Tư lệnh ngành phải đề cao trách nhiệm, tránh tình trạng 'hứa suông'
Các ĐBQH đều khẳng định kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân.
Bám sát, đeo đuổi lời hứa của các tư lệnh ngành
Sau gần 1 tháng làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang "về đích" hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Đánh giá về nội dung kỳ họp bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV mang tính chất song hành với hoạt động điều hành rất trực tiếp.
Theo ông An, trong giám sát, hoạt động giám sát của Quốc hội không làm thay cho thanh tra, điều tra nhưng điều quan trọng nhất hoạt động giám sát của Quốc hội là chỉ ra được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý về mặt chính sách, xử lý về mặt trách nhiệm.
“Nhưng có một điều các ĐBQH và cá nhân tôi trăn trở đó là những Nghị quyết giám sát về chất vấn, đánh giá về trách nhiệm chưa đúng với kỳ vọng. Do đó, các ĐBQH rất mong muốn chỉ rõ thêm phần trách nhiệm đúng với chỉ đạo của Đảng là phải làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, việc này cần phải làm đậm nét hơn trong hoạt động giám sát”, ông An nói.
Đặc biệt, các bộ trưởng, trưởng ngành qua hoạt động chất vấn, giám sát phải ý thức được trách nhiệm của mình.
“Tôi cho rằng, nếu không làm được nên đứng sang một bên. Bởi, nhận thức được vấn đề, xác định được tồn tại hạn chế nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm sẽ làm vật cản, cản trở tiến trình phát triển. Quan điểm đưa ra là trách nhiệm phải được đề cao, giải quyết được công việc hiệu quả”, ông An cho hay.
Ông An cũng cho rằng đối với Quốc hội trong hoạt động chất vấn tuyệt đối không để tình trạng "hứa suông, hứa hão mà không làm”.
“Với nội dung các Bộ trưởng đã hứa, ghi trong Nghị quyết mà các kỳ họp sau kiểm điểm lại nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì Quốc hội phải có ý kiến. Các ĐBQH chúng tôi sẽ tiếp tục bám nắm những nội dung này”, ông An cho hay.
Cũng đánh giá về kỳ họp, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng đây là một kỳ họp dài nhất so với các kỳ họp trước, có sự đổi mới chia làm 2 đợt họp để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến của ĐBQH một cách đầy đủ hơn.
“Với lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành thì rất nhiều nhưng cần sắp xếp thứ tự việc nào cần giải quyết trước, việc nào cần giải quyết sau. Các ĐBQH sẽ luôn bám sát, đeo đuổi các lời hứa của các tư lệnh ngành”, ông Phàn nói.
3 ấn tượng về dấu ấn nổi bật
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân. Trong đó, kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.
Đại biểu có ba ấn tượng về dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung kỳ họp thứ 5. Đầu tiên là về công tác tổ chức. Kỳ họp đã được chia thành 2 đợt thay vì một đợt như những lần trước đây.
Trong một tuần nghỉ giữa hai đợt đã giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung được đại biểu quan tâm. Tại đợt họp thứ hai của kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng.
Thứ hai là về công tác lập pháp, kỳ họp có khối tượng công việc rất khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.
Thứ ba là về thái độ, tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục. Đại biểu lấy dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các Bộ trưởng dao động từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như về Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu.
Trong khi đó, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ và liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Dù vậy, với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, kể cả các vấn đề kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đầu tư công nên những quyết định của kỳ họp này liên quan đến kinh tế không chỉ giải các "nút thắt" cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà có tác động lâu dài.
Đặc biệt, theo ông Cường, kỳ họp này có rất nhiều dự án luật quan trọng, vừa là dự án luật thông qua, vừa là những dự án luật lấy ý kiến ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy, những quyết định của kết quả kỳ họp này đang tác động rất mạnh đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế của đất nước.
Ấn tượng nhất với ông Cường tại kỳ họp này là từ việc thảo luận luật cho đến thảo luận về kinh tế xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ… các đại biểu luôn đưa ra những vấn đề trực diện, thẳng thắn, không nhắc lại các báo cáo.
Quá trình điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã đi vào trực diện những vấn đề đại biểu đang muốn hỏi, đưa thêm ý kiến của mình vào để các thành viên Chính phủ trả lời.
“Không khí làm việc của kỳ họp Quốc hội này hết sức thẳng thắn, xây dựng và mang tính trực diện, tạo hiệu quả cao”, ông Cường nhấn mạnh.
Hiến kế phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) cho hay, tại các phiên thảo luận trên nghị trường, đặc biệt trong các phiên chất vấn, số lượng đại biểu bấm tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn lên đến trên 100 đại biểu. Những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm. Không chỉ phản ánh thực tế mà ĐBQH còn "hiến kế", kiến nghị phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã biến động rất lớn. Đối với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại và bước sang quý I tăng trưởng thấp so với kỳ vọng.
Mặc dù Chính phủ đã có những quyết tâm và hành động rất quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chúng ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); hỗ trợ tiêu dùng và vấn đề xuất khẩu.
Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm rất nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của Việt Nam trên 700.000 tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế.
Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm khi đơn hàng giảm do thị trường xuất khẩu thế giới bị suy giảm.
Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế. "Chúng ta cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa", ông Ngân nói.