Tự Long: 'Phim hài Tết khó tránh khỏi dung tục'
Những năm gần đây, các sản phẩm hài Tết chuyển dần sang phát hành trên mạng với nhiều nội dung gây tranh cãi.
Trong thời kỳ hoàng kim của những chiếc đầu đĩa CD, DVD, phim hài là món ăn tinh thần không thể thiếu với đông đảo bộ phận người dân vào những ngày Tết.
Bước sang thời kỳ 4.0, thói quen mua đĩa bị thay thế dần bởi YouTube và những nền tảng trình chiếu online. Những sản phẩm hài Tết cũng dần chuyển sang "bến đỗ" mới trên không gian mạng.
Bước chuyển giao này khiến thị trường phim hài được mở rộng hơn bao giờ hết. Nhưng đi kèm với đó là dấu hiệu chất lượng nội dung đang đi xuống, với hàng loạt tác phẩm hài nhảm, hài dung tục, câu khách bằng yếu tố hở hang, phản cảm.
Về vấn đề này, NSND Tự Long, một trong những gương mặt nổi bật nhất của giới làm hài, đã có những chia sẻ.
Làm phim hài khó tránh khỏi yếu tố dung tục
- Những năm gần đây, thị trường phim hài Tết đã mở rộng hơn rất nhiều so với thời kỳ hoàng kim của băng đĩa. Anh có nhận xét gì về điều này?
- Về thị trường phim hài Tết miền Bắc, hiện nay có rất nhiều công nghệ làm phim mới. Các nhóm hài, nhóm đạo diễn cũng vì thế mà xuất hiện ngày một nhiều. Ai cũng có thể tấu hài rồi phát lên kênh riêng trên mạng cho đối tượng nào xem thì xem. Điều này khiến cho thị trường bị phân khúc hơn rất nhiều.
Trước đây, thời đạo diễn Phạm Đông Hồng vẫn còn sống, muốn làm phim hài thì phải trải qua quá trình thẩm định rất cụ thể và rõ ràng, phụ thuộc vào số lượng băng đĩa bán ra và tiêu chí chất lượng của nhà kiểm định. Khi làm vậy, cơ quan quản lý xác định được thang bậc chất lượng của từng sản phẩm.
Bây giờ thì khác rồi. Thị trường băng đĩa không còn được như ngày xưa nữa. Người xem chỉ cần kích chuột là xem được các sản phẩm hài trên mạng. Những tiêu chí chất lượng thời trước cũng không thể áp dụng triệt để được. Cho nên để nói thị trường hiện nay như thế nào thì rất khó đánh giá chính xác.
- Anh tìm chỗ đứng thế nào giữa thị trường hài Tết đang ngày càng bát nháo?
- Thực ra những năm gần đây, tôi và Xuân Bắc có một tiêu chí là cứ 2 năm hoặc hơn thì ra 1 CD hoặc DVD hài, mang dấu ấn của riêng chúng tôi. Tôi và Bắc không muốn làm theo kiểu mỗi năm một lần vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và cả hình ảnh của chúng tôi nữa.
Trước khi thực hiện một tiết mục, chúng tôi muốn nghĩ thật kỹ. Nếu làm việc theo kiểu thời vụ thì sẽ dẫn đến khan hiếm kịch bản, rồi cái nọ trùng với cái kia, khán giả họ sẽ thấy nhàm chán.
- Có ý kiến cho rằng thương hiệu hài phía Bắc đang bị làm cho mai một bởi những tác phẩm lợi dụng ngôn từ dung tục, hình ảnh hở hang để câu khách. Quan điểm của anh?
- Thực ra thì nói đến hài, các cụ ngày xưa có câu “Đố tục giảng thanh” (Một hình thức câu đố dân gian, khi đọc qua cảm thấy hơi tục tĩu nhưng thực ra chỉ là những đồ vật, trái cây, hành động... bình thường trong cuộc sống - PV). Chỉ có điều định hướng góc nhìn như thế nào để khán giả trông vào không thấy phản cảm.
Không có khuôn mẫu nào dành cho hài cả. Vậy nên nếu tiêu chí là để mang đến tiếng cười cho người xem, thì quan trọng là cái tiêu chí ấy như thế nào, có văn hóa, có nhân văn hay không.
Từ xưa đến nay, hài vẫn luôn là sân chơi vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ là với công nghệ như ngày nay thì chỉ cần điện thoại là ai cũng có thể tấu hài, làm hài rồi đẩy lên mạng cho mọi người xem. Tuy nhiên, đi kèm với sự dễ dãi này là một khoảng thời gian để thanh lọc.
Có thể ban đầu khán giả thấy lạ họ sẽ xem những sản phẩm đó. Nhưng chỉ đến lần thứ 2 thôi là họ sẽ có cảm nhận của riêng mình. Những người có trình độ, nhận thức thấy nó lởm, nó thô bỉ, vô văn hóa thì họ sẽ không kích chuột vào đó nữa. Càng dễ dãi bao nhiêu thì càng bị đào thải nhanh bấy nhiêu. Cái gì cũng có chân giá trị của nó. Làm hài hay làm gì cũng vậy.
Ngày xưa khó khăn lắm thì mới mua được CD, DVD nên đã mua về thì đành phải xem hết. Bây giờ khác rồi, có những thứ mình không mất tiền mà vẫn xem được. Mà miễn phí thì lại hay bị bỏ qua dễ dàng. Cái gì cũng có quy luật.
Hài dân gian sẽ không biến mất
- Quan điểm của anh về hài dân gian?
- Kịch bản hài dân gian, tức mượn chuyện xưa nói chuyện nay, Ba Giai Tú Xuất... thì thực ra ai cũng có thể làm được. Chỉ có điều nó là bình mới rượu cũ hay rượu cũ bình mới thôi. Riêng đạo diễn Đông Hồng thì lại là một người rất kỹ lưỡng, có đầu tư cho sản phẩm của mình.
Anh ấy có một cái gu xuyên suốt trong các tác phẩm và từng hợp tác với hàng loạt những cây hài nổi tiếng như Xuân Hinh, Xuân Bắc, Đức Thịnh, Quốc Anh... Đó đều là những cái tên biết gìn giữ hình ảnh của mình chứ không phải kiểu nghệ sĩ chạy theo cát-xê rồi cố làm cho bằng được.
Như Xuân Bắc làm với anh Hồng từ Râu quặp, Cả ngố, Quan trường trường quan, Không hề biết giận, đến bây giờ những tác phẩm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Hài với nghệ thuật có hai thứ giữ chân khán giả. Một là “Lâm khốc giật độc”, bao gồm những thứ mới lạ, độc đáo, khốc liệt. Hai là giá trị trong những lần xem lại. Nhiều tác phẩm khán giả xem một lần rồi thôi nhưng cũng có những tác phẩm họ xem đi xem lại bao nhiêu lần cũng không chán.
- Nhưng thời đại này, có nhiều nhóm hài sử dụng những yếu tố thời thượng từ nước ngoài. Gu xem hài của giới trẻ cũng đã thay đổi ít nhiều. Anh có sợ nét hài dân gian sẽ dần biến mất theo thời gian?
- Không thể mất được. Chất dân gian có lúc được cập nhật, có lúc được đề cao, có lúc bị lãng quên nhưng không thể mất đi hoàn toàn. Nghệ thuật cũng là để phục vụ cuộc sống. Có những thứ thuộc về thời thượng, thuộc về tiếng cười hiện đại thì các nghệ sĩ phải làm theo.
Nhưng họ sẽ làm theo cách mà tính dân gian vẫn lắng đọng lại, vẫn gìn giữ được cái vốn cổ của mình. Mọi thứ nằm ở trong lăng kính của người nghệ sĩ chứ tôi tin nét dân gian không thể nào mất đi được.
Xã hội càng phát triển thì người ta càng có nhu cầu tìm về nguồn cội của mình. Những thứ mang tính chất truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật, chúng đã tồn tại từ hàng thế kỷ nay như vậy rồi. Xu hướng tìm về cội nguồn là điều sẽ tồn tại mãi mãi.
- Anh có nghĩ sự hình thành của thói quen xem hài YouTube sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của mình?
- Tôi nghĩ nó không ảnh hưởng, vì những sản phẩm làm trên mạng nằm trong phân khúc riêng của nó. Thu nhập có bị ảnh hưởng hay không nhiều khi phụ thuộc vào mối quan hệ là chính. Quan hệ kém, người ta ít mời thì hài trên YouTube cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Nhiều chủ doanh nghiệp bảo: "Hôm nay không phải nhóm Vân Dung - Quang Thắng tôi không đồng ý đâu. Mời đến 7 lần rồi, hết tiểu phẩm thì đến giao lưu không thôi cũng được". Không phải họ cực đoan, lười thay đổi đâu mà đó là cái tính của đối tác, khán giả, họ rất chung thủy.
Tuy nhiên, thời kỳ 4.0 thì cũng có cái hay, cái dở nhất định. Cái hay là những người ở nơi không xem được thì sẽ xem được, mang nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả. Cái dở là những góc máy không được đẹp, âm thanh không được chuẩn sẽ làm méo mó đi chất lượng của sản phẩm.
Thậm chí là có những nghệ sĩ dồn tâm huyết hàng tháng trời cho một tiết mục biểu diễn. Tiết mục này cũng là cần câu cơm của họ trong cả năm nhưng vừa diễn được một buổi đã bị quay trộm. Thành ra đi diễn tiếp người ta không xem nữa vì không muốn xem lại.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-long-phim-hai-tet-kho-tranh-khoi-dung-tuc-post1022689.html