trải nghiệm của cá nhân.
Vài năm gần đây, Mancom không chỉ tư vấn cho các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa, mà còn giúp họ "mang chuông đi đánh xứ người". Tôi vừa có chuyến công tác nước ngoài dài ngày, nơi mà tôi thay mặt một doanh nghiệp Việt đàm phán để cung ứng thiết bị cho Schindler- hãng thang máy lớn nhất thế giới.
Kết thúc cuộc gặp, tôi đã rất hãnh diện, khi đại diện Schindler cười rạng rỡ lúc bắt tay tôi ra về - nói: "Tôi tin vào các anh".
Trong chuyến đi Myanmar đầu tháng 10, tôi cũng có cùng một cảm giác đó, khi biển quảng cáo và cửa hàng Mytel (nhãn hiệu mạng di động của Viettel tại Myanmar) tràn ngập thị trường, từ Yangon tới các đô thị cấp 2. Đi cùng với đó, là biển hiệu của Bphone - nhãn hàng điện thoại di động của chúng ta.
Có thể, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy chút tự hào, khi thương hiệu Viettel được định giá 4,3 tỷ trong năm nay. Nhưng con số đó sẽ trở nên có hồn hơn rất nhiều, khi chúng ta được tận mắt nhìn thấy nơi xứ lạ, không chỉ là tà áo dài, mà là những thương hiệu "made-in Vietnam".
Có những "khoảng tối" không hề nhỏ
Nhưng một vài năm lại đây, bên cạnh những mặt tích cực, phản ánh sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, thì những tiêu cực, mặt trái như trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh, những gian lận về sản phẩm, xuất xứ…, đặc biệt là liên quan tới yếu tố pháp lý, thậm chí tù tội cũng nhiều hơn, với tần suất dày đặc hơn, thưa ông?
Đúng, luôn có 2 mặt của 1 đồng xu. Bên cạnh những điểm sáng của giới doanh nhân, thì thời gian qua chúng ta cũng có những khoảng tối không hề nhỏ.
Dễ thấy nhất, là câu chuyện tù tội, gian lận xuất xứ hàng hóa, hay chiếm dụng đất công của những doanh nhân được coi là thành đạt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, phần lớn những sai phạm đó đã tích tụ trong thời gian dài và chỉ lộ sáng trong thời gian gần đây.
Với tôi, điều đáng lo ngại không chỉ đến từ giới doanh nhân, mà nằm trong hành lang pháp lý và việc thực thi. Chỉ đơn cử, thế nào là "made in Vietnam"- một câu hỏi quan trọng, nhưng cho tới giờ, sau gần 30 năm mở cửa, chúng ta vẫn đã và đang bàn luận.
Nên nhớ, từ thế kỷ thứ 19, nước Anh đã có ý thức và ban hành những quy định về "Made- in UK" của họ. Theo khảo sát của Statista năm 2019 về cảm nhận chất lượng sản phẩm thông qua xuất xứ hàng hóa, Việt Nam chúng ta có điểm 34/100, đứng gần cuối bảng. Trong khi đó, Made-in Germany đạt điểm tuyệt đối 100/100, Mỹ, Nhật Bản, và Pháp đạt 81/100. Phải chăng nhờ chất lượng cảm nhận này mà Đức trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cho các ngành công nghệ cao, nơi có giá trị gia tăng cao, như xe hơi, máy móc, điện tử, hóa chất, dược phẩm?
Thương hiệu và bản sắc "made in Vietnam" khó được định hình, và càng khó để cải thiện thứ bậc trên thị trường quốc tế, nếu như nó bị hổng từ gốc - khi chưa có định nghĩa rõ ràng về mặt pháp lý.
Hơn 10 năm trước ông có nói đến yếu kém của doanh nghiệp Việt là sự phát triển bền vững, nhưng đến đầu năm nay, trong một bài viết trên VnEconomy, ông tiếp tục đề cập sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt vẫn là một điều đáng bàn. Nên giải thích điều này như thế nào? Hay đây chỉ là mặt trái của số ít doanh nghiệp Việt?
Cuộc sống luôn thay đổi và vận động không ngừng, giới kinh doanh còn vận hành với tốc độ cao hơn. Chúng ta không chỉ so với chính chúng ta 10 năm trước, mà còn nhìn vào vị thế tương đối của chúng ta so với khu vực và thế giới.
Không thể phủ nhận những thành quả của giới doanh nhân Việt trong 10 năm qua. Những năm 2009, chưa một thương hiệu nào của chúng ta lọt bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu như Brand Finance, thì ngày nay, chúng ta có những thương hiệu tỷ đô, như Viettel, Vinamilk, hay VNPT. Cũng trong thời gian đó, từ chỗ trống vắng trên bảng xếp hạng người giàu của Forbes, thì ngày nay, chúng ta đã có những doanh nhân tỷ phú USD.
Và trên thị trường nội địa, các thương hiệu Việt đang cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng với các thương hiệu đa quốc gia, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng trong 10 năm đó, thị giá của Facebook từ 10 tỷ lên 507 tỷ USD và thế giới đã chuyển mình từ công nghệ 3G sang 5G, cùng hàng loạt các công nghệ mới mang tính cách mạng, như xe tự lái, xe điện, hay thịt nhân tạo nhằm giải quyết bài toán nhân mãn trên thế giới.
Nhìn vào bức tranh này, chúng ta sẽ thấy vị thế hiện tại của chúng ta và nguy cơ ngày càng tụt hậu. Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hơn một năm qua cùng với bài học của người khổng lồ Huawei đã chứng minh rằng, lợi thế sẽ thuộc về bên có công nghệ gốc, có hàm lượng chất xám cao, và có sự đầu tư bài bản cho R&D. Quy mô hay sự phát triển về doanh thu và thị trường đôi khi chỉ là phần nổi dễ nhìn của tảng băng chìm, mà không tự quyết định số phận của nó.
Với góc nhìn của người làm thị trường, tôi thấy một nỗi lo đáng kể: cho đến nay, đâu là lợi thế cạnh tranh của chúng ta, đâu là mảnh đất hứa để chúng ta tập trung nguồn lực vốn ít ỏi để phát triển, vẫn còn bỏ ngỏ như 10 năm trước.
Có một con số đáng chú ý, theo số liệu thống kê được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 2/2019, hai tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp giải thể và "chết lâm sàng" lần đầu vượt số thành lập mới. Đó có phải là con số phản ánh đầy đủ nhất của việc phát triển thiếu bền vững không, theo ông?
Đây chỉ là một chỉ số quan trọng, nhưng nó chưa đầy đủ để phản ánh bức tranh tổng thể.
Trong vài năm qua, chúng ta khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, đặc biệt nhắm vào giới trẻ. Với một nền kinh tế đang đi lên, thủ tục hành chính có phần cởi mở hơn, dân số đang trong giai đoạn vàng với cơ cấu cao của giới trẻ, chúng ta đã có những thành công ban đầu trong việc phát triển doanh nghiệp mới.
Theo một lẽ tự nhiên, chúng ta thường tung hô và chỉ nhìn thấy những tấm gương thành công, mà quên đi những chiến binh đã thất bại. Điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Theo số liệu của SBA (hiệp hội doanh nghiệp nhỏ của Mỹ), tỷ lệ đóng cửa của các doanh nghiệp mới là, 30% doanh nghiệp sau 2 năm, 50% sau 5 năm, và 66% sau 10 năm thành lập. Nên nhớ, Mỹ là quốc gia số 1 thế giới, có hệ sinh thái hoàn hảo cho khởi nghiệp, theo đánh giá của Tạp chí Thế giới doanh nhân CEOWorld 2019.
Vì vậy, chuyện số doanh nghiệp đóng cửa quá nhiều, có thể phản ánh phần nào mảng tối trong bức tranh, nhưng nó mang tính thời điểm, không phản ánh hoàn toàn thực trạng tổng thể.
"Cơn lốc công nghệ đang và sẽ tác động đến mọi doanh nghiệp"
Nãy giờ có vẻ như nói nhiều đến mặt hạn chế của doanh nghiệp Việt, vậy còn những mặt mạnh, những điểm đang được xem lại lợi thế của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện nay hoặc nếu so với khoảng 5, 10 năm trước là như thế nào, thưa ông?
Những chỉ số "vĩ mô", như giá trị thương hiệu, hay gương mặt tỷ phú tôi đã đề cập ở trên, trả lời câu hỏi này, tốt hơn hết tôi xin chia sẻ trải nghiệm của cá nhân, khi làm việc với các CEO Việt trên cương vị nhà tư vấn chiến lược marketing.
Một điều tự hào nhất trong nghề, là từ khi thành lập năm 2003 đúng ngày doanh nhân Việt Nam, Mancom chúng tôi đã tư vấn cho hàng chục doanh nghiệp Việt. Và gần ½ khách hàng của chúng tôi tiếp tục ký hợp đồng tư vấn sau 3-5 năm, khi họ phát triển lên một tầm cao mới. Nhờ đó, cá nhân tôi được chứng kiến những thăng trầm và những bước trưởng thành của doanh nghiệp và giới CEO Việt.
Khoảng 5-10 năm trước, chủ đề chính mà các CEO trao đổi với nhà tư vấn thường là chống chọi và bảo vệ thị phần nội địa, hay làm thế nào để cắt giảm giá thành như một giải pháp chính để cạnh tranh. Thì ngày nay, cũng những gương mặt đó, họ tự tin trao đổi với chúng tôi về việc tạo ra giá trị mới thông qua sản phẩm sáng tạo, là ngân sách xây dựng thị trường và thương hiệu, là xây dựng đội ngũ kinh doanh nhiệt huyết hơn, và không ít CEO đang khát khao đưa thương hiệu Việt ra quốc tế.
Nếu để ý, tại hội chợ quốc tế, gian hàng Việt Nam ngày càng xôm tụ.
Nhưng trong thời cuộc hiện nay, khi thế giới đã và đang chuyển sang cuộc cách mạng 4.0, trong đó có Việt Nam, khi nền kinh tế số, sự chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, cá nhân anh cho rằng, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị, tiếp cận và đón nhận trong xu hướng hoàn toàn mới mẻ này như thế nào?
Tôi có một anh bạn, làm chủ quán phở khá đắt khách trong trung tâm thành phố. Anh ấy sống rất ổn trong vài năm qua, thu nhập đủ sống và có phần dư cho con cái ăn học. Đó là niềm vui không nhỏ của người nhập cư như anh ấy.
Cách đây vài ngày, hẹn tôi đi café để "xin lời khuyên", anh thổ lộ doanh số thời gian gần đây sụt giảm khoảng 1/3, vì ảnh hưởng nặng nề của dịch vụ giao đồ ăn của các hãng công nghệ, mà hiện nay anh vẫn đang đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, đây là tình trạng chung của các quán ăn trong thành phố.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng, cơn lốc công nghệ đang và sẽ tác động đến mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô, ngành nghề, với mức độ ảnh hưởng ngày một lớn. Không một ai có thể đứng ngoài xu hướng đó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa công nghệ là tất cả, và mọi doanh nghiệp đều phải "kiếm phần" trong ngành hàng đó. Với Microsoft, Google, Ericsson,… côngnghệ là mục tiêu, nhưng đối với Nestle, Amazon, hay Coca Cola, công nghệ là phương tiện để trở nên hoàn hảo hơn trong vận hành.
Theo nhìn nhận của tôi, trong sự chứng kiến và so sánh giữa các doanh nghiệp Việt và nước ngoài, thì thấy việc chuẩn bị và sự sẵn sàng chuyển đổi của chúng ta có phần chậm trễ. Điều này có thể đến từ hai nguyên nhân.
Một là doanh nghiệp chúng ta mới được hình thành phần lớn trong khoảng 25 năm gần đây. Với lịch sử phát triển khá ngắn ngủi so với các đồng nghiệp nước ngoài, vì vậy họ đang tập trung vào các ưu tiên khác, như tái cơ cấu, tích lũy vốn, hay loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường.
Và hai là khả năng ngoại ngữ với phần lớn doanh nhân còn khá hạn chế. Đừng quên rằng, ngoại ngữ là chìa khóa để mỗi doanh nhân có thể giao tiếp, và bắt nhịp với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, bản thân ngoại ngữ cũng là tác nhân thay đổi cách tư duy mỗi người theo hướng cởi mở hơn.
Nếu thử đánh giá về bức tranh doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong khoảng 3-5 năm nữa, trước xu thế chuyển đổi mạnh mẽ - như đã đề cập, là với cuộc cách mạng 4.0, với nền kinh tế số, chuyển đổi số… thì đó là bức tranh như thế nào, theo ông?
Sẽ không có bước nhảy vọt thần kỳ nào trong 3-5 năm! Tuy nhiên, với tác động của công nghệ, tôi tin rằng khoảng cách địa lý ngày một thu hẹp, đồng nghĩa với cơ hội thị trường ngày càng mở rộng cho mỗi doanh nghiệp biết thích ứng. Thành công sẽ đến với doanh nghiệp, dù không hoạt động trong lĩnh bực công nghệ, nếu biết sử dụng và tận dụng thành quả công nghệ như một công cụ hiệu quả.