Từ năm 2021, sẽ kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức

Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trong đó đề xuất giao Học viện Hành chính Quốc gia là cơ quan thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Đề xuất thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021-2022

Đề xuất thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021-2022

Tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ cho biết, tuyển dụng công chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổng thể chu trình quản lý công chức.

Hoạt động tuyển dụng được thực hiện hiệu quả không chỉ bổ sung cho vị trí công chức còn thiếu mà còn tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng phù hợp, công chức được tuyển dụng sẽ bắt nhịp được với công việc, khắc phục tình trạng phải đào tạo lại, tránh lãng phí các nguồn lực của nền công vụ.

Tuy nhiên, hiệu quả tuyển dụng công chức phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ khung thể chế, phương thức tuyển dụng, quy trình tuyển dụng, nội dung tuyển dụng, phương thức xác định đối tượng trúng tuyển công chức.

Cũng theo Bộ Nội vụ, hoạt động tuyển dụng công chức ở nước ta hiện nay vẫn còn không ít những thách thức. Nội dung thi tuyển công chức mặc dù tương đối toàn diện nhưng chưa đủ để đánh giá năng lực, kỹ năng mềm của người dự tuyển.

Trong khi đó, vị trí công chức không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần có năng lực, kỹ năng của hoạt động công vụ.

Hơn nữa, quá trình tuyển dụng chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên cho vị trí công chức cần tuyển. Mô hình tuyển dụng công chức theo hướng phân cấp cũng bộc lộ những hạn chế về cách làm, về việc bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong hoạt động tuyển dụng, chi phí tuyển dụng dẫn đến chất lượng, hiệu quả tuyển dụng công chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, và khắc phục những hạn chế trong tuyển dụng công chức cần xây dựng Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, định hình rõ về cơ chế, lộ trình, nội dung, phân công, phân cấp thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào.

Tại dự thảo Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đề xuất lộ trình thực hiện kiểm định như sau: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021-2022. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong cả nước từ năm 2023.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ thống nhất quản lý nhà nước về thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; giao Học viện Hành chính Quốc gia là cơ quan thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Phạm Phương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-nam-2021-se-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-doi-voi-cong-chuc/855473.antd