Từ mũ bảo hiểm tới khẩu trang

Việc tăng nặng mức xử phạt hành vi không chấp hành quy định là cần thiết, giúp người dân hình thành thói quen, ý thức tốt trong phòng dịch.

Theo Nghị định 117 - NĐ/CP ngày 28.9.2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11, người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng có thể bị xử phạt tới 3 triệu đồng.

Mức phạt này gấp 10 lần so với mức phạt không đeo khẩu trang theo quy định trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát tại tỉnh ta.

Đeo khẩu trang khi dịch đang diễn biến phức tạp là việc được nhiều người tự giác thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng Việt Nam không phát sinh các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thì chuyện đeo khẩu trang tại nơi công cộng với nhiều người lại là việc miễn cưỡng, không muốn chấp hành mà lý do chủ yếu là vì cảm thấy bất tiện, không thoải mái, khác người. Có người lại cho rằng hết dịch rồi nên đeo khẩu trang là không cần thiết.

Những suy nghĩ này làm tôi nhớ đến thời điểm quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy mới được ban hành. Lúc đầu, việc đội mũ bảo hiểm chỉ quy định trên một số tuyến đường, sau đó mới trở thành quy định bắt buộc khi tham gia giao thông bằng xe máy. Khi đó, tôi cũng như nhiều người khác từng nghĩ đội hay không đội mũ bảo hiểm là việc của cá nhân, vì chiếc mũ bảo hiểm chỉ có khả năng bảo vệ từng người cụ thể nếu họ không may xảy ra tai nạn. Vì là chuyện của cá nhân nên nhiều người cho rằng không nên coi đây là yêu cầu bắt buộc, càng không nên xử phạt. Lý do nhiều người không muốn đội mũ bảo hiểm lúc bấy giờ cũng như người không muốn đeo khẩu trang hiện nay, đó là vì cảm thấy không thoải mái. Họ cho rằng mang mũ bảo hiểm giống như mang "nồi cơm điện" trên đầu. Thậm chí nhiều người còn châm biếm rằng nếu tất cả người đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm thì dòng người trên đường không khác một đàn châu chấu...

Nhưng thực tế đã chứng minh, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã mang lại tác dụng to lớn, làm giảm đáng kể các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Nhiều người đã thoát chết, thoát khỏi khuyết tật vĩnh viễn nhờ đội mũ bảo hiểm.

Quay trở lại câu chuyện của chiếc khẩu trang. Dù không có dịch Covid-19, nhiều người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang khi đi đường để chống nắng và ngăn bụi. Do dịch Covid-19, ý thức phải đeo khẩu trang để phòng bệnh được nâng lên. Đa số người dân khi đến bệnh viện, sân bay, những nơi có nguy cơ lây bệnh đều chủ động đeo khẩu trang. Tại Việt Nam, dịch đã tạm lắng sau hơn 2 tháng không có ca mắc trong cộng đồng, song trên thế giới dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tại nước Mỹ, cơ quan y tế đã thừa nhận nếu 95% số người dân Mỹ có ý thức đeo khẩu trang thì sẽ giảm được tới hàng trăm nghìn ca mắc Covid-19. Trong bối cảnh nước ta mở lại các tuyến bay thương mại, tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước, chuyên gia nước ngoài tới lao động để phục hồi phát triển kinh tế thì nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn rất cao. Đeo khẩu trang tại nơi công cộng vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.

Vì sức khỏe của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong phòng chống dịch bệnh. Việc tăng nặng mức xử phạt hành vi không chấp hành quy định là cần thiết, giúp người dân hình thành thói quen, ý thức tốt trong phòng dịch. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, đưa ra quy định cụ thể về địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang và tăng cường lực lượng giám sát việc thực hiện quy định này.

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/tu-mu-bao-hiem-toi-khau-trang-151980