Từ mô hình xây dựng 'Làng Văn hóa' đến 'Làng văn hóa nâng cao' và 'Làng văn hóa kiểu mẫu' - Những điểm tương đồng và khác biệt
Sau đây là tham luận của TS. Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhan đề ' Từ mô hình xây dựng 'Làng Văn hóa' đến 'Làng văn hóa nâng cao' và 'Làng văn hóa kiểu mẫu' - Những điểm tương đồng và khác biệt' tại Hội thảo 'Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn' tổ chức ngày 21/10/2023.
Nơi cư dân nông thôn nông sinh sống được gọi là làng (thôn, ấp, bản…), xã, đây là không gian sống cũng là không gian kinh tế, không gian xã hội và không gian văn hóa của người nông dân. Văn hóa làng là sự kết tinh của chiều dài lịch sử, nơi đây lưu giữ những giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể. Quá trình xây dựng “làng văn hóa” đến “Làng văn hóa nâng cao” và “Làng văn hóa kiểu mẫu” chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của làng xã Việt Nam trong điều kiện mới phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm, kết quả đạt được của phong trào "Đời sống mới" trong xây dựng nền văn hóa mới. Nghị Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong 1 trong 4 giải pháp lớn là: Phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trọng tâm là xây dựng “làng văn hóa”. Nhóm giải pháp này xếp ở vị trí đầu tiên, có tính đột phá, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính chiến lược lâu dài. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) tiếp tục: Xây dựng làng văn hóa ở địa bàn dân cư đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội - nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa. Yêu cầu Phong trào phát huy được sức mạnh tổng hợp, phối hợp và đẩy mạnh các phong trào hiện có; Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần những cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành nếp sống văn hóa văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, nâng cao dần mức hưởng thụ vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ chủ trương này, có thể xem đây là dấu mốc ra đời của phong trào xây dựng “làng văn hóa”, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Phong trào “Xây dựng làng văn hóa” được thể hiện ở 6 nội dung chủ yếu: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo; Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; Xây dựng quy ước văn hóa làng; Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Xây dựng môi trường văn hóa sạch - đẹp - an toàn; Xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở. Về quản lý, ở giai đoạn 2011-2018 thực hiện theo Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL; từ 2018 thực hiện theo Nghị định 122/NĐ-CP.
Về thực tiễn, vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ở 2 tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa có một số làng (làng Trang Liệt (Bắc Ninh) và làng Đông Cao (Thanh Hóa) dân làng cùng nhau thảo luận xây dựng quy ước Làng văn hóa và cùng nhau thực hiện. Năm 1992, Bộ VHTT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và công nhận việc xây dựng Làng văn hóa là hợp lòng dân và nhân rộng mô hình ra cả nước, mở đầu cho cuộc vận động xây dựng Làng Văn hóa.
Làng Văn hóa nâng cao
Đất nước ta, với khoảng 2/3 dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn và 67,8% lực lượng lao động làm việc trong khu vực này. Quá trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, chủ trương hợp ý Đảng lòng dân như vậy và từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng hành, hưởng ứng, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhiều vùng quê đã trở thành “Những miền quê đáng sống” . Xác định XD NTM là “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, qua thời gian vừa triển khai, vừa tổng kết bài học kinh nghiệm, ở các giai đoạn 1 (2010-2015), giai đoạn 2 (2016-2020), giai đoạn 3 (2021-2025) từng bước những tiêu chí, chỉ tiêu đã được nâng lên. Xây dựng nông thôn mới nâng cao đã ra đời ở nửa cuối giai đoạn 2, khi xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo làng quê, quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị văn hóa đặc trưng của nông thôn Việt Nam, sự phát triển nóng của công nghiệp, xây dựng, dịch vụ … đã kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội, môi trường, do đó các địa phương đã được công nhận huyện đạt chuẩn, xã đạt chuẩn tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí và bắt đầu lựa chọn thế mạnh của mình để tập trung hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, một số địa phương lựa chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng trong mục tiêu hướng tới huyện đạt NTM nâng cao. Đặc biệt, trong cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, nhiều địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…) đã đưa ra một số yêu cầu cao hơn quy định của Trung ương, trong đó có việc đưa ra tiêu chí thứ 20 khi xét xã đạt chuẩn NTM. Làng Văn hóa nâng cao cũng được thí điểm hình thành và phát triển đa dạng tùy theo điều kiện, đặc điểm của mỗi vùng miền, địa phương. Từ dấu mốc này nhiều địa phương đã ban hành những chính sách cụ thể, ví dụ như: tỉnh Quảng Ninh nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả (TP Hạ Long), khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày (huyện Tiên Yên), làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); tỉnh Nghệ An; tỉnh Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác;.... Đến nay, XDNTM nâng cao đã có những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể để các địa phương căn cứ và triển khai thực hiện, để đạt chuẩn huyện NTM thì phải có ít nhất 10% số xã đạt NTM nâng cao; huyện đạt NTM nâng cao phải có ít nhất 50% số xã đạt NTM nâng cao (QĐ 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, phụ lục 2 xã NTM nâng cao; QĐ 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, phụ lục 3 huyện NTM nâng cao).
Làng văn hóa kiểu mẫu
Trong giai đoạn này, nhiều địa phương cũng thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở các cấp độ khác nhau. Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” với hệ thống chính sách đi kèm rất đồng bộ, nhằm cụ thể hóa Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/12/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt là góp phần hiện thực hóa những nội dung theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Về cách làm, tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Đề án để thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu gồm 03 nội dung chính:
Thứ nhất, đầu tư xây dựng các khu thiết chế văn hóa - thể thao tại các làng văn hóa kiểu mẫu bao gồm các hạng mục cơ bản: Nhà văn hóa thôn và sân bãi (tối thiểu 800m2); Khu thể dục thể thao (tối thiểu 800m2); Khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh (tối thiểu 500m¬2); Hệ thống hạ tầng kỹ thuật; kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng. Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố không quá 15 tỷ đồng; Phần tăng thêm (nếu có) do ngân sách huyện, ngân sách xã cân đối và huy động nguồn xã hội hóa.
Hiện tất cả 28/28 Khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng công trình thuộc 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Ngay trong tháng 9 này, đã có nhiều làng được khánh thành đưa vào hoạt động, ví dụ ngày 10/9/2023 khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, được khánh thành, công trình đã mang đến diện mạo mới với hạ tầng đồng bộ (Diện tích 5.000m2, không gian đọc sách ngoài trời, sân bóng, sân tập thể thao, nhân dân đóng góp quy đổi thành 2 tỷ (chỉnh trang, sơn cửa, trang trí vẽ bích họa hàng ngàn mét, đường hoa, trồng và chăm sóc cây cảnh trên các tuyến đường thôn và nghĩa trang nhân dân, vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm…). Đến ngày 20/9, Bình Xuyên là huyện đầu tiên trong tỉnh đã có 100% số Làng Văn hóa kiểu mẫu khánh thành và đưa vào hoạt động.
Thứ hai, hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (dựa trên các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn) được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 05/5/2023, gồm: quy hoạch kiến trúc; nhà ở và công trình phụ trợ; hạ tầng giao thông; hạ tầng năng lượng và chiếu sáng; hạ tầng thương mại - du lịch; hạ tầng thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao; giáo dục; y tế; nghĩa trang nhân dân; môi trường; phát triển kinh tế; hệ thống chính trị và quốc phòng an ninh; chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước.
Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch phụ trách 02/14 tiêu chí: văn hóa, thể thao và chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước. Đối với tiêu chí văn hóa, thể thao: bao gồm 05 tiêu chí thành phần: (1) Làng văn hóa: Đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; (2) Gia đình văn hóa: Tối thiểu 95% tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”; (3) Hoạt động văn hóa, thể thao: Có tối thiểu 02 đội hoặc câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể thao hoạt động hiệu quả; (4) Thiết chế văn hóa thể thao cộng đồng: Có thiết chế văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng (theo Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022). Trồng cây xanh khu vực công cộng đạt tỷ lệ 100% để cải thiện vi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan; (5) Bảo tồn thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể: Đình, đền, chùa, nhà thờ được duy trì hoạt động thường xuyên. Các di tích lịch sử được xếp hạng đều được tu sửa cấp thiết, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị (theo khả năng cân đối nguồn lực); các di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ, gìn giữ, phục dựng và phát huy giá trị. Từng bước xây dựng, phục hồi, tôn tạo cổng làng kiên cố theo kiến trúc truyền thống, phù hợp điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán.
Đối với tiêu chí chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước: bao gồm 03 chỉ tiêu: (1) Quy ước, hương ước trong dân: Có quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư làm công cụ quản lý, điều chỉnh hành vi ứng xử trong cộng đồng dân cư, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; (2) Chấp hành pháp luật nhà nước và quy định của cộng đồng: Người dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy ước, hương ước của cộng đồng. Không có tệ nạn xã hội; (3) Quy chế dân chủ cơ sở: Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Thứ ba, để hoàn thành các tiêu chí nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 16 chính sách được quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 05/5/2023, gồm: Hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; Hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay; Hỗ trợ mô hình vườn sản xuất; Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; Hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Vĩnh Phúc; Hỗ trợ lập quy hoạch; Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng; Hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường; Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan; Hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đạt chuẩn do Bộ Y tế quy định; Hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 05 chính sách: (1) Hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng. Hỗ 300 triệu đồng/mô hình, không quá 02 mô hình/làng; (2) Hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay. Loại hình Homestay: hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở, không quá 03 mô hình/làng; loại hình Farmstay: 300 triệu đồng/cơ sở, không quá 02 mô hình/làng; (3) Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng. Hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia (bao gồm các hạng mục công trình kiến trúc chính và sân, vườn, cổng, tường rào và hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên đồng bộ); (4) Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống: Hỗ trợ 100% kinh phí phục dựng, bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê được cấp có thẩm quyền phê duyệt.; (5) Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao: Hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao: 50 triệu đồng/làng; Hỗ trợ xây dựng tủ sách tại Nhà văn hóa: 30 triệu đồng/làng; Hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao: 30 triệu đồng/làng/năm.
Với quan điểm chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị cao; tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, Huyện/thành ủy, UBND các huyện/thành phố đã ban hành các Quyết định để tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp và thống nhất chỉ đạo trong triển khai thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu: Quyết định của Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; Quyết định phân công nhiệm vụ của từng thành viên Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ngành; phân công nhiệm vụ trong Ban Thường vụ huyện ủy/thành ủy, Lãnh đạo UBND huyện/thành phố để triển khai phụ trách từng thôn làng, từng tiêu chí, chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đang chỉ đạo UBND các huyện/thành phố khẩn trương tích hợp 30 làng thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 để tranh thủ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới và xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng (28 thôn/làng/tổ dân phố và 02 tuyến phố) và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như:
Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Môi trường sống bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết với bên ngoài thuận lợi, phục vụ tốt sản xuất theo hướng hiện đại và đáp ứng nhu cầu dân sinh, từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị;
Môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Hệ sinh thái tự nhiên được khôi phục, cải tạo. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ, tu bổ và phát huy;
Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Người dân được hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo sinh kế, việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập;
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc. Các dịch vụ tiện ích cơ bản, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư vững mạnh. Người dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng;
Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Những điểm tương đồng về quá trình xây dựng “làng văn hóa” đến “Làng văn hóa nâng cao” và “Làng văn hóa kiểu mẫu” chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của làng xã Việt Nam trong điều kiện mới phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, và phát huy được sức mạnh tổng hợp, làm sâu sắc hơn những kết quả đã đạt được, hướng đến người dân là trung tâm, tạo động lực phát triển những lợi thế của địa phương, nâng cao chất lượng XD NTM bền vững. Gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng NTM nhưng có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, có yếu tố khác biệt, đặc trưng riêng.
- Cùng xuất phát từ những chủ trương, đường lối của Đảng, với quan điểm “có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
- Cùng mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh;
- Cùng có những Bộ tiêu chí, chỉ tiêu chung để các địa phương chủ động triển khai theo từng điều kiện, đặc điểm, đặc thù của mỗi địa phương.
- Cùng có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: Có phát động; Có thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; có biểu dương tôn vinh.
- Các địa phương từng bước ban hành những chính sách cụ thể: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An….
- Cùng xác định lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng các mô hình..
Cùng được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, ủng hộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp, phối hợp, đẩy mạnh được những phong trào hiện có.
Những khác biệt
Khác biệt đầu tiên dễ nhận thấy đó là thời điểm, 3 dấu mốc trong 1 hành trình xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM.
Thứ 2,chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là một điểm sáng trong cả nước, đây là công trình hướng về người dân, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Nhưng không phải địa phương nào cũng có thể triển khai ngay trong cùng 1 thời điểm. Ví dụ, để triển khai Đề án này, Vĩnh Phúc đã ban hành kèm theo đó là 16 chính sách rất cụ thể, bao trùm.
Thứ 3, vẫn phải tùy vào điều kiện, đặc điểm của mỗi địa phương mà triển khai những cách làm phù hợp, có sáng tạo, có điểm nhấn, có lộ trình. VD: tỉnh Hà Tĩnh được TTCP phê duyệt Đề án thí điểm XD tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng (100% xã chuẩn NTM, 50% xã NTM nâng cao, ít nhất 10% xã NTMm kiểu mẫu, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về VH gắn với phát triển du lịch) (QĐ 2214/QĐ-TTg), tỉnh Nghệ An xây dựng huyện Nam Đàn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch (QĐ 17/QĐ-TTg); các địa phương chủ động xây dựng mục tiêu, kế hoạch, có lộ trình cụ thể như: Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Đồng Nai, Đồng Tháp…..
Thứ 4, thực tế triển khai thì không phải ở đâu và lúc nào, cái phần hồn cốt của văn hóa truyền thống cũng được chú trọng gìn giữ và phát huy tương xứng. Từ những giai đoạn 1, giai đoạn 2 cũng rút nhiều bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các tiêu chí, cụ thể là tiêu chí về văn hóa.
Thứ 5, thực tiễn cho thấy nguồn lực rất quan trọng, trong đó những nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí đặc biệt quan trọng. Ở đâu dành sự quan tâm thực sự và có chính sách cụ thể thì ở đó sẽ đem đến những kết quả tương xứng và ngược lại.
Hiện nay, có nhiều xu hướng trong việc cung ứng, sáng tạo, hưởng thụ gắn với việc thích ứng với văn hóa đô thị và lối sống hiện đại. Khoảng cách nông thôn và đô thị rút ngắn, xưa kia xóm giềng có nhiều không gian để giao lưu, nay nông thôn kín cổng cao tường, con người bận bịu mưu sinh, sự giao lưu cũng ít đi, tình làng, nghĩa xóm “co” lại, khiến cho sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người cùng làng cũng nhạt dần. Xu hướng làng “mở” cả về không gian sinh sống và giao lưu với bên ngoài, theo đó, các phong tục tập quán, lối sống, quan niệm, thói quen, hành vi... cũng có sự giao lưu giữa truyền thống với hiện đại, giữa nông thôn với thành thị. Và kết quả là nhiều cái mới nhanh chóng tràn về các làng quê, trong đó không ít vấn nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, lô đề, lừa đảo, vỡ hụi; bạo lực gia đình, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông... ) cũng gia tăng.
Sự đa dạng sinh kế, đặc biệt là việc tham gia vào những việc làm phi nông nghiệp, dẫn đến sự thay đổi về thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa ở nông thôn. Mức sống được nâng lên, xuất hiện của nhiều mô hình tổ chức, câu lạc bộ, hội, nhóm thành lập dựa trên sự tự nguyện, tùy theo sở thích, độ tuổi,… thu hút sự tham gia đông đảo của các đối tượng, thành phần dân cư theo đặc điểm nghề nghiệp, năng khiếu, sở thích, lứa tuổi… điều này cũng tạo nên một cơ cấu tổ chức làng vừa chặt chẽ hơn xét ở góc độ các mối quan hệ xã hội, vừa linh hoạt và mở xét ở góc độ tự nguyện tham gia của người dân.
Trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội, sự kiện chính trị - xã hội của làng xã hoặc sinh hoạt gia đình như tổ chức cưới, việc tang, mừng sinh nhật, mừng thọ... được tổ chức thông qua các đơn vị, nhóm người làm dịch vụ tổ chức sự kiện, bảo đảm tính tiện lợi, chuyên nghiệp là lựa chọn trở nên phổ biến.
Tham luận tổng hợp một số điểm tương đồng và khác biệt nêu trên nhưng cũng chỉ mang tính tương đối, vì việc triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa ở mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, chính vì sự phong phú và đa dạng như vậy, chúng tôi cũng muốn đề xuất một vài ý kiến sau:
- Chủ thể của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống chính là người dân, cộng đồng dân cư nông thôn, để họ thể hiện sự chủ động tham gia vào các hình thức kinh tế nông nghiệp, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, tham gia và trực tiếp vận hành các thiết chế văn hóa - xã hội ở nông thôn.
- Mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc các địa phương có thể tham khảo và triển khai, trong đó chú trọng khâu quy hoạch, nguồn lực, không gian sinh hoạt văn hóa thể thao đáp ứng đủ quy định, và có thêm những không gian mở như: Khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh (tối thiểu 500m¬2) kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; Cách làm này của Vĩnh Phúc thuận theo xu hướng nhằm chuyển hóa các nguồn tài nguyên thành giá trị. Việc các địa phương quan tâm hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm, gắn với quảng bá du lịch, trồng cây xanh giữ cân bằng sinh thái… sẽ góp phần phát huy hiệu quả của những không gian văn hóa hiện có.
- Các địa phương cũng không nên đồng phục các mô hình, cần có tính đặc thù, cần sự khác biệt, những không gian phù hợp tùy theo điều kiện, đặc điểm văn hóa cộng đồng dân cư ở đó, ví dụ: Đồng Tháp với mô hình Hội quán, Hà Tĩnh mô hình Ngôi nhà trí tuệ…
Trên đây là tham luận của Cục Văn hóa cơ sở về nội dung mô hình xây dựng “Làng Văn hóa” đến “Làng văn hóa nâng cao” và “Làng văn hóa kiểu mẫu” - Những điểm tương đồng và khác biệt./.