Từ khởi nghĩa Bãi Sậy đến chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên

Từ khởi nghĩa Bãi Sậy đến chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên là quá trình phát triển của phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, từ tự phát đến tự giác, từ chưa có chính Đảng đến có chính Đảng là Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Di tích lịch sử Cây đa Sài Thị, xã Thuần Hưng (Khoái Châu) - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên

Trở lại lịch sử, năm 1883, Đinh Gia Quế một võ quan nhỏ của triều Nguyễn, vì bất mãn triều đình hèn nhát trước thực dân Pháp xâm lược, đã bỏ về quê nhà, chiêu mộ nghĩa quân chống thực dân Pháp. Ông tự xưng là Đổng Quân vụ, nên còn được gọi là Đổng Quế, lấy vùng Bãi Sậy làm căn cứ chính. Các nhóm nghĩa quân dưới quyền Đổng Quế đóng rải rác khắp các làng trong vùng Bãi Sậy. Tổng hành dinh nghĩa quân Bãi Sậy ở Thọ Bình (nay thuộc thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu).

Khởi nghĩa Bãi Sậy nổ ra nhằm chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong thời kỳ đầu diễn ra (1883 - 1885), cuộc khởi nghĩa do Đinh Gia Quế trực tiếp lãnh đạo, địa bàn hoạt động chủ yếu chỉ ở vùng Bãi Sậy bao gồm địa phận của các huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Giang, Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, từ năm 1885 trở đi, sau khi Đinh Gia Quế qua đời, Nguyễn Thiện Thuật giữ vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, phạm vi của khởi nghĩa Bãi Sậy lúc này rộng lớn hơn, bao gồm phần lớn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nghĩa quân Bãi Sậy liên hệ với các thủ lĩnh ở cả vùng Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); vùng Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang); các vùng đất Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); Diên Hà (tỉnh Thái Bình); Kim Anh, Đa Phúc (thành phố Hà Nội); các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội).

Trong khởi nghĩa Bãi Sậy, ở Hưng Yên có nhiều tổng, làng tham gia nghĩa quân, rào làng để chiến đấu như: Yên Vĩnh, An Vĩ, Đại Quan, Phù Sa, Liêu Trung, Tam Trạch, Thọ Bình, Mễ Xá, Thủy Trúc… Có nhiều huyện, đa số các làng trong huyện đều theo khởi nghĩa như: Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi… Công sứ người Pháp là Miribel từng thừa nhận: “Hầu như làng nào ở trong tỉnh Hưng Yên cũng có rất đông người tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy và thậm chí ở nhiều làng tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều trở thành nghĩa quân” .

Sau khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại (năm 1892), các phong trào yêu nước, tiến bộ như: Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được Nhân dân Hưng Yên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia như thực hiện cắt tóc ngắn, học chữ Quốc ngữ, truyền bá thơ, văn yêu nước… tuy nhiên cũng không thành công. Nguyên nhân thất bại của khởi nghĩa Bãi Sậy và các phong trào yêu nước nói trên là do: Đều ở trong tình thế bị động; lực lượng ta và địch không cân xứng; khuynh hướng phong kiến đã lỗi thời, bế tắc về đường lối đấu tranh; chưa tập hợp được sức mạnh của quần chúng Nhân dân, chưa thấy được sức mạnh và khả năng lãnh đạo của giai cấp công nhân và chưa đoàn kết được họ; chưa có chính Đảng là Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (năm 1917) đã tác động mạnh đến phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Tháng 7/1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc được nghiên cứu bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Người nhận định, con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản. Năm 1924, với cương vị là đặc phái viên Quốc tế Cộng sản, Người về Quảng Châu (Trung Quốc), tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước, mở các lớp huấn luyện chính trị về Chủ nghĩa Cộng sản, về phương pháp cách mạng mới. Người đã cải tổ tổ chức Tâm Tâm xã, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, nhiều thành viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trở về nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sài Thị (nay thuộc xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu) nằm trong vùng đầm lầy Bãi Sậy là một trong những địa điểm đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên được lựa chọn để các đồng chí trong Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ về gây dựng cơ sở cách mạng.

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quê ở Bắc Ninh về quê mẹ ở Đại Quan, gây dựng cơ sở cách mạng ở Sài Thị, Chợ Giàn và Đại Quan. Khi đồng chí Nguyễn Tiến Trạc chuyển đi nơi khác, để tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng, cấp trên cử đồng chí Cả Lâm (Lê Tùng Sơn) là người Hưng Yên về thay làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên ở đây.

Cuối năm 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử cán bộ về Sài Thị kiểm tra, nhận thấy có đủ điều kiện để thành lập chi bộ nên đã quyết định thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị . Đây là Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên được thành lập ở tỉnh Hưng Yên.

Sau khi thành lập, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị đã có những hoạt động tích cực như: In ấn tài liệu, rải truyền đơn tuyên truyền, tổ chức treo cờ Đảng ở nhiều nơi như: Sài Thị (huyện Khoái Châu), chợ Trương Xá (huyện Kim Động), chợ Đìa (huyện Ân Thi)… Ngoài ra, chi bộ còn tổ chức cho hội viên học tập cuốn Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và truyền bá các cuốn sách: Tiếng súng đêm đông, Chính sách giặc Pháp; đọc sách các nhân vật lịch sử: Vợ ba Cai Vàng, Tán Thuật… Việc tuyên truyền mạnh mẽ, thường xuyên của chi bộ đã gieo vào lòng Nhân dân Hưng Yên niềm tin Chủ nghĩa Cộng sản sẽ giành được cơm áo, độc lập, tự do cho dân tộc mình.

Do sự phát triển của phong trào cách mạng quốc tế và trong nước, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ chuyển thành tổ chức Cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị được cấp trên về công nhận là Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên.

Được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập hội nghị từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930 thống nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương . Sau hội nghị hợp nhất, cấp trên đã về Sài Thị chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị.

Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị ra đời là bước khởi đầu cho phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng cách mạng Hưng Yên trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp được diễn ra từ khởi nghĩa Bãi Sậy, chuyển hướng đấu tranh từ tự phát, nhỏ lẻ sang tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị là cầu nối của phong trào yêu nước và tổ chức cách mạng của các vùng lân cận như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… Đó chính là tiền đề quan trọng, là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (năm 1941). Để từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Hưng Yên cùng với Nhân dân cả nước làm nên nhiều chiến công vĩ đại, đánh thắng mọi kẻ thủ xâm lược như: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là từ khi tỉnh Hưng Yên tái lập (năm 1997), kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, lịch sử vẻ vang của quê hương và với tinh thần trách nhiệm cao nhất, ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá, đưa tỉnh Hưng Yên phát triển, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị ổn định; kinh tế phát triển nhanh; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (chỉ còn 1,9%); tỉnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020 và đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; quốc phòng, an ninh được giữ vững; Đảng bộ và hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, chấn chỉnh, luôn trong sạch, vững mạnh, năng lực, hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng cao; phấn đấu xây dựng Hưng Yên trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.

NGUYỄN HỮU NGHĨA

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202302/tu-khoi-nghia-bai-say-den-chi-bo-dang-cong-san-dau-tien-o-hung-yen-851246e/