Từ lò lửa đến lũ lụt: Thành phố nóng nhất thế giới ở Pakistan hiện đang chìm trong nước
Vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, Jacobabad lại hứng chịu những trận mưa lớn kỷ lục, gây ngập lụt diện rộng.
Nắng nóng đến lũ lụt
Theo hãng tin Reuters (Anh), cách đây không lâu, Sara Khan, hiệu trưởng một trường học dành cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Jacobabad, miền nam Pakistan, đã cảnh báo khi một số học sinh đã ngất xỉu vì nắng nóng. Jacobabad được coi là thành phố nóng nhất thế giới tại một thời điểm vào tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, giờ đây, những trận mưa lớn trong mùa gió mùa đã nhấn chìm nhiều vùng trên cả nước.
Jacobabad cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Vào tháng 5, nhiệt độ tại đây lên tới 50 độ C, khiến lòng kênh hồ khô cạn và một số cư dân ngất xỉu vì say nắng. Giờ đây, các khu vực của thành phố ngập trong nước, mặc dù lũ lụt đã rút xuống mức đỉnh điểm.
Trong khu phố của hiệu trưởng Khan ở phía đông thành phố, những ngôi nhà đã bị hư hại nặng. Hôm 31/8, cô cho biết cô nghe thấy tiếng khóc từ một ngôi nhà hàng xóm khi mái nhà bị sập do nước làm hư hại khiến một người tử vong.
Nhiều học sinh của cô không thể trở lại trường học trong nhiều tháng, vì chương trình học bị gián đoạn trong đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè.
"Jacobabad là thành phố nóng nhất trên thế giới, có rất nhiều thử thách ... trước đây người ta say nắng, bây giờ người ta mất nhà cửa, gần như tất cả mọi thứ (trong trận lũ), họ trở thành vô gia cư", cô nói với Reuters.
Hiện hơn 40.000 người đang phải sống trong những nơi trú ẩn tạm thời, hầu hết là ở các trường học đông đúc với thực phẩm hạn chế.
Một trong những người đi lánh nạn, Dur Bibi, 40 tuổi, ngồi dưới lều trong khuôn viên một trường học và nhớ lại khoảnh khắc cô tháo chạy khi nước tràn vào nhà vào đêm cuối tuần trước.
"Tôi ôm các con và lao ra khỏi nhà với đôi chân trần", cô kể.
Bốn ngày sau, cô vẫn chưa nhận được thuốc cho cô con gái đang bị sốt.
"Tôi không có gì, ngoài những đứa trẻ này. Tất cả đồ đạc trong nhà của tôi đã bị cuốn trôi".
Thời tiết cực đoan
Sự thay đổi cực đoan của thời tiết ở Jacobabad lộ tẩy một số thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu hồi đầu năm nay của nhóm World Weather Attribution, một nhóm các nhà khoa học quốc tế, đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng tấn công Pakistan vào tháng 3 và tháng 4 nhiều hơn gấp 30 lần.
Liz Stephens, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Reading ở Anh, cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt gần đây. Đó là bởi bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn, cuối cùng sẽ được giải phóng dưới dạng mưa lớn.
Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari cho biết, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp này đang đối mặt rất nhiều khó khăn.
Ông nói với Reuters rằng: "Nếu bạn là một nông dân ở Jacobabad ... bạn không thể trồng cây vì khan hiếm nước và nắng nóng trong đợt nắng nóng, còn bây giờ cây trồng của bạn đã bị hư hại do lũ lụt trong đợt gió mùa".
Tại Jacobabad, các quan chức địa phương cho biết, những trận mưa lớn bất thường đang làm căng thẳng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các bệnh viện đã thành lập các trung tâm ứng phó say nắng khẩn cấp vào tháng 5 hiện đang báo cáo một số lượng lớn người bị thương trong lũ lụt và bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cùng các bệnh về da trong bối cảnh điều kiện vệ sinh không được đảm bảo.
Viện Khoa học Y tế Jacobabad (JIMS) cho biết, họ đã điều trị cho khoảng 70 người trong những ngày gần đây vì bị thương do các mảnh vỡ trong lũ lụt, bao gồm vết cắt sâu và gãy xương. Hơn 800 trẻ em nhập viện JIMS vì tình trạng viêm dạ dày ruột vào tháng 8 khi mưa lớn, so với 380 trẻ của tháng trước.
Tại bệnh viện khác gần đó, nơi nền đất ngập một phần vì nước lũ, bác sĩ Vijay Kumar cho biết số ca bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột và các bệnh khác đã tăng ít nhất gấp ba lần kể từ khi lũ lụt.
Rizwan Shaikh, giám đốc Văn phòng Khí tượng của Jacobabad, đã ghi nhận nhiệt độ cao 51 độ vào tháng 5. Giờ đây, ông lại đang theo dõi lượng mưa lớn dai dẳng.
Ông nói: "Tất cả các nơi đều ở trong tình trạng rất căng thẳng".