Từ năm 2019 đến nay, Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở thêm 20 ngành mới
Quan hệ công chúng, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678-TTg ngày 25 tháng 01 năm 1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính. Lúc đó, trường được đặt trong hệ thống Đại học nhân dân Việt Nam trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 22 tháng 5 năm 1958, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 252-TTg đổi tên Trường thành Trường Đại học Kinh tế Tài chính trực thuộc Bộ Giáo dục.
Tháng 01 năm 1965 trường lại một lần nữa được đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Ngày 22 tháng 10 năm 1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trên website của nhà trường có thông tin về sứ mệnh như sau: “Là trường trọng điểm quốc gia, trường đại học hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sứ mệnh cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao, có thương hiệu và danh tiếng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới”.
Hiện, Chủ tịch Hội đồng trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ; Hiệu trưởng nhà trường là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương.
Theo số liệu từ đề án tuyển sinh qua các năm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2023 của trường có xu hướng tăng.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 của trường là 5650 sinh viên. Năm 2020 trường tăng thêm 150 chỉ tiêu. Năm 2021 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 6000 chỉ tiêu.
Năm 2022, trường tăng thêm 100 chỉ tiêu so với năm 2021. Năm 2023, nhà trường có tổng 6.200 chỉ tiêu.
Theo đề án tuyển sinh 2024, trường dự kiến tuyển khoảng 6.200 chỉ tiêu, với 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (giảm 7% so với năm 2023), 80% xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh và tuyển thẳng 2%.
Các tổ hợp xét tuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa), D07 (Toán, Hóa, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh).
Về phương thức xét tuyển cũng có sự thay đổi theo từng năm. Cụ thể, năm 2019, 2020 và năm 2021 trường duy trì tuyển sinh theo ba phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Với phương thức xét tuyển thẳng, nhà trường thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối tượng xét tuyển thẳng sẽ bao gồm: Thí sinh đã tham dự các kỳ thi Olympic, thuộc đội tuyển quốc gia, đã tốt nghiệp trung học phổ thông; Thí sinh đạt các giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi thuộc cấp quốc gia, đã tốt nghiệp trung học phổ thông; …
Với phương thức xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tổ hợp xét tuyển bao gồm: A00, A01, B00, C03, C04, D01, D07, D09, D10.
Năm 2022, nhà trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2022.
Năm 2023, nhà trường quay trở lại xét tuyển theo 3 phương thức như năm 2021.
Theo thông báo đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sẽ có 3 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như sau:
Về sự thay đổi trong tuyển sinh các ngành (chuyên ngành) đào tạo, năm 2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở tuyển sinh 10 ngành mới là: Luật; Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICAEW CFAB); Kinh doanh số (E-BDB); Phân tích kinh doanh (BA); Quản trị điều hành thông minh (E – SOM); Quản trị chất lượng và Đổi mới (E - MQI); Công nghệ tài chính (BFT); Đầu tư tài chính (BFI); Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh (DSEB); Quản trị khách sạn quốc tế (IHME).
Các ngành mới tuyển sinh từ năm 2019-2023 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Năm 2020, nhà trường mở thêm các ngành mới: Kiểm toán; Ngân hàng; Tài chính công; Tài chính doanh nghiệp; Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ACT – ICAEW).
Năm 2021, nhà trường chỉ mở thêm 1 ngành mới là Kinh doanh nông nghiệp.
Năm 2022, nhà trường mở thêm các ngành mới gồm: Kinh tế và quản lý đô thị; Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực và chương trình POHE (Chương trình giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng) các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Truyền thông marketing; Luật kinh doanh; Quản lý thị trường; Thẩm định giá; Quản trị kinh doanh thương mại.
Từ năm 2005, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan, đã bắt đầu xây dựng các chương trình POHE cho ngành đào tạo Du lịch và Khách sạn và bắt đầu tuyển sinh vào năm 2008.
Chương trình POHE tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện đang đào tạo 7 ngành: ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Chương trình Quản trị lữ hành), ngành Quản trị khách sạn (Chương trình Quản trị khách sạn), ngành Marketing (Chương trình Truyền thông marketing), ngành Kinh doanh thương mại (Chương trình Quản trị kinh doanh thương mại), ngành Luật (Chương trình Luật kinh doanh), ngành Kinh doanh thương mại (Chương trình Quản lý thị trường), ngành Marketing (Chương trình Thẩm định giá)
Qua 5 năm tuyển sinh, các ngành Quan hệ công chúng, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Là 1 trong 4 trường đại học đào tạo về kinh tế hàng đầu ở Hà Nội, các ngành học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thường có điểm chuẩn đầu vào thuộc top cao nhất. Với nhiều ngành, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.
Cụ thể, năm 2019, ngành Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 26,15 điểm.
Năm 2020, điểm chuẩn dao động từ 24,5-35,6 điểm. Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cao nhất với 28 xét trên thang điểm 30. Không ngành nào của trường có điểm chuẩn dưới 24.
Năm 2021, điểm chuẩn thấp nhất của Trường Đại học Kinh tế quốc dân là 26 điểm.
Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất là 28,30 điểm. Tiếp đó là các ngành Kinh doanh quốc tế lấy 28,25 điểm; Quan hệ công chúng, Kiểm toán cùng lấy điểm chuẩn là 28,10.
Năm 2022, tất cả các ngành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều lấy điểm chuẩn từ 26,1 trở lên.
Theo thang điểm 30 của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng cao nhất năm 2022 với 28,6 điểm. Các ngành có điểm chuẩn từ 28 trở lên còn có Marketing, Kinh doanh quốc tế (cùng 28), Thương mại điện tử (28,1), Kiểm toán (28,15), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (28,2).
Tại thang điểm 40 (tiếng Anh nhân hệ số hai), ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) lấy điểm chuẩn 38,15 (trung bình mỗi môn hơn 9,5 điểm). Điểm chuẩn các ngành còn lại phổ biến ở mức 34-35 điểm, thấp nhất là điểm chuẩn ngành Quản trị khách sạn quốc tế (IHME) 34,6 điểm.
Năm 2023, xét theo thang điểm 30, các ngành của trường đều lấy trên 26 điểm.
Cụ thể, ngành Thương mại điện tử lấy điểm chuẩn cao nhất với 27,65 điểm, trung bình thí sinh phải đạt hơn 9,2 điểm/môn.
Nhiều ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 27 là Marketing, Quan hệ công chúng, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Kế toán... Những ngành còn lại đều trên 26, thấp nhất là ngành Quản lý công và Chính sách với 26,1 điểm.
Ở thang 40 (tiếng Anh hoặc Toán nhân hệ số 2), điểm chuẩn năm 2023 dao động từ 35,65 đến 37,1 điểm. Ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) cao nhất là 37,10 điểm.
Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Quản trị thị trường (cùng hệ POHE) lấy thấp nhất là 36,65 điểm theo thang điểm 40.