Từ năm 2020: Không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi
Nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT, quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12-2.
Thông tư 22 có nhiều điểm mới, với mục đích khắc phục các hạn chế, bất cập nhưng không làm gián đoạn các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của các địa phương. Trong đó, thông tư quy định cụ thể nguyên tắc của hội thi đó là: dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi.
Thông tư quy định giáo viên cơ sở mầm non và giáo dục phổ thông cần trình bày một hoạt động giáo dục cụ thể hoặc một tiết học theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Hoạt động giáo dục này không được dạy trước, được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng học sinh. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị không quá 2 ngày trước thời điểm thi.
Giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh phải đảm bảo: phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá giỏi, không có giám khảo đánh giá trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá đạt.
Thêm nữa, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ có báo cáo trực tiếp một biện pháp đã đúc rút từ thực tế trong giảng dạy. Như vậy, sẽ đánh giá được cả quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh của giáo viên. Từ đó, việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mới xác thực và công bằng.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Các thông tư, điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ ban hành được gần 10 năm. Ngoài những mặt tích cực, quá trình triển khai đã bộc lộ nhược điểm, một số quy định không còn phù hợp. Có trường hợp cơ sở giáo dục phổ thông cử giáo viên dự thi vì thành tích tập thể; nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là hình thức, sao chép hoặc kém chất lượng nhằm có đủ nội dung thi giáo viên giỏi.
Việc tổ chức thực hiện ở một vài địa phương còn có biểu hiện của “bệnh thành tích”, chưa thực sự đúng mục đích của hội thi như: không giữ nguyên trạng số lượng học sinh tại lớp thực hành thao giảng, gây áp lực cho giáo viên, chạy theo bệnh thành tích, chưa đánh giá đúng thực trạng đội ngũ...
Điểm mới đáng chú ý ở thông tư này là dựa vào chuẩn nghề nghiệp giáo viên để quy định tiêu chuẩn tham gia giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Như vậy, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cần có nền tảng nghề nghiệp vững vàng mới đủ điều kiện để tham gia hội thi.