Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ dè chừng trước Nga và Trung Quốc
Tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, khẳng định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong tương lai gần.
Phát biểu tại sự kiện "Tương lai của chiến tranh viễn chinh hiện đại" do báo The Hill tổ chức, tướng Berger cho rằng dù các mối đe dọa quân sự và an ninh ở những nơi khác không hề nhỏ, thì chúng vẫn chưa thể sánh bằng Bắc Kinh và Moscow.
“Với những gì mà tôi và chúng ta có thể thấy, điều đó (tiềm lực từ Trung Quốc và Nga) vẫn sẽ hiện hữu”, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố.
Đến dự sự kiện còn có Hạ nghị sĩ Joe Courtney, Chủ tịch tiểu ban các lực lượng biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Ông Courtney cũng lưu ý, không phải ngẫu nhiên Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lại ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho chuyến công du đầu tiên, thay vì Trung Đông hoặc Châu Âu.
"Rõ ràng, tôi cho rằng về mặt ngoại giao và quân sự, mối đe dọa đang tiến triển hiện nay nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có diện tích rộng lớn bao gồm cả vùng trời và vùng biển", Hạ nghị sĩ Joe Courtney phát biểu tại sự kiện.
Còn theo Hạ nghị sĩ Rob Wittman, một thành viên cấp cao khác của của tiểu ban các lực lượng biển, Trung Quốc đã và đang sử dụng mọi cách thức để học hỏi và củng cố các tàu biển và nhà máy đóng tàu của mình.
“Những gì chúng ta cần làm bây giờ là phải thức tỉnh trước thực tế này, để hiểu rằng Trung Quốc sẽ hành động khác biệt để đạt được mục đích riêng. Với họ, mọi phương tiện đều giống nhau", Hạ nghị sĩ bang Virginia cảnh báo.
Ông Wittman cũng nói, trong khi Mỹ mải tập trung vào tình hình tại Iraq và Afghanistan suốt 20 năm qua, thì việc đóng tàu và các nguồn lực cần thiết cho hải quân nước này vẫn không thay đổi. Điều này đã giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và công nghệ với Mỹ.
Bên cạnh đó, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng nhận định rằng, tương lai của lực lượng đổ bộ Mỹ nằm ở những con tàu nhỏ hơn, cơ động hơn.
"Chúng ta vẫn sẽ cần các con tàu lớn để kết nối hậu cần, nhưng sẽ dần chuyển sang các phương thức đổ bộ để di chuyển trang thiết bị, tiếp tế cho các đơn vị Thủy quân lục chiến. Các bạn sẽ không còn được thấy những cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn như trong Thế chiến II", ông Wittman giải thích.