Tự mình sáng tạo

Tô Hoài là một trong những tác gia lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đến nay nhiều tác phẩm của ông vẫn được các thế hệ độc giả tìm đọc. Sách của ông, không chỉ tác phẩm 'Dế Mèn phiêu lưu ký' được tái bản đều đặn, mà nhiều tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản văn, tạp bút, tự truyện, hồi ký... của ông vẫn được in lại.

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Đọc lại Tô Hoài, người đọc có thể thích thú, hoặc biết thêm nhiều “chuyện xưa kia”, hiểu thêm về những chân dung văn nghệ cùng thời với tác giả. Với người viết, nhất là những người viết trẻ, đọc Tô Hoài, để hiểu hơn về những “thao tác văn chương” của ông. Và những chia sẻ của nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời về nghề viết, trên báo chí hay trên những tác phẩm của ông, đáng để người viết hôm nay suy nghĩ.

* Hồi nhỏ, tôi sống ở quê ngoại với ông bà và các cô các cậu. Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Tô Lịch. Ngày đó, sông Tô Lịch rộng lắm, nước trong ngần chứ không như bây giờ, còn có bãi cỏ ven sông. Chúng tôi thường đi bắt dế về chọi, rồi nuôi dế…

* Quê ngoại. Đây là nguồn cảm hứng bất tận của tôi. Ông bà ngoại tôi sinh toàn con gái, có tôi là cháu trai. Ngày nhỏ, tôi sống ở quê ngoại trong tình thương của ông bà, của các cô các cậu. Quê nghèo, nhưng tình cảm thì vô tận. Có thể nói, suốt cả đời sáng tác của tôi, quê ngoại chưa bao giờ thôi xuất hiện trong các trang viết.

* Phải sống thực, lăn lộn với đời sống, thì văn mới giàu có về chữ nghĩa được. Thật ra những năm tháng trên núi rừng Tây Bắc, cũng là do tôi có máu phiêu lưu. Y như chú dế mèn. Tôi quan niệm rằng, đã theo nghề văn, phải phiêu lưu, phải dám sống.

* Ngôn ngữ Việt Nam thật dai sức và điêu luyện. Sống chen giữa những dân tộc to lớn, bị đô hộ hàng nghìn năm, nhưng tiếng Việt đã có “sức kháng cự mãnh liệt trước những đe dọa đồng hóa” và vẫn phát triển, trong sáng, phong phú, xác minh rõ nhất.

* Khi đã qua thời kỳ viết văn chỉ tùy hứng, tôi bắt đầu thấy được và biết sợ, biết phục sức thần của tiếng nói. Đồng thời cũng bắt đầu cảm thấy như văn mình phải sức vóc đầy đủ thế nào mới hòng có được một chút sức, có được “cái vũ khí để trao đổi tư tưởng” ấy. Làm thế nào cho có? Hệt như vấn đề quan sát, việc học chữ và tiếng nói phải công phu làm luôn, bất cứ lúc nào và ở đâu, suốt đời người viết.

* Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng viết văn là phải “giàu có chữ nghĩa”. Muốn giàu có chữ nghĩa, người viết văn phải có thực tế cuộc sống, phải có học thuật. Tức là đọc nhiều, đi nhiều. Ngày trước, tôi chủ yếu là tự học để làm giàu ngôn ngữ. Tôi đọc ca dao tục ngữ, đọc Kiều, đọc Chinh phụ ngâm. Rồi tôi tự học tiếng Pháp qua các tác phẩm văn học.

* Văn chương của tôi giàu có là do sự tập hợp ngôn ngữ vì trong ngôn ngữ có sự giàu có của văn hóa. Việc tập hợp được nhiều ngôn ngữ khác biểu hiện sự đa dạng của văn hóa Việt, sự đa dạng ngôn ngữ thể hiện nhiều nhất trong những phong tục tập quán từng vùng miền, địa phương hay thậm chí gần hơn, đó là các làng. Khi tận dụng ngôn ngữ một cách triệt để đã thể hiện và quảng bá cho văn hóa của chính đối tượng tôi muốn nói đến.

* Có nhiều cách học chữ và tiếng nói. Mỗi người viết văn tự luyện một cách học khác nhau. Nhưng chắc chắn ai cũng học chung một thầy là ông thầy quần chúng nhân dân. Còn nhớ thuộc lòng, ghi vào sổ, là tùy cách mỗi người.

* Nguồn tiếng nói hàng ngày bồi đắp cho người viết văn. Thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì đến tay tôi cũng đọc, sách báo nào có chữ hay tôi cũng ghi. Truyện cổ, truyện tiếu lâm, truyện của các nhà văn Kim Lân, Bùi Hiển, thường giàu có màu sắc, nhiều chữ, tôi chú ý nhặt ra. Trên các báo hàng ngày, báo thông tin, báo chuyên môn, cũng khối chữ mới. Cả đến những sách xem bói, xem tướng (trong các sách tướng có nhiều chữ tả diện mạo cô đúc, nhiều hình ảnh).

Sách dạy nấu ăn, dạy trồng lúa, sách nói về các bệnh truyền nhiễm gia súc, sách dạy nghề, nhiều tiếng của các nghề, ta cần phải biết. Vào một cái nhà, nếu chỉ biết lác đác vài tiếng cột, kèo, rui, mè thì chưa hiểu mấy về kiến trúc cái nhà. Một chữ “chết” có bao nhiêu chữ cùng nghĩa: tạ thế, chầu giời, về quê, xuống suối vàng, ngoẻo, tử, héo, tỏi, đi, ngẳng, toi, mất, khuất núi, hy sinh... và còn biết bao chữ nữa. Một chữ “ăn” cũng có bao nhiêu chữ cùng nghĩa như ăn: xơi, đưa cay, chén, đớp, hốc, xực, đả, nhậu... và còn biết bao chữ nữa.

Chúng ta nên tỉ mỉ để ý cả. Này các thứ khóa: khóa ngang, khóa dọc, khóa tây, khoa sáu tua, khóa đuôi chuột, bạn đã biết khóa nào chưa? Ví dụ: Khóa cửa đình ngày trước thì khóa gì? Nếu chưa biết thì nghề viết văn đòi bạn phải biết.

* Thường đọc sách, tôi có ghi chép. Tôi ghi những câu hay, ý hay và ghi cả suy nghĩ của mình nảy ra trong khi đọc.

* Mỗi lần quan sát, mỗi lần đi, tôi cứ ghi, cứ ghi. Sổ tay nhiều dần trong ngăn kéo. Nhưng lúc sáng tác không bao giờ tôi mở sổ tay. Khi dự tính viết “Truyện Tây Bắc”, những nghĩ ngợi được sắp xếp, cắt đặt, thay đổi thành hình dần dần trong đầu. Tôi chỉ dựa vào sức óc nghĩ, trên cơ sở thực tế Tây Bắc đã thấm vào mình. Tôi cho rằng nếu viết mà mở sổ tay ra đọc lại, tìm sự gợi ý trực tiếp như vậy, óc sáng tạo mất đà tung hoành, dễ bị sa vào những thích thú theo mình lúc ghi, dễ tự nhiên chủ nghĩa. Cái gì ở cuộc đời đã nhập tâm, đã khích động ta đến độ đòi hỏi ta phải đem nhào nặn lại để sáng tạo, việc đó chỉ do sức nghĩ quyết định, không cần dựa vào sổ tay.

Vậy thì sổ tay ghi chép để làm gì? Sao mất công thế?

Viết xong bản thảo lần thứ nhất, tôi lấy sổ tay ra. Lúc ấy, tự sáng tạo, về căn bản, của một sáng tác, đã được dựng lên. Bấy giờ sổ tay giúp thêm thắt, sửa hoặc có khi xây dựng lại những thiếu sót trong vấn đề, trong nhân vật và ngôn ngữ nhân vật.

Giá trị của sổ tay quan sát là giúp sức cho trí nhớ.

* Trong đời viết, tôi viết nhiều cho trẻ em vì đó chính là đối tượng rất quan trọng và rất cần được giáo dục. Trong chương trình học phổ thông, ở lớp 6 các cháu học “Dế Mèn phiêu lưu ký”, lớp 12 các cháu học “Vợ chồng A Phủ”... Học sinh biết nhiều đến tác phẩm của tôi nên các cháu cũng muốn tìm hiểu nhiều, muốn vậy phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng và gần gũi.

* Viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, chả phải cái gì thiêng liêng, ghê gớm. Cốt là anh phải tinh thông và chăm chỉ tích lũy vốn kiến thức cho mình. Tôi chỉ viết một cuốn truyện về Chử Đồng Tử cho thiếu nhi, mà tôi đã phải đọc cơ man nào là sách về người Mường, về lịch sử dân tộc Mường. Đã xác định làm nghề viết thì phải rèn luyện hàng ngày. Nghề viết là nghề vừa khó, vừa nặng nhọc.

* Người viết văn như cái cửa hàng bách hóa càng nhiều mặt hàng, càng dễ chạy. Đã đành biết chẳng thể bao giờ là đủ, nhưng có nhiều chữ, như người trường vốn, người khỏe sức, làm gì cũng dễ, khi viết, rờ vào đâu cũng sẵn chữa cho mà chọn, mà xây hình ảnh, ý nghĩ.

* Không nên nghĩ là thể loại nào mình cũng viết thạo được. Không bao giờ như thế.

* Nhân vật là trụ cột của sáng tác. Phải chuẩn bị nhân vật trước tiên. Tuy vậy, cùng làm với xây dựng nhân vật, là bố cục truyện.

Tôi coi trọng nhân vật nhất, nhưng còn thật tôi theo được những ý kiến trên là bao thì dễ cũng chưa được là bao. Sau thời kỳ tôi tạo ra thuyết kỳ quặc “truyện và nhân vật càng quạt càng hay”, tôi đã sửa chữa. Nhưng vẫn vấp, rất khó. Nếu quan điểm mỗi truyện là một sáng tạo mới, thì khi cầm bút cũng lại gặp những khó khăn mới nhất, xưa nay chưa gặp bao giờ.

* Sáng tạo do sức lực, khả năng mỗi người. Khả năng chứ không phải khiếu “trời cho”. Năm trước viết một truyện ngắn, gửi đi không báo nào đăng. Năm sau, viết một truyện ngắn khác thấy có chắc tay hơn cái viết năm ngoái. Mừng tòa báo đã sáng suốt vứt hộ mình cái truyện năm trước. Ta có cố gắng thì mỗi thời gian viết có khác. Nhờ vậy, luôn biến đổi, tiến bộ.

* Trong sáng tác, bất cứ một bắt chước nhỏ nào, bắt chước thô kệch hay bắt chước khéo, đều ngượng nghịu, trống rỗng và bao giờ cũng thất bại. Làm nghề văn, mỗi người viết mang đến cho đời một sự nghiệp, một công phu phục vụ của mình. Bắt chước khéo tới đâu cũng chỉ là đội lốt. Tuy nhiên, ta không lầm lẫn sự bắt chước lười biếng với công phu học tập người khác để gợi ý, tích lũy và tự mình sáng tạo cách riêng của mình.

* Câu văn cũng như tre gỗ để làm nhà. Càng đẽo, soi kỹ lưỡng, tinh tế, lắp được đúng mộng mẽo, nhà càng chắc, đẹp. Trong phép đặt câu, tôi tránh không lộ lối đặt câu giống nhau mà người đọc có thể nhận thấy được.

Người viết có lối văn độc đáo, bản sắc riêng, ai đọc cũng thấy, không phải vì người ấy đã đặt câu giống nhau, lặp đi lặp lại những chữ đầu câu theo tay quen. Không, những thói quen mòn mỏi đó chỉ có hại, chỉ làm hại. Văn có bản sắc do hơi văn, do không khí đặc biệt mà nhà văn đã làm bốc lên ở mỗi câu, mỗi chữ. Như người múa giỏi gợi cho người xem những hình ảnh đẹp, chứ không phải để người xem chỉ nhìn thấy tay chân uốn éo.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-minh-sang-tao-5710849.html