Từ Mã Pì Lèng, Lũng Cú, Đồng Văn, nghĩ về phát triển bền vững

Dư luận vừa lắng xuống sau câu chuyện về tòa nhà không phép ở Mã Pì Lèng thì lại lo lắng với Lũng Cú, Đồng Văn. Địa phương và doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển nóng mà bất chấp yếu tố bền vững.

Thời gian qua, việc khai thác di sản tại Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang)... đã cho thấy di sản đem lại những tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Nhưng lợi ích đó cũng dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch… để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép như: việc xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang.

Dự án Khu di tích sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (ảnh Tuoitre.vn)

Dự án Khu di tích sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (ảnh Tuoitre.vn)

Hà Giang nối dài danh sách đó với hàng loạt công trình vi phạm. Sau Mã Pì Lèng, hai địa danh gồm Di tích Đồn Cao (Đồng Văn) và Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tiếp tục bị Bộ VHTTDL "tuýt còi".

Theo Bộ VHTTDL, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất được sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thuộc khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Vị trí của 02 Dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017); Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/4/2017). Bộ VHTTDL khẳng định, qua kiểm tra tình hình thực tế, 02 Dự án này đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ 02 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL tại các văn bản nêu trên.

Tư duy phát triển "nóng" của nhiều địa phương dựa trên tiêu chí về doanh thu du lịch đang cần phải xem lại. Nhìn ra thế giới, hòn đảo Mont Saint Michel (Pháp)- gồm nhiều công trình tôn giáo cổ, rất nổi tiếng với con đường độc đạo nối vào đất liền được xem là di sản quý giá hàng đầu của Pháp và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Ngay từ đầu, nhà chức trách Pháp đã quy hoạch và cấm xây dựng các công trình du lịch, bãi đậu xe ở khu vực ven biển - nơi đối diện hòn đảo - để giữ gìn khung cảnh thiên nhiên sinh thái bao quanh. Tới đây, khách chỉ được đậu xe tại bãi xe chính cách đảo khoảng 3 km, trong vùng đệm của di sản, từ đó có thể đi bộ hoặc đi xe bus hay xe ngựa vào hòn đảo cổ xưa này. Đổi lại, họ được sống lại cảm xúc của người xưa khi không gian xanh sinh thái trên đảo và lân cận hoàn toàn được bảo vệ. Tất cả tập hợp các công trình tôn giáo được gìn giữ tôn tạo như hiện trạng nhiều thế kỷ trước.

Người Pháp đã xác định một không gian vùng ảnh hưởng trực tiếp đến di sản rất rộng lớn và nó cũng được bảo tồn nghiêm ngặt. Không gian di sản của công trình không chỉ dừng lại trong phạm vi 6,56 hecta của đảo. Tới 57,51 hecta không gian liền kề của khu vực ven biển nơi tiếp giáp hòn đảo cũng được bảo tồn. Toàn bộ vùng rộng lớn này bị cấm xây dựng. Nhờ đó, từ khoảng cách vài km cho đến ngay phía trước hòn đảo và từ mọi góc nhìn, người ta đều cảm nhận được trọn vẹn bức tranh lịch sử nghìn năm của các lâu đài tôn giáo nơi đây.

Công trình trên Mã Pì Lèng

Công trình trên Mã Pì Lèng

Thêm một ví dụ về cách bảo tồn khác, tháng 4 năm 2018, Philippines thông báo đảo nghỉ dưỡng Boracay- điểm đến nổi tiếng của quốc gia này sẽ ngừng đón khách du lịch trong vòng 6 tháng để khắc phục các vấn đề liên quan đến nước thải và môi trường. Boracay từng được tạp chí Conde Nast bình chọn là hòn đảo nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất. Ngoài ra, nó còn đứng thứ hai trong số 25 bãi biển của châu Á và xếp hạng 24 trên thế giới theo đánh giá của giải thưởng Travellers' Choice năm 2018 của TripAdvisor. Vào năm 2017, có khoảng 2 triệu du khách đến Boracay. Báo chí lúc đó thông tin, việc đóng cửa trong 1 năm sẽ khiến ngành du lịch của hòn đảo thiệt hại khoảng 1 tỉ USD. Việc đóng cửa để bảo vệ môi trường là câu chuyện hy hữu nhưng là bài học không dành riêng cho ngành du lịch của bất kỳ quốc gia nào.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chính sách của UNESCO về Di sản Thế giới và Phát triển Bền vững năm 2015 có một nguyên tắc cơ bản không đổi là: "Các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản". Với quan điểm này, các mục tiêu phát triển trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch tại các khu Di sản Thế giới cần được xây dựng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đo lường được về phương diện chất lượng và tính bền vững, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong các mục tiêu và chỉ tiêu về số lượng khách du lịch và doanh thu.

Nếu tiếp tục đơn thuần dựa trên các mục tiêu và chỉ tiêu về doanh số và doanh thu, nguy cơ ở đây là việc phát triển một loạt các cơ sở hạ tầng để tăng lượt khách mà coi nhẹ việc đánh giá tác động với Khu Di sản và tác động tới văn hóa địa phương hay sức chịu tải của Khu Di sản. Bởi mục đích sau cùng là đảm bảo không mất đi tính nguyên vẹn. Nếu các hoạt động phát triển tiếp tục được thúc đẩy trong khung kế hoạch ngắn hạn thiếu hợp lý, thì trong dài hạn, sẽ dẫn tới việc suy giảm nguồn khách có chất lượng và việc đảm bảo thực thi các quy định hành pháp sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi đã có tiền lệ, đôi khi sẽ dẫn đến những trường hợp chệch hướng khó sửa chữa để có thể trở về hiện trạng ban đầu.

Vâng, Mã Pì Lèng hay Lũng Cú, Đồng Văn đều không phải lần đầu tiên ở nước ta xảy ra việc doanh nghiệp, cá nhân xây dựng tại các khu vực di sản, khu vực phụ cận… phá vỡ không gian di sản. Vấn đề phát triển du lịch cân bằng với bảo tồn di sản chưa bao giờ là bài toán dễ tìm lời giải. Vì sao ngồi trên kho vàng di sản, cảnh quan nhưng người dân vẫn nghèo? Nếu phát triển ồ ạt và tự phát, di sản có còn được bảo vệ? Sự lựa chọn chưa bao giờ là dễ dàng./.

Hoàng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tu-ma-pi-leng-lung-cu-dong-van-nghi-ve-phat-trien-ben-vung-20191101123923203.htm