Từ một chợ tôm, Covid-19 lan khắp 31 tỉnh, thành Thái Lan

Sau nhiều tháng kiểm soát tốt dịch bệnh và không có ca nhiễm trong cộng đồng, Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ phong tỏa toàn quốc sau đợt bùng dịch từ một khu chợ tôm.

Cho đến giữa tháng 12, Thái Lan có hơn 4.000 người nhiễm và 60 trường hợp tử vong vì Covid-19. Nước này không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng suốt nhiều tháng liên tiếp.

Tình hình bất ngờ đảo lộn vào ngày 17/12, khi một tiểu thương 67 tuổi tại chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon có kết quả dương tính với virus corona. Giới chức y tế bắt đầu xét nghiệm hàng loạt từ ngày 20/12, và hàng trăm người cho kết quả dương tính. Đỉnh điểm là vào ngày 21/12, khi Thái Lan thông báo 809 ca mắc mới.

Tỉnh Samut Sakhon nhanh chóng bị phong tỏa, nhưng virus đã kịp lây lan rộng hơn. Tính đến ngày 25/12, Bangkok Post dẫn lời bác sĩ Taweesilp Visanuyothin - phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 - cho biết dịch bệnh đã lan ra 31 tỉnh, thành, bao gồm Bangkok, Ayutthaya, Phuket, Nonthaburi...

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một bé trai người nhập cư ở chợ hải sản tại tỉnh Samut Sakhon ngày 19/12. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một bé trai người nhập cư ở chợ hải sản tại tỉnh Samut Sakhon ngày 19/12. Ảnh: Reuters.

Chợ tôm là tâm dịch mới

Tính đến ngày 25/12, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 5.910 ca nhiễm, theo số liệu của Worldometers. So với mốc 4.281 ghi nhận đến ngày 17/12, số ca nhiễm tăng thêm 1.629 chỉ trong khoảng 10 ngày.

Thái Lan là một trong 10 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, và Samut Sakhon quy tụ nhiều nhà máy xử lý đông lạnh lớn nhất nước này.

Nguồn lây bệnh đầu tiên ở khu chợ tại Samut Sakhon vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng phần lớn những ca nhiễm mới đều liên quan đến lao động nhập cư tại tỉnh này - phần lớn là người từ Myanmar, theo Bangkok Post.

Theo AFP, số liệu chính thức cho biết Thái Lan có gần 1,9 triệu lao động Myanmar trong năm 2019. Một đợt bùng dịch quy mô nhỏ trước đó được xác định là liên quan đến những người vượt biên trái phép. Chính quyền Myanmar công bố hơn 115.000 ca nhiễm và 2.424 trường hợp tử vong vì Covid-19 cho đến nay.

Ngay sau đợt bùng phát mới nhất ở Samut Sakhon, hơn 8.800 lao động nhập cư đã được xét nghiệm. Trong số này, hơn 1.300 trường hợp cho kết quả dương tính, chiếm tỷ lệ gần 15%.

 Một nhân viên bảo vệ canh gác tại chợ tôm ở Samut Sakhon hôm 20/12. Ảnh: AP.

Một nhân viên bảo vệ canh gác tại chợ tôm ở Samut Sakhon hôm 20/12. Ảnh: AP.

Ở nhóm người bị nhiễm, khoảng 500 trường hợp phải nhập viện, bao gồm một số ít ca có triệu chứng nặng. Những người khác chỉ phải cách ly.

Theo bác sĩ Taweesilp, giới chức y tế địa phương lên kế hoạch xét nghiệm khoảng 10.000 người ở Samut Sakhon để đảm bảo kiểm soát được Covid-19.

Bác sĩ Taweesilp đề nghị chính quyền địa phương thành lập bệnh viện dã chiến ở Samut Sakhon. Theo ông, việc quan trọng hiện nay là phải phát hiện ra các ca nhiễm trong cộng đồng càng sớm càng tốt, và bệnh viện dã chiến đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Bệnh viện dã chiến dự kiến có 1.000 giường. Đây là nơi điều trị tập trung cho những người mắc bệnh, để dịch bệnh không lây lan tại địa phương thêm nữa.

Nếu tình hình không sớm được kiểm soát, bác sĩ Taweeslip cảnh báo Thái Lan có thể phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc một lần nữa như hồi tháng 3.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Samut Sakhon hôm 20/12. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Samut Sakhon hôm 20/12. Ảnh: AP.

Hệ thống 4 màu để cảnh báo dịch

Các hoạt động mừng năm mới ở nơi công cộng và các sự kiện đông người đã bị cấm ở Bangkok và nhiều tỉnh thành khác, theo quyết định được Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 công bố hôm 24/12. Cùng với đó, đơn vị này giới thiệu hệ thống màu mã hóa để xác định những khu vực nào dễ bùng phát dịch Covid-19 nhất.

Các màu đỏ, cam, vàng và xanh lá cây được sử dụng để minh họa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tương ứng các cấp độ từ cao đến thấp.

Bangkok được tuyên bố là "vùng da cam" - cấp độ nguy hiểm cao thứ hai - nên phải triển khai các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thủ đô Thái Lan tạm thời chưa bị phong tỏa hoàn toàn.

Tại một trung tâm thương mại ở khu mua sắm Siam Square nổi tiếng, ba cửa hàng phải đóng cửa tạm thời sau khi một phụ nữ Thái Lan dương tính với Covid-19 từng ghé qua. Khu ăn uống ở trung tâm MBK gần đó cũng tạm ngưng hoạt động để khử trùng, theo Bangkok Post.

 Các địa phương của Thái Lan được xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh theo mã màu. Đồ họa: Bangkok Post.

Các địa phương của Thái Lan được xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh theo mã màu. Đồ họa: Bangkok Post.

Vùng màu đỏ là khu vực có số lượng ca nhiễm đáng kể và phải triển khai các biện pháp kiểm soát tối đa. Tỉnh duy nhất được xếp vào loại có nguy cơ cao nhất này là Samut Sakhon, tâm chấn của đợt bùng phát mới nhất.

Tại tỉnh này, các hoạt động tụ tập đông người bị cấm, các địa điểm có nguy cơ phải đóng cửa hoặc giới hạn giờ hoạt động. Lao động nhập cư cũng bị cấm rời khỏi tỉnh.

Trong phát biểu trên truyền hình tối 22/12, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha cảnh báo về sự chủ quan của người dân và giới chức tại Thái Lan.

"Những gì chúng ta thấy bây giờ là mọi người quá thoải mái với các biện pháp phòng ngừa dịch. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại lớn hơn về kinh tế", ông nói, theo AP.

Ngay trước khi đợt bùng phát mới nhất xảy ra vào tuần trước, Thái Lan ban hành danh sách mở rộng về các quốc gia mà công dân được phép nhập cảnh Thái Lan với những hạn chế chặt chẽ. Nước này cũng thảo luận đề xuất rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc sau khi nhập cảnh.

 Người lao động xếp hàng chờ xét nghiệm tại Samut Sakhon. Ảnh: AP.

Người lao động xếp hàng chờ xét nghiệm tại Samut Sakhon. Ảnh: AP.

Chính phủ Thái Lan cũng đang đối mặt với chỉ trích vì để hàng trăm lao động nhập cư sống cùng tòa nhà mà không tách biệt người dương tính với virus và người âm tính, Khaosod cho hay.

Dẫn lời một nhà hoạt động, tờ Khaosod cho biết ít nhất 400 gia đình lao động nhập cư từ Myanmar đang bị cách ly trong các khu ký túc xá đông đúc gần chợ tôm trung tâm.

3.000 người được phân bố vào 5 tòa nhà, mỗi tòa 4 tầng. "Để người mắc bệnh ở chung với người không nhiễm là cách làm không đúng", Adisorn Kerdmongkol, điều phối viên của tổ chức Migrant Working Group, nói.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-mot-cho-tom-covid-19-lan-khap-31-tinh-thanh-thai-lan-post1166848.html