Từ năm 2025: Không phân loại rác thải phải trả phí thu gom như với chất thải rắn?
Trong phiên họp sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về mội số nội dung trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo Dự thảo, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sẽ phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện KT-XH của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76.
Dự thảo luật cũng quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Về lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 9 Điều 80 Dự thảo Luật.
Về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Dự thảo quy định, UBND cấp tỉnh quy định mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 76 Luật này thì phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM ở cả 2 phương án, chỉnh lý yêu cầu về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất đối với tổ chức hoặc chủ dự án tự thực hiện ĐTM; quy định chủ dự án được trình đồng thời hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi cho thống nhất với Luật Xây dựng...
Về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” khi trong thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, Khoản 2 Điều 35 Dự thảo Luật cho phép chủ dự án được trình đồng thời hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM với hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; tùy vào loại hình dự án, chủ dự án sẽ chủ động tính toán cho phù hợp thời điểm trình thẩm định báo cáo ĐTM mà không phụ thuộc vào tiến độ của các bước thẩm định khác như theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy...
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, Dự thảo Luật trình 2 phương án (Điều 36 dự thảo). Trong đó, phương án 1 giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
Phương án 2 giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn.