Từ năm 2022-2023, sẽ có hơn 420 sinh viên Việt Nam sang Hungary học tập
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 27/6 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Budapest, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Hungary.
Phát biểu chào mừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng Việt Nam và Hungary là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống văn hóa, lịch sử. Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Hungary và Việt Nam năm 2013 là một minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai bên, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ hợp tác lên đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018.
Hiện nay, có hơn 600 du học sinh Việt Nam đang học tập, công tác tại Hungary; trong đó, mỗi năm Hungary dành cho Việt Nam 200 suất học bổng. Tới nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và các lĩnh vực.
Trên cơ sở Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo. Chất lượng giáo dục của Việt Nam có nhiều chuyển biến rất tích cực.
Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đã có nhiều trường đại học của Việt Nam được xếp hạng trong 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới tại các bảng xếp hạng uy tín năm 2022. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo được mở rộng tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Theo đó, trước mắt, các cơ quan của Việt Nam và Hungary cần thúc đẩy hợp tác để thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về giáo dục đã ký kết. Hungary là quốc gia có thế mạnh về đào tạo các ngành như: y dược, điện tử, năng lượng, văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, pháp luật… Đây cũng là những ngành, những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới của đất nướcc.
Do vậy, về lâu dài, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cần xây dựng các giải pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giáo dục giữa hai nước trong những lĩnh vực trên. Đặc biệt là tăng cường tổ chức các chuyến công tác, các đoàn của các trường đại học, các viện nghiên cứu để khảo sát thực tế, học hỏi lẫn nhau; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tiến độ hợp tác của từng ngành, từng lĩnh vực, từng trường đại học đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả..
Đây là lần thứ ba diễn đàn được tổ chức. Các cơ quan đại diện của Hungary ở trong và ngoài nước, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng của Hungary coi trọng hợp tác với các trường đại học quốc tế để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Cùng với sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hungary, theo kế hoạch, từ năm 2022-2023 sẽ tiếp tục có hơn 420 sinh viên Việt Nam sang Hungary học tập…
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các đại biểu 2 nước đã đã chứng kiến lễ trao các Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Đó là các trường Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Eotvos Lorand, Đại học Szeged; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Obuda; Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Semmelweis; Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Corvinus, Budapest.
Thực hiện : Đặng Linh Quang Sỹ