Từ mô hình VietCham Thái Lan đến công cụ ngoại giao kinh tế trong tương lai
VietCham là một mô hình mới đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại các nước. Theo Đại sứ Phan Chí Thành, có VietCham Thái Lan rồi thì sau này sẽ có thêm VietCham Lào, VietCham Nga, VietCham Mỹ, VietCham ở một số nước châu Âu, từ đó, tạo thành một hệ thống các phòng thương mại Việt Nam tại các nước, nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam.
Sau Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 và đặc biệt từ khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch Covid-19, công tác ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã được đẩy mạnh. Cụ thể, nếu như chúng ta mở cửa vào tháng 3/2022 thì đến tháng 7/2022, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đã dẫn đầu đoàn hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp người Thái gốc Việt tại Thái Lan về kết nối đầu tư thương mại, du lịch tại 6 tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó có Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, TP.HCM, Bắc Giang và Hà Nội.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là một sáng kiến mới trong bối cảnh mở cửa sau Covid-19, quãng thời gian mà các doanh nghiệp hầu như đều bị gián đoạn kết nối kinh doanh. Chuyến thăm đó đã mang lại kết quả tốt đẹp.
Theo Đại sứ, các doanh nghiệp Thái Lan, nhất là các doanh nghiệp người Việt tại Thái Lan đều có tiềm lực rất mạnh. Trên đà kết quả chuyến thăm đó, doanh nghiệp người Việt tại Thái Lan, đặc biệt là Hiệp hội doanh nhân Thái - Việt đã tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp của Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên một diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại 5 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar đã được tổ chức.
“Hy vọng rằng diễn đàn này sẽ được tổ chức hằng năm và tạo thành một sân chơi để các doanh nghiệp người Việt liên kết với nhau, xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại các nước trong tiểu vùng sông Mekong cũng như hỗ trợ nhau trong kinh doanh theo mô hình mới, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt kiều cũng như triển khai xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài”, Đại sứ Phan Chí Thành nói.
Điểm nhấn thứ hai trong công tác ngoại giao kinh tế là Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan trong hơn 2 năm qua đã cùng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Thái Lan, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Vietjet, FPT, các tập đoàn công nghệ như VMO cùng một số công ty khác, họp và quyết định thành lập Phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan (VietCham). Có thể nói đây là Phòng thương mại Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên trên thế giới, lấy tên là VietCham Thái Lan. Vào tháng 10 vừa qua, VietCham đã có giấy phép và ra mắt trong chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước Việt Nam, sự ra mắt của VietCham đã gây tiếng vang lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Lan.
VietCham là một mô hình mới đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại các nước. Theo Đại sứ Phan Chí Thành, có VietCham Thái Lan rồi thì sau này sẽ có thêm VietCham Lào, VietCham Nga, VietCham Mỹ, VietCham ở một số nước châu Âu, từ đó, tạo thành một hệ thống các phòng thương mại Việt Nam tại các nước, nâng tầm liên kết và hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đây, mặc dù đã có một số nước hình thức liên kết hiệp hội doanh nghiệp nhưng Phòng Thương mại Việt Nam có mức độ tổ chức và liên kết cao hơn, có sự phối kết hợp với các đại sứ quán, các nước trong khu vực và các nước sở tại, tạo thành một công cụ ngoại giao kinh tế hiệu quả.
“Tôi cho rằng đây là công cụ ngoại giao kinh tế trong tương lai. Sắp tới, chúng tôi đã bàn với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và họ nhất trí sẽ xây dựng một đề án trình Chính phủ về việc phát triển mạng lưới này trên thế giới. Với mô hình trên và trên cơ sở thành công của mô hình của VietCham Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam có thể triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế”, Đại sứ Phan Chí Thành cho hay.
Bên cạnh hai điểm nhấn trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng triển khai các hình thức ngoại giao kinh tế truyền thống như ngoại giao tập đoàn, ngoại giao vaccine, ngoại giao năng lượng… Có thể thấy ngoại giao kinh tế vừa được tiến hành theo các hình thức truyền thống và bài bản nhưng cũng có những cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với từng quốc gia, khu vực.