Từ Lyndon Johnson đến Joe Biden: Tiếng vọng lịch sử
Sau gần 6 thập kỷ, thượng tầng chính trị Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại chứng kiến một vị tổng thống đương nhiệm tuyên bố từ bỏ chiến dịch tái tranh cử. Mặc dù so sánh vẫn luôn là khập khiễng, nhưng có lẽ, cách mà vị tổng thống đảng Dân chủ Lyndon Baines Johnson bỏ cuộc vào năm 1968, cũng như những hệ lụy của quyết định ấy, vẫn có thể sẽ mang đến nhiều gợi mở cho bối cảnh hiện tại.
Dưới cái bóng của chiến tranh
Như chính tờ The Washington Post đánh giá, khi lật mở lại những trang hồ sơ cũ, lựa chọn không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Lyndon B.Johnson khi ấy "gây sốc cho người dân Mỹ". Tuy vậy, chính xác thì điều gây sửng sốt không phải là bản thân quyết định từ bỏ, mà là cách nó được thông báo.
Đó là đêm 31/3/1968, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục tạo nên những âm vang chấn động thế giới, trong lúc tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mà lính viễn chinh Mỹ đóng giữ thì oằn mình bởi nỗi sợ hãi rằng nó sẽ trở thành một "Điện Biên Phủ mới".
Từ Phòng Bầu dục, Johnson có một bài phát biểu về Chiến tranh Việt Nam trên truyền hình. Nói được khoảng gần 40 phút, vị Tổng thống Mỹ thứ 36 ấy đột ngột chuyển đề tài: "Trong bối cảnh những người con của nước Mỹ đang phải hiện diện trên những cánh đồng xa xôi, khi tương lai của nước Mỹ đang bị thách thức ngay tại quê nhà, vào thời điểm những niềm hy vọng của chúng ta cũng như của thế giới về hòa bình đang bị đe dọa từng ngày, tôi không tin rằng mình nên dành một giờ hay một ngày cho bất kỳ lý do đảng phái cá nhân nào, hoặc cho bất kỳ nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ tuyệt vời: làm Tổng thống của các bạn". Nghĩa là, ông sẽ không tiếp nhận đề cử nào từ đảng Dân chủ nữa.
Chỉ gia đình và một vài cố vấn thân cận được cho biết trước quyết định đó, nên tất cả những người Mỹ lắng nghe bài phát biểu của ông vào đêm ấy đều cảm thấy choáng váng. Sau này, những lý do chính dần dần được hé lộ: Mối lo ngại của Johnson về sức khỏe của chính mình, sự bất mãn về cách ông xử lý cuộc chiến, hay sự cạnh tranh từ những ứng viên Dân chủ khác...
Nhưng có lẽ, trong các lý do được nêu ra, nguyên nhân cốt lõi hẳn phải là tình thế bế tắc hoàn toàn, trong nỗ lực can dự vào Chiến tranh Việt Nam. Ở phần trước của bài phát biểu, Johnson đã buộc phải thông báo rằng mình vừa ra lệnh "xuống thang" ném bom miền Bắc Việt Nam, nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán hòa bình, như Brittanica xác nhận. Không gì khác, đặt cạnh một chuỗi các diễn biến trên chiến trường thực địa, đó là sự thừa nhận rằng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" đã chính thức phá sản, theo âm hưởng mà cố vấn danh tiếng Robert S.McNamara viết trong cuốn Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam: "Các báo cáo của CIA cho thấy ném bom miền Bắc không làm cho Bắc Việt Nam ngừng lại, trong khi chúng ta không thể đẩy lùi kẻ thù (Bắc Việt) ở Nam Việt Nam".
Vào thời điểm tháng 12/1967, số lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam là 485.600 quân, và đã có tới 15.979 lính Mỹ tử trận. Trong khi đó, phong trào phản chiến cũng như chống phân biệt chủng tộc ngày càng lan rộng, tạo nên những lằn ranh chia rẽ sâu sắc ngay trong lòng nước Mỹ, bất chấp những chính sách mang tính chất xây dựng sự bình đẳng mà LBJ (Tổng thống Johnson) cố gắng thực hiện (như Đạo luật Bầu cử, cho phép hàng triệu người da đen ở các bang miền nam nước Mỹ được bỏ phiếu lần đầu tiên, hay Đạo luật Dân quyền cùng Đạo luật Công bằng Nhà ở năm 1968, song song những nỗ lực cải cách hệ thống y tế và cuộc chiến chống đói nghèo).
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Johnson (tính cả quãng thời gian ông được đưa lên thay thế người tiền nhiệm John Kennedy bị ám sát năm 1963), tỷ lệ người Mỹ sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 23 xuống 12% (theo số liệu của nhà nghiên cứu Robert Dallek). Song, chiến trường Việt Nam vẫn là "tử huyệt", khi các diễn biến ở đó phủ định mọi niềm lạc quan giả tạo được cấy vào các chiến dịch tuyên truyền, bằng các dạng ngôn ngữ như "ánh sáng cuối đường hầm" hay "chiến thắng trong tầm tay". Đến cả một "lối thoát trong danh dự" cũng vẫn hoàn toàn bị khuất lấp. Ngược lại, để phục vụ chính sách ở Việt Nam, ông khiến ngân sách liên bang thâm hụt nặng nề, đến độ phải đề nghị Quốc hội Mỹ chi thêm tiền vào năm 1967, rồi sau đó là dự định tăng 6% đối với thuế thu nhập cá nhân cũng như doanh nghiệp - những kế hoạch bị phản đối gay gắt.
Chính là từ "con dốc ngược" đó, Johnson đánh mất mọi sự kiểm soát cũng như lòng tự tin, khi chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình sụt xuống chỉ còn 36%, vào thượng tuần tháng 3/1968.
Những di sản mịt mờ
Nói một cách ngắn gọn, Johnson không tìm thấy một hướng đi nào, không biết phải làm gì, cũng chẳng còn biết trông cậy vào ai, để thực hiện một cuộc chinh phục mới, với cương lĩnh mới và những gói giải pháp mới. Việc thay đổi quan điểm về Chiến tranh Việt Nam khiến ông đánh mất khả năng kiểm soát ngay trong chính nội bộ đảng Dân chủ. Không chỉ vậy, những tác động bên ngoài càng khiến cơ thể ông thêm suy kiệt, và những nguy cơ từ bệnh tim mãn tính càng khiến ông sợ hãi (kể từ sau cơn đau tim năm 1955, ông đã phải bỏ thuốc lá). Ông từng nói rằng ông "không muốn trở thành Wilson (Tổng thống Mỹ qua đời do đột quỵ khi đang tại vị, vào năm 1919)". Vậy nên, đối với Johnson, từ bỏ cũng chính là một sự giải thoát.
Tuy nhiên, điều đó lại khiến những người kế tục ông phải kế thừa những gánh nặng nghìn cân. Trong nội bộ đảng Dân chủ, Phó Tổng thống và cũng là người đứng cùng liên danh tranh cử Hubert Humphrey, khi thay thế ông, đã dễ dàng bị đánh bại bởi ứng viên đảng Cộng hòa, ông Richard Nixon.
Song, đến lượt Nixon cũng sa vào "vũng lầy Việt Nam". Mắc kẹt giữa gọng kìm sức ép của cả hai phe "diều hâu" và "bồ câu" trên chính trường Mỹ, khi bắt buộc phải lựa chọn, thì ông ta lại chọn "đâm lao phải theo lao", tiếp tục điên cuồng leo thang và tiếp tục nhận những thất bại cay đắng, như chính Johnson từng thất bại. Cuộc chiến vô vọng ấy tiếp tục khiến nước Mỹ trở nên hỗn loạn, với những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các tầng lớp trong xã hội, và với cả sự "bốc hơi" của những "núi tiền" trong ngân sách liên bang.
Sau đó, như một chiếc nồi áp suất chạm đến giới hạn, ẩn ức bùng vỡ và hủy hoại niềm tin trong tâm trạng xã hội. Năm 1971, Hồ sơ Lầu Năm Góc bị rò rỉ bởi Daniel Ellsberg, được The New York Times đăng tải, phơi bày tất cả những mặt dối trá và đen tối của Chiến tranh Việt Nam từ thời Johnson, trở thành quả bom công phá chính sách đối ngoại của Nixon. Năm 1974, vụ Watergate (nghe lén các cuộc họp của đảng Dân chủ) bị phanh phui, khiến Nixon bắt buộc phải từ chức. Xét cho cùng, người kế nhiệm của Johnson thực ra cũng hoàn toàn mất hướng, chưa kể ông cũng còn cùng nước Mỹ "dính dáng" đến một cuộc chiến khác, giữa liên quân Arab với Israel năm 1973.
Và hiện tại, 56 năm sau ngày Johnson "xuống đài", như chính The Washington Post bình luận, câu chuyện ấy cũng phản chiếu những sức ép ghê gớm xung quanh đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. Để rồi, vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng đã lựa chọn "buông bỏ" (cho dù mới chỉ vài tuần trước thôi, ông còn tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ).
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Joe Biden cũng đã và đang phải nhận những sự công kích dữ dội từ phe đối lập, về những gói viện trợ quân sự khổng lồ dành cho Ukraine, trong cuộc xung đột quân sự với nước Nga. Và chưa hết, ông cũng đang phải chứng kiến một điểm nóng mới mỗi ngày một sôi sục thêm ở Trung Đông. Trên lĩnh vực đối ngoại, vị thế đơn cực của nước Mỹ cũng như phương Tây bị thách thức mạnh mẽ từ sự trỗi dậy mãnh liệt của Nga, Trung Quốc, khối BRICS cũng như các quốc gia Nam bán cầu. Trong nước, những chỉ số kinh tế - xã hội là vô cùng ảm đạm: Giá thực phẩm đã tăng 21% kể từ đầu năm 2021, giá năng lượng tăng 33% và giá nhà ở tăng 18,5%; mức nợ công tăng khoảng 25%, và dự báo thâm hụt ngân sách liên bang sẽ lên đến gần 2.000 tỷ USD trong năm nay. Chính quyền của ông đã liên tục cố gắng "thu nhân tâm" bằng rất nhiều gói cứu trợ hay kích thích, kể từ đầu nhiệm kỳ, nhưng để có nguồn thu bù vào đó, công cụ ưa thích nhất lại cũng chỉ có thể là… tăng thuế.
Tổng thống Joe Biden, cũng như cả phương Tây, đã tô vẽ những viễn cảnh quá nhiều ánh sáng cho Ukraine, để hiện tại, họ rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Bên cạnh đó, các vấn đề về sức khỏe của ông cũng liên tục bị săm soi, đả kích, châm biếm. Cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ Donald Trump bị xem là thảm họa, nên cuối cùng, đích thân cựu Tổng thống Barack Obama - "thủ lĩnh" thực thụ của đảng Dân chủ - đã đề nghị Tổng thống Biden "suy nghĩ lại" một cách đầy ẩn ý.
Và ông hiểu rõ "ý tứ" ấy, để chuyền cây gậy tiếp sức cho Phó Tổng thống Kamala Harris, người vốn luôn đứng chung liên danh tranh cử trong vai trò trợ thủ của ông, mà nay đã nhận được tất cả mọi sự hậu thuẫn vốn dành cho ông.
Nhưng, cũng chính là với cương vị ấy, cách tiếp cận vấn đề ấy, sự theo đuổi những chính sách đã và đang được thực thi ấy, liệu khi tiếp quản "di sản" này, bà Kamala Harris có đủ khả năng vạch ra những "lối thoát hiểm" trong mờ mịt hay không?