Từ lời thề Độc lập đến khát vọng Việt Nam
Ngày 2-9-1945, nắng Ba Đình xanh trong như vẫy gọi. 'Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy' - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa dứt lời thề Độc lập, quảng trường hôm ấy bừng lên tiếng hô 'Xin thề, xin thề'. Có những người vừa hô, vừa khóc, bởi lẽ từ thân phận nô lệ, giờ đây, nhân dân ta đã làm chủ giang sơn, trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập sau bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt.
Hiếm có đất nước nào có 2 mùa thu như đất nước ta: mùa thu của thiên nhiên và mùa thu cách mạng. Nhìn lại một chặng đường dài mà toàn dân tộc đã đi qua với biết bao dấu ấn, những tháng ngày quật khởi mùa thu năm 1945 luôn là niềm tự hào và kiêu hãnh trong tâm trí bao người.
Thời điểm ấy, dù vũ khí thô sơ, đội ngũ phân tán, đường sá cách trở, thông tin liên lạc còn hạn chế, nhưng khi muôn lòng như một, thì ngọn lửa yêu nước tỏa lan không gì ngăn nổi. Giặc Pháp phân rẽ nước ta thành ba Kỳ hòng dễ dàng cai trị thì nay ta nối liền một dải non sông, không một ai, một địa phương nào hay đảng phái nào cát cứ nắm quyền riêng. Tất cả hướng về lá cờ đỏ sao vàng mang hồn thiêng sông núi và lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Kể từ năm 1925 cho đến ngày khởi nghĩa, là 20 năm dày công chuẩn bị sức mạnh và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân để chớp được đúng thời cơ và vận dụng đúng thời cơ, trở thành làn sóng cách mạng tỏa đi khắp cả nước và giành lấy thành công trong 22 ngày. Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm rung chuyển nhiều khu vực trên thế giới, tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước còn đang dưới ách đô hộ, thuộc địa của thực dân.
Không khí của ngày lễ Độc lập năm ấy được những cán bộ lão thành nguyên là đội viên Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ghi lại: “Chúng tôi được phân công bảo vệ vòng ngoài cùng của lễ đài, nhìn bốn xung quanh, từng đoàn người từ khắp nơi diễu hành qua các phố đổ về quảng trường với cờ hoa, ai cũng mặc bộ trang phục tươm tất nhất dẫu gương mặt còn khắc khổ. Tất cả giơ cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”... Nghi lễ kéo cờ và cử quốc ca bắt đầu thật linh thiêng và thành kính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là Bộ trưởng Nội vụ trịnh trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập”.
Bác Lê Văn Vân, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: “Nhưng lúc ấy tôi nghe thấy tuyên bố danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tôi cứ băn khăn mãi là vì sao đó không phải là cụ Nguyễn Ái Quốc? Bởi cái tên Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã thân thuộc với thế hệ thanh niên và người dân Hà Nội yêu nước lúc bấy giờ. Khi kết thúc buổi lễ, tôi mới biết Cụ Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc”.
Vào lúc Chính phủ lâm thời nước ta ra mắt quốc dân vào chiều 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, người dân các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng tập trung ở tòa thị chính hoặc Nhà hát Lớn để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai ai cũng hân hoan, hô vang lời thề sắt son quyết đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc khi Bác hiệu triệu toàn dân: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Một số phần tử phản cách mạng lảng vảng quanh những khu vực đông người để theo dõi và nhận mặt cán bộ hòng trả thù về sau. Nhiều người nhận ra chúng đã hô hoán đả đảo để cán bộ liêm phóng bắt lại.
“Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ và chính xác là chúng tôi đã hăng hái đi theo cách mạng như “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Sau ngày 2-9, thanh niên chúng tôi xông pha trên mọi công việc để xây dựng quê hương và chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 đã trở thành động lực thôi thúc chúng tôi vượt qua khó khăn, nguy hiểm. Phải nói rằng, cách mạng đã sinh ra tôi lần thứ 2” - ông Đặng Minh Phương, nguyên Phó Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên xúc động nói.
Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám và lời thề Độc lập, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khẳng định: “Hình ảnh Bác Hồ hiệu triệu và toàn dân đáp lời đã cho thấy rõ tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Đó là sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Chính nhờ điều đó mà sự nghiệp đổi mới của chúng ta mới thành công và đất nước chúng ta mới có cơ đồ như ngày hôm nay”.
Qua 76 năm, thế và lực của Việt Nam đã khác. Những thắng lợi vẻ vang của biết bao thế hệ người dân đã đưa Việt Nam tiến vào kỉ nguyên đầy hoài bão của một dân tộc anh hùng và yêu chuộng hòa bình. Năm 2021, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026, chúng ta có hai mục tiêu chiến lược, hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong điều kiện mới đầy thách thức như hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường sức mạnh toàn dân tộc, trên dưới một lòng, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo nhằm sớm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại. Điều đó thể hiện khát vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phồn vinh. Đó cũng chính là ngọn lửa từ lời thề Độc lập năm xưa đã và đang thắp lên một khát vọng hùng cường, thịnh vượng mang tên “Khát vọng Việt Nam”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-loi-the-doc-lap-den-khat-vong-viet-nam-post443140.html