Từ mặt trận quân sự - ngoại giao đến thắng lợi huy hoàng

Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kế thừa và phát triển sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn 3 mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao để tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh vượt trội là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các lực lượng đồng minh. Đỉnh cao của sự kết hợp đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27-1-1973), đế quốc Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn thi hành chính sách hai mặt. Một mặt, chúng tranh thủ thực hiện những cam kết có lợi, như rút quân viễn chinh và đồng minh, nhận tù binh; mặt khác, chúng ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng các điều khoản khác của Hiệp định, mở các cuộc hành quân “bình định”, lấn chiếm các vùng giải phóng của ta.

Đối với ta, nắm vững thời cơ khi Hiệp định Paris được ký kết, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các chiến trường: Trước mắt, cần nghiêm chỉnh thi hành lệnh ngừng bắn, kiên quyết đấu tranh giữ vững vùng giải phóng; có kế hoạch đánh trả nếu địch vi phạm lệnh ngừng bắn, đánh mạnh, diệt gọn địch trong một thời gian ngắn, lấy chứng cứ để đấu tranh về pháp lý.

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Nhận rõ vai trò, sức mạnh của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; trong đó quân sự giữ vai trò quyết định, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các LLVT từ “trạng thái chiến tranh” chuyển sang “trạng thái đình chiến”, điều chỉnh lực lượng; tăng cường củng cố quốc phòng, xúc tiến thành lập các quân đoàn chủ lực 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), đáp ứng tác chiến quy mô lớn; tổ chức huấn luyện bộ đội, diễn tập theo hướng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng.

Đối với miền Bắc, tranh thủ điều kiện hòa bình, củng cố và phát triển về mọi mặt, cùng miền Nam giành thắng lợi trong thời gian ngắn khi thời cơ đến. Củng cố, xây dựng hệ thống mạng đường chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu cần các cấp của chiến trường ngày càng lớn mạnh, chi viện ngày càng cao cho chiến trường miền Nam Việt Nam và chiến trường Lào, Campuchia.

Đối với miền Nam, hết sức tranh thủ thực hiện những điều khoản đã ký trong Hiệp định Paris; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh công khai, hợp pháp; củng cố thế chiến lược và cục diện vùng mới giải phóng, củng cố thế đứng chân của LLVT; tạo thế có lợi cho ta trên các mặt trận: Quân sự, chính trị, văn hóa, ngoại giao.

Ngoài các nhiệm vụ trên, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu còn phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức lực lượng làm công tác thi hành Hiệp định Paris tại miền Nam; liên hệ với các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ để xin phiên dịch và nhân viên đánh máy các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, nhân viên tốc ký, ghi âm, nấu ăn phục vụ khách quốc tế.

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy lực lượng so sánh đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian hai năm 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam. Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương bàn nhiệm vụ quân sự mùa Xuân 1975, xác định hướng tiến công chủ yếu là Tây Nguyên, trọng điểm là tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu then chốt quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Theo đó, mùa Xuân 1975, thực hiện sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các LLVT nhân dân Việt Nam tập trung thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở đầu bằng đòn tiến công chiến lược trên chiến trường Tây Nguyên. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, chu đáo về mọi mặt, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu ngày 4-3-1975. Đặc biệt, đòn tiến công Buôn Ma Thuột đã “điểm trúng huyệt”, làm rúng động thế trận của địch, “tạo ra đột biến về chiến dịch, dẫn đến đột biến về chiến lược, gây tác động dây chuyền, tạo thời cơ cho những trận then chốt tiếp sau, tạo nên bước ngoặt quyết định của sự phát triển chiến dịch và cả chiến lược dẫn đến sự phá vỡ chiến lược”.

Trước bước phát triển nhảy vọt lớn của tình hình chiến trường sau thắng lợi của quân và dân ta ở Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế và Đà Nẵng, để kịp thời tham mưu giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược, tại phiên họp mở rộng ngày 31-3-1975, Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị kế hoạch tác chiến chiến lược, thống nhất nhận định: Về chiến lược, lực lượng quân sự, chính trị của ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Đế quốc Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không cứu vãn được tình thế của quân đội ngụy Sài Gòn. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”.

Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4-1975, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp; đồng thời tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc.

Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn-Gia Định” nhanh chóng được quán triệt đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. 5 cánh quân của ta đồng loạt tiến công vào 5 mục tiêu chủ yếu của địch: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng nha Cảnh sát ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, dinh Độc Lập. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

Đại thắng mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, là thành quả vĩ đại của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tài thao lược, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trong đó, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao là nét đặc sắc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, được vận dụng và phát huy thành công trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nửa thế kỷ trôi qua, bài học về kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong điều kiện hiện nay, tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo; những cuộc chiến tranh và xung đột quân sự gần đây diễn biến ngày càng phức tạp... Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra và sẽ làm mọi điều để chiến tranh không xảy ra; cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, không để bị cuốn vào những vòng xoáy địa chính trị hay rơi vào thế bị động trước các xung đột quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo chiến lược kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao thời kỳ chiến tranh cách mạng trước đây.

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ, tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, cho Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn kết hữu cơ với “thế trận lòng dân” vững chắc, tư duy mới về khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ quân khu phù hợp với điều kiện mới. Kết hợp quốc phòng với ngoại giao, ngoại giao với quốc phòng thời kỳ hội nhập và phát triển ngày nay nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thượng tướng PHÙNG SĨ TẤN, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-mat-tran-quan-su-ngoai-giao-den-thang-loi-huy-hoang-826437