Từ làng chài cũ đến 'Thung lũng Silicon' của Trung Quốc ngày nay
Cách đây 40 năm, Thâm Quyến đã là một biểu tượng của những cải cách chuyển đổi do Trung Quốc khởi xướng, từ làng chài cũ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Cách đây 40 năm, Thâm Quyến, thành phố phía Nam của Trung Quốc, đã là một biểu tượng của những cải cách chuyển đổi do Trung Quốc khởi xướng, từ làng chài cũ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Ngày nay, Thâm Quyến vẫn là trọng tâm trong chính sách mới, nhằm biến Trung Quốc thành một nhà sáng tạo công nghệ cao và trút bỏ tiếng là một dây chuyền lắp ráp cho các công ty nước ngoài hay tệ hơn là một kẻ bắt chước.
Wu Yebin, 35 tuổi, hiện đang điều hành công ty công nghệ MeegoPad, có doanh thu mỗi năm vào khoảng 28 triệu USD chuyên sản xuất các sản phẩm như máy tính thu nhỏ, cho hay câu chuyện của chính ông phản ánh những người trong vô số những người khác đã vực dậy từ khó khăn sau các cải cách dưới thời cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn vào ngày 18/12/1978.
Xuất thân là con trai của hộ nông dân nghèo, ông Wu đã lên thành phố Thâm Quyến từ năm 2005 và trong nhiều năm, ông đã làm công việc lắp ráp các thiết bị giống với iPad hay MacBook của Apple, đồng thời gia nhập “đội quân” sản xuất “shanzhai” của Thâm Quyến. “Shanzhai” nghĩa là tạo ra những bản sao (hàng nhái) sản phẩm điện tử nước ngoài giá cả phải chăng cho người dân địa phương.
Ông Wu cho biết Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ... Tất cả các nước phát triển đều làm điều đó để phát triển ngành công nghiệp sản xuất của mình. Theo ông Wu, mô hình kinh tế này từng "rất phổ biến”, song ngày nay nó không còn khả thi nữa.
Sản xuất tại Trung Quốc 2025
Thâm Quyến, nơi vốn sống bằng nghề đánh cá và ruộng lúa, đã trở thành nơi thử nghiệm cho những cải cách của cố Chủ tịch Đặng khi thành phố này được chỉ định là Đặc khu Kinh tế Đặc biệt đầu tiên của đất nước vào năm 1980.
Thâm Quyến đã phát triển thành một trung tâm sản xuất lớn, với các nhà máy sản xuất các thiết bị, máy tính và điện thoại cho các công ty nước ngoài, trong đó có Apple và Samsung.
Ngày nay, các tập đoàn toàn cầu của Trung Quốc, như công ty viễn thông Huawei và “gã khổng lồ” internet Tencent, đã biến Thâm Quyến thành trụ sở chính của mình và thành phố của hàng chục nghìn nhà máy này được xem danh là "Thung lũng Silicon của phần cứng”.
Thành phố này hiện đang tìm cách làm mới mình, là trung tâm của sự đổi mới Trung Quốc, phù hợp với kế hoạch "Made in China 2025" của Bắc Kinh nhằm thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao quan trọng như robot, xe điện và trí tuệ nhân tạo.
Ông Wu nói rằng Trung Quốc đang trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này và Thâm Quyến đang trở thành điểm gặp gỡ của các kỹ sư sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới. Hiện những người tài từ nước ngoài đang đổ về Thâm Quyến.
Meng Jie, người Pháp, 30 tuổi, đã rời Thung lũng Silicon của California vào năm 2017 để thành lập Maybe, một công ty sản xuất loa thông minh giúp mọi người học tiếng Quan Thoại.
Ông Meng nói rằng "Thung lũng Silicon vẫn đang đi trước trong trí tuệ nhân tạo, nhưng bạn có thể tìm thấy những linh kiện điện tử hoặc cơ khí mà bạn cần nhanh hơn gấp ba lần ở Thâm Quyến". Ông Meng ví von nó giống như đi từ đường bộ đến đường cao tốc”.
Chỉ vào những tòa nhà chọc trời bên ngoài văn phòng của mình, ông Meng nói: "Mọi người coi Thung lũng Silicon là “thánh địa” công nghệ (the tech Mecca).
Họ đánh giá thấp Thâm Quyến rất nhiều vì họ không biết chuyện gì đang xảy ra ở đây. Cách đây 20 năm, nơi này chỉ là cát và nước, nhưng trong 10 năm, Thâm Quyến sẽ là một thành phố rất quan trọng trên thế giới, nó sẽ là trung tâm của sự đổi mới.
Nỗi sợ của Mỹ
Một số tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc đang vấp phải nghi ngại về những ý định của mình ở nước ngoài, trong đó Mỹ và các nước khác lo sợ rằng những tham vọng của Trung Quốc sẽ đặt ra những rủi ro về an ninh và gián điệp.
Kế hoạch mở rộng phạm vi trên toàn cầu của Tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei cũng đã phải đối mặt với những trắc trở, khi một số dịch vụ của hãng bị từ chối ở một số nước phương Tây và Giám đốc Tài chính của Huawei bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ do nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran.
Duncan Turner, giám đốc điều hành của HAX, một “vườn ươm” cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến, nhận định với những người đã chứng kiến sự trỗi dậy của Thâm Quyến, từ nơi sao chép công nghệ cao thành nơi đổi mới, sáng tạo, thì đây thực sự là mảnh đất “thiên thời địa lợi” cho sự đổi mới.
Ông Turner nói rằng Chính phủ Trung Quốc thiết lập các kế hoạch rõ ràng cho sự đổi mới trong các lĩnh vực cụ thể mà họ muốn đầu tư vào.
Ông Turner, chuyển đến Thâm Quyến năm 2009, cho biết sự thay đổi lớn nhất mà ông đã thấy trong thập niên qua là cách những người trẻ từng làm ra hàng giả đang "trở thành những nhà phát minh, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D) mà đang dẫn đầu về công nghệ ở một số lĩnh vực nhất định.
Giáo dục đại học được cải thiện đã tạo ra một thế hệ kỹ sư mới, chẳng hạn như Zhang Zhaohui, giám đốc điều hành của Youibot, một công ty được thành lập từ “vườn ươm” của HAX để chế tạo robot bảo trì tự động đầu tiên cho xe buýt.
Zhang, 26 tuổi, dự đoán Thâm Quyến có tiềm năng rất lớn. Thành phố này có thể rất nhanh chóng bắt kịp Thung lũng Silicon."