'Tư lệnh' ghép đa tạng đầu tiên tại Việt Nam - Hoàng Mạnh An

Dù đã nghỉ hưu gần 10 năm nhưng Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y vẫn luôn được nhiều người biết đến với tư cách là một bác sĩ hàng đầu trong ngành phẫu thuật ghép tạng ở nước ta.

Ca mổ đậm dấu ấn “Hoàng Mạnh An”

Theo lịch hẹn, chúng tôi đến phòng làm việc của Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An vào một buổi chiều, khi cơn mưa giữa ngày đã làm dịu đi cái nóng oi ả của mùa hè. Sau cái bắt tay thật chặt, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An niềm nở: “Cháu vào đây uống chén nước đã”. Giọng của ông trầm ấm, khiến tôi cảm nhận rõ sự thân thiết, tin tưởng, mặc dù đây là lần đầu tôi được gặp ông. Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An kể cho tôi nghe về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Cái duyên đến với ngành phẫu thuật ngoại khoa của Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An thật bất ngờ. Năm 1975, sau hơn 4 năm nhập ngũ, chàng thanh niên Hoàng Mạnh An được cử đi thi và trúng tuyển vào Trường Đại học Quân y (Học viện Quân y ngày nay), thay vì tiếp tục theo ngành thủy lợi từng học trước đó. Lượng kiến thức hoàn toàn mới mẻ nhiều lần đã khiến Hoàng Mạnh An không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhưng với ý chí, nghị lực của một người lính, đặc biệt, khi chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình hằng ngày, hằng giờ phải chịu đau đớn vì thương tật, trái tim Hoàng Mạnh An như thắt lại. Điều ấy khiến ngọn lửa quyết tâm gắn bó với nghề y, phục vụ cứu chữa đồng đội trong ông bừng cháy hơn bao giờ hết. Cái duyên với nghề y cũng chính thức bắt đầu từ đó và gắn chặt với ông đến tận bây giờ.

 Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An và kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện phẫu thuật ghép thận.

Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An và kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện phẫu thuật ghép thận.

Sau hàng chục năm vật lộn, trăn trở với nghề, vị tướng Hoàng Mạnh An dù chẳng chỉ huy trên trận mạc, nhưng không biết bao nhiêu lần ông và đồng nghiệp phải chiến đấu giữa lằn ranh sinh-tử của người bệnh bằng cách thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật lớn nhỏ. Dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp y học, y thuật của Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An gắn liền với thành tựu đã góp phần làm nên thương hiệu của Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y, đó là: Lĩnh vực ghép tạng.

Theo lời ông kể thì vào năm 2010, ông tổ chức và tham gia thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. 4 năm sau, năm 2014, ông tiếp tục là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu, ứng dụng ghép tụy-thận trên người" và cũng chính là người chủ trì, đảm nhiệm vị trí “tư lệnh” của ca mổ ghép đa tạng (tụy-thận) đầu tiên tại Việt Nam. Chia sẻ kỷ niệm về ca mổ đặc biệt này, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An nhớ lại: “Tháng 3-2014, chúng tôi nhận được tin có nguồn tạng hiến từ một người tử vong đột ngột do tai nạn giao thông đang ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103. Đối tượng được ghép tạng là Đại úy QNCN Phạm Thái H, công tác tại bộ CHQS một tỉnh miền núi phía Bắc. Bệnh nhân này bị đái tháo đường biến chứng nặng, dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu và phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh viện đứng trước hai lựa chọn: Một là mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để thực hiện ca ghép tạng; hai là trực tiếp đội ngũ y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 sẽ tự thực hiện”.

Ông cho biết, cả hai phương án đều là những lựa chọn hết sức khó khăn, vì ở thời điểm ấy, Việt Nam chưa thể chủ động được nguồn tạng. Do đó, nếu thực hiện theo phương án 1 thì sẽ lỡ thời cơ, nguồn tạng sẽ không thể dùng được nữa, do thời gian chờ đợi quá lâu và người bệnh cũng mất đi cơ hội ngàn vàng. Thế nhưng nếu không có chuyên gia nước ngoài theo kế hoạch thì khi tiến hành ca ghép chắc chắn sẽ gặp khó khăn và mạo hiểm, bởi việc ghép đồng thời hai tạng thận-tụy trên người rất phức tạp và khi đó chưa có bệnh viện nào ở Việt Nam thực hiện. Đứng trước tình thế cam go ấy, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An đã đưa ra quyết định rất táo bạo: Thực hiện ca mổ theo phương án 2, tức là đội ngũ y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y sẽ tự thực hiện ca ghép này.

Trong phòng cấp cứu của Bệnh viện, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An nói với đồng nghiệp: “Bệnh viện chúng ta đã có hơn 20 năm xây dựng, chuẩn bị từ ca mổ ghép thận đầu tiên vào năm 1992. Với kiến thức đã học được từ các trung tâm ghép tạng ở nước ngoài và Bệnh viện cũng đã tổ chức ghép thử nghiệm đa tạng 50 ca trên động vật từ trước đó, nên ca ghép này nhất định sẽ thành công. Chính tay tôi sẽ thực hiện và chịu trách nhiệm về ca phẫu thuật này”.

Kết quả, ca phẫu thuật đã chứng thực cho quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng của tập thể Bệnh viện Quân y 103 và Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An. Ca mổ thành công trên cả mong đợi. Khi hoàn thành những đường khâu đóng ổ bụng cuối cùng, theo dõi thấy rõ sự tiến bộ về chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, cả kíp phẫu thuật vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Thành công của ca ghép đa tạng thận-tụy còn minh chứng cho chặng đường phấn đấu xây dựng, phát triển Bệnh viện Quân y 103 ngày càng hiện đại, tiên tiến, với sự đóng góp không nhỏ của Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An.

Tâm nguyện và những trăn trở

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An cho rằng, bác sĩ dù có giỏi đến mấy mà không có đầy đủ thiết bị y tế đúng chuẩn thì cũng rất khó thực hiện tốt những ca cấp cứu, đặc biệt là những ca nặng, nguy kịch. Vì vậy, trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo của Bệnh viện Quân y 103, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An đều đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Bệnh viện có nền tảng cơ sở vật chất sao cho xứng tầm nhiệm vụ. Ông nhiều lần đề xuất và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Học viện Quân y cho phép Bệnh viện tạo nguồn để chủ động mua sắm trang thiết bị, xây mới, sửa chữa phòng bệnh, nhà ở. Dưới bàn tay gây dựng của tập thể lãnh đạo Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y và sự đóng góp của Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, Bệnh viện từng bước đổi mới, khang trang, có đủ các trang thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu tự chủ ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn nguồn tạng, điều trị trước ghép, đến quản lý điều trị sau ghép... Hơn 30 năm kể từ ca ghép thận trên người đầu tiên vào năm 1992 đến nay, Bệnh viện Quân y 103 đã ghép tạng thành công gần 1.500 ca. Đó là thành tựu to lớn của nền y học Việt Nam nói chung và Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y nói riêng trong lĩnh vực ghép tạng.

Song hành với việc xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An cũng quan niệm: Dù cơ sở vật chất có tiên tiến đến đâu mà không được sử dụng bởi người có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ tốt thì cũng chẳng thể phát huy tác dụng. Ông khuyến khích đội ngũ y sĩ, bác sĩ tham gia các hội thảo chuyên ngành được tổ chức trong nước; học tập ở các trung tâm ghép tạng nước ngoài. Bản thân Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An cũng là người thầy tận tâm, đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ trẻ trưởng thành. Trong những lứa học trò của ông, rất nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Quân đội, bác sĩ đầu ngành của cả nước. Đến nay, ngay cả khi đã nghỉ hưu, trên cương vị Phó chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An vẫn thường xuyên đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước theo lời mời của các trung tâm y tế, các bệnh viện để truyền thụ kiến thức về ngành phẫu thuật ghép tạng nói riêng, ngành y nói chung.

Dạy nghề, dạy cả đức. Ghi nhớ lời dạy “Lương y như từ mẫu”, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện để đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện tham gia, như: Khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, thăm hỏi bệnh nhân nghèo... Mục đích của những việc làm ấy là để những người thầy thuốc, nhất là các thầy thuốc Quân đội thấu hiểu hơn về hoàn cảnh người bệnh, biết xót xa và thương cảm trước mỗi mảnh đời bất hạnh, từ đó hình thành nhân cách, y đức của người thầy thuốc quân y. Cùng với động viên, khuyến khích đội ngũ y sĩ, bác sĩ rèn luyện, tu dưỡng, Thiếu tướng Hoàng Mạnh An cũng đề nghị tập thể, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 103 xây dựng các quy định chặt chẽ về thực hiện y đức, y thuật, quyết liệt trong xử lý các lỗi phạm về nếp sống, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ đối với người bệnh. Từ sự vun đắp chắt chiu của nhiều thế hệ, đến nay, nếp sống văn minh, nhân đạo đã thường trực trong mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ và trở thành nếp ứng xử thường nhật ở Bệnh viện Quân y 103.

Ngồi cạnh Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An-người từng được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý (Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng...), trong căn phòng làm việc đơn sơ, chúng tôi nhận thấy ông rất đỗi giản dị, gần gũi, đúng với bản chất, phẩm giá của người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ.

TRẦN ANH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/tu-lenh-ghep-da-tang-dau-tien-tai-viet-nam-hoang-manh-an-789947