Tứ Kỳ chú trọng y tế học đường
Cùng với quan tâm tới chất lượng giáo dục, thời gian qua, huyện Tứ Kỳ luôn chú trọng hoạt động y tế trường học.
Huyện Tứ Kỳ hiện có 25 trường mầm non với 10.635 trẻ, 25 trường tiểu học với 16.299 học sinh, 24 trường THCS với 10.315 học sinh. Các trường học đều bố trí phòng y tế riêng biệt, có các vật dụng sơ cấp cứu, cán bộ y tế được tập huấn những kỹ năng cơ bản về hoạt động y tế trường học.
Là xã cách xa trung tâm huyện Tứ Kỳ, với số lượng học sinh đông, Trường THCS xã Nguyên Giáp đã bố trí riêng biệt 1 phòng y tế chăm sóc học sinh và 1 cán bộ y tế kiêm nhiệm. Với cơ sở vật chất khá mới nên ánh sáng, độ thông thoáng, bàn ghế, quạt điện tại các phòng học đều cơ bản phù hợp quy định. Hằng tuần, trường đều tuyên truyền về việc phòng chống dịch bệnh, các bệnh học đường để toàn bộ 614 học sinh nắm được và phòng tránh.
Năm 2021, Cộng Lạc là điểm nóng của huyện Tứ Kỳ về dịch bệnh Covid-19 với ổ dịch tại Công ty TNHH GFT Việt Nam. Trường THCS xã Cộng Lạc có rất đông học sinh là con của những bệnh nhân mắc Covid-19 làm việc tại công ty trên. Vì vậy, hoạt động y tế học đường và phòng chống dịch bệnh cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Do những dãy nhà mới của trường đang hoàn thiện nên phòng y tế được bố trí tạm, diện tích khá nhỏ. Tuy vậy, các hoạt động y tế luôn được trường triển khai bài bản.
Cô giáo Đoàn Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngoài các hoạt động truyền thống phòng chống các bệnh về học đường, dịch bệnh truyền nhiễm, hằng năm nhà trường đều phối hợp Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Qua đó đã kịp thời phát hiện các em mắc bệnh về mắt, răng miệng, cong vẹo cột sống, thậm chí bệnh tim".
Các trường mầm non cũng đặc biệt quan tâm hoạt động y tế trường học để bảo đảm trẻ phát triển toàn diện, tránh tối đa các bệnh học đường. Trường Mầm non xã Quang Khải có 375 trẻ ở 17 nhóm lớp. Phòng y tế được bố trí riêng biệt. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã và Phòng khám Đa khoa An Bình tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm. Từ đầu năm học, trường đã thành lập Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu và Tiểu ban y tế trường học, chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh môi trường các nhóm lớp, đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, cân nặng, chiều cao, thể lực của trẻ phát triển theo từng giai đoạn… Hoạt động y tế trường học đã góp phần giảm và khống chế tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nhà trường, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về trí và lực.
Tuy nhiên, hoạt động y tế trường học trên địa bàn huyện Tứ Kỳ cũng còn có những trở ngại. Nguồn nhân lực y tế chuyên trách tại các trường học còn ít. Toàn huyện có 74 trường học nhưng mới có 15 cán bộ y tế chuyên trách ở 12 trường tiểu học và 3 trường THCS. Cán bộ y tế ở các trường còn lại đều kiêm nhiệm, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ kế toán, thủ quỹ, giáo viên nên nhiều người còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và tham mưu hoạt động y tế cho lãnh đạo nhà trường.
Khối lượng công việc của các nhân viên y tế ở các trường khá nhiều. Nhiều trường mầm non, tiểu học ăn bán trú thì thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Bếp ăn bán trú phải do cán bộ y tế quản lý, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cán bộ y tế trường học còn phải tổ chức các hoạt động phòng chống dịch, xử lý môi trường... Việc thiếu nhân viên y tế học đường có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc cho trẻ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/tu-ky-chu-trong-y-te-hoc-duong-233713