Từ mùa xuân ấy, quê hương đổi mới

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 49 năm đi qua kể từ mùa xuân năm 1975 lịch sử, mặc dù trải qua nhiều gian lao, thử thách, song cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã vững bước đi lên trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Toàn cảnh công trình đầu mối Thạch Nham. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Mùa xuân năm 1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà liên tục tiến công, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 24/3/1975. Trên khắp quê hương, từ vùng núi cao đến đồng bằng, miền biển, trung tâm tỉnh lỵ rợp bóng cờ tung bay mừng chiến thắng, giải phóng quê hương. Quảng Ngãi được giải phóng góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nước ta bước vào thời kỳ độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh: TẤN PHÁT

Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh: TẤN PHÁT

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng với các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, quân và nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng và phát triển quê hương. Trải qua 49 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Quảng Ngãi không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi gian nan, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng phát triển toàn diện về mọi mặt.

Một góc thành phố Quảng Ngãi với lối kiến trúc ấn tượng. Ảnh: TN

Một góc thành phố Quảng Ngãi với lối kiến trúc ấn tượng. Ảnh: TN

Kết thúc năm 2023, năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Năm 2023, GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.193 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 30,6 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023 cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng, khi các quy hoạch lớn, quan trọng của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện. Cụ thể là Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045. Đây là cơ sở, tiền đề để thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm đến.

Cảng chuyên dụng phục vụ xuất - nhập hàng hóa của Khu liện hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất Ảnh: P.DANH

Cảng chuyên dụng phục vụ xuất - nhập hàng hóa của Khu liện hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất Ảnh: P.DANH

Bên cạnh phát triển công nghiệp, xây dựng hạ tầng đô thị, trong những năm qua, Quảng Ngãi cũng tích cực quan tâm xây dựng vùng nông thôn, miền núi ngày càng tiến bộ. Đến nay, hầu hết các xã đồng bằng của tỉnh đã về đích nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện có 2 huyện nông thôn mới là Nghĩa Hành và Tư Nghĩa.

Vẻ đẹp làng quê Tư Nghĩa hôm nay. Ảnh: MNH THU

Vẻ đẹp làng quê Tư Nghĩa hôm nay. Ảnh: MNH THU

Trong suốt hành trình 49 năm xây dựng quê hương sau ngày giải phóng, Quảng Ngãi đã làm nên nhiều kỳ tích lớn. Từ công trình Thạch Nham được xem là đại công trình thủy lợi đã tạo tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững, đến phát triển mạnh mẽ ngành mía đường vang danh cả nước, ghi tên vào bản đồ công nghiệp Việt Nam.

Công nhân Nhà máy Vinatex Đức Phổ (CCN Phổ Hòa) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: T.NHỊ

Công nhân Nhà máy Vinatex Đức Phổ (CCN Phổ Hòa) sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: T.NHỊ

Tiếp đến là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - NMLD số 1 của Việt Nam được xây dựng với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Tính đến nay, tổng doanh thu nhà máy đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 210 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 9 tỷ USD), gấp 3 lần mức đầu tư, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và đất nước cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sự hiện diện của NMLD Dung Quất đã góp phần đưa Việt Nam từ đơn thuần chỉ xuất khẩu dầu thô trở thành quốc gia có mặt trên bản đồ công nghiệp lọc hóa dầu thế giới.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PV

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PV

Cũng từ sau khi NMLD Dung Quất hình thành, vùng cát trắng hoang vu ở khu đông huyện Bình Sơn đã vươn mình phát triển thành KKT Dung Quất bề thế, sôi động và đóng góp to lớn cho nền kinh tế của tỉnh và khu vực miền Trung.

Vận hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PV

Trở lại với "kỳ tích" đầu tiên mang tên “công trình Thạch Nham”, 2 năm sau ngày giải phóng quê hương, tức là năm 1977, lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình ngày ấy đã bắt đầu triển khai nghiên cứu xây dựng công trình Thạch Nham trên thượng nguồn sông Trà Khúc. Tuy nhiên, phải trải qua 8 năm ròng rã thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư, đến năm 1985, công trình Thạch Nham - công trình trọng điểm cấp Nhà nước mới chính thức được Bộ Thủy lợi và tỉnh Nghĩa Bình làm lễ khởi công. Đến năm 1997, công trình Thạch Nham đã được xây dựng hoàn thành.

Đổi thay ở vùng quê nông thôn xã Phổ Phong, TX.Đức Phổ. (Trong ảnh: Điểm du lịch Cát Mộc Farm, xã Phổ Phong). Ảnh: K.NGÂN

Đổi thay ở vùng quê nông thôn xã Phổ Phong, TX.Đức Phổ. (Trong ảnh: Điểm du lịch Cát Mộc Farm, xã Phổ Phong). Ảnh: K.NGÂN

Kể từ đó, nước mát từ đại công trình thủy lợi Thạch Nham theo hệ thống kênh mương cung cấp nước tưới cho trên 50 nghìn héc ta đất canh tác ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Có nước tưới, năng suất lúa và các loại cây trồng không ngừng tăng lên, giúp ổn định đời sống của hàng chục vạn nông dân trong tỉnh. Hôm nay, ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, dòng nước mát Thạch Nham còn phục vụ cấp nước phát triển công nghiệp cho KKT Dung Quất và các vùng lân cận.

Cánh đồng lúa ở thôn 7, xã Đức Tân (Mộ Đức) xanh mướt, bằng phẳng và trải dài tít tắp sau dồn điền đổi thửa. Ảnh: MHOA

Cánh đồng lúa ở thôn 7, xã Đức Tân (Mộ Đức) xanh mướt, bằng phẳng và trải dài tít tắp sau dồn điền đổi thửa. Ảnh: MHOA

Có nước Thạch Nham, Quảng Ngãi đã mạnh dạn trồng mía làm nguyên liệu phục vụ sản xuất của Công ty Đường Quảng Ngãi (khi đó trực thuộc Bộ NN&PTNT) - tiền thân của Công ty CP Đường Quảng Ngãi hôm nay. Những năm ấy, ngành mía đường không ngừng phát triển, đưa Quảng Ngãi trở thành vùng đất “mía ngọt, đường thơm” nổi tiếng cả nước.

Hiện nay, Công ty CP Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực; các sản phẩm chính của công ty bao gồm đường, sữa đậu nành, nước khoáng, bia, bánh kẹo... Hiện công ty sở hữu các thương hiệu mạnh như QNS, Vinasoy, Biscafun. Sản phẩm có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới.

Trung tâm huyện Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG QUỐC

Trung tâm huyện Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG QUỐC

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Quảng Ngãi là dịp để chúng ta ôn lại quá khứ hào hùng, tưởng nhớ, tri ân chiến sĩ, đồng bào anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đây cũng chính là thời điểm nhận thức sâu sắc hơn bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chính niềm tin, tình cảm, trách nhiệm, niềm tự hào sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển quê hương phồn vinh, hạnh phúc.

THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202403/tu-mua-xuan-ay-que-huong-doi-moi-7261308/