Từ nạn nhân của cơ chế quan liêu, không ít giáo viên tiếp tay mua bán chứng chỉ
GDVN- 'Giáo viên vừa là nạn nhân của cơ chế quan liêu đẻ ra quá nhiều loại chứng chỉ không cần thiết; lại vừa tiếp tay cho thói học giả, bằng thật. Rất đau lòng!'.
Câu chuyện các loại chứng chỉ như là giấy phép con "hành" giáo viên mặc dù không mới và đã được bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Thế nhưng trong bối cảnh giáo viên đang chịu áp lực từ việc nâng chuẩn trình độ theo Luật giáo dục năm 2019, rất cần những tiếng nói có chuyên môn, có trách nhiệm nhằm đánh giá nghiêm túc tính hiệu quả và sự cần thiết của các loại giấy phép con như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Điều này sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho đội ngũ giáo viên và tạo điều kiện cho thầy cô yên tâm công tác.
Dư luận ngành giáo dục nước nhà tha thiết mong liên Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những đánh giá đầy đủ về các loại chứng chỉ - giấy phép con đang hành giáo viên, nếu không cần thiết có thể loại bỏ.
Bộ Giáo dục đề xuất thay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ gì?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, bày tỏ:
“Chuyện gian dối trong việc thi cử, cấp các loại chứng chỉ, bằng cấp tôi đã để ý từ lâu và cảm thấy rất bức xúc.
Hiện nay, chúng ta đang đẻ ra quá nhiều loại chứng chỉ không cần thiết, làm khổ giáo viên.
Nếu chứng chỉ là những yêu cầu tối thiểu để đảm đương chức danh hướng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn một cách thực chất thì chúng ta hãy cho phép các loại chứng chỉ đó tồn tại.
Còn nếu như đẻ ra các loại chứng chỉ đó mà lại bớt xén thời gian, chương trình học; không tổ chức, đánh giá chặt chẽ quá trình học; tổ chức biên soạn rất cẩu thả; tổ chức cấp phép cho các trường một cách tùy tiện sẽ dẫn đến vẻ ngoài hình thức mà thực chất là tiêu cực.
Theo tôi, qua nhiều vụ việc phản ánh trên báo, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xiết chặt lại quy trình cấp các loại chứng chỉ này mà cần thiết thì bỏ luôn cũng được”.
Đối với trách nhiệm của đơn vị tổ chức giảng dạy, thi và cấp chứng chỉ, thầy Khuyến cho rằng: Đơn vị nào làm nghiêm túc thì hoan nghênh còn làm bát nháo thì phải nghiêm trị.
Thầy Khuyến nói: “Hiện nay, việc cấp phép cho các trường tổ chức giảng dạy, thi và cấp chứng chỉ đang buông lỏng dẫn đến tình trạng mua bán chứng chỉ, bằng cấp.
Theo tôi phải nghiêm trị những trường Đại học kiểu này dù đó có là trường to hay trường nhỏ. Vừa rồi lùm xùm vụ đào tạo tại trường Đông Đô hoặc Kinh Doanh Công Nghệ, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rất chặt chẽ, nghiêm trị.
Các quy định về chứng chỉ là cái tối thiểu không nên bày đặt ra làm khổ giáo viên, lấy tiền của Nhà nước, lấy tiền của giáo viên trong khi kết quả chỉ mang tính hình thức. Đối với thủ đoạn của các trường như cắt giảm chương trình, thời gian học, đây là hành vi phạm pháp và có thể bị truy tố”.
Đối chiếu với quy định hiện hành, giáo viên cần phải chuẩn bị các loại chứng chỉ: chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học theo thông tư 03, chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc châu Âu.
Một trong những bất cập của những loại chứng chỉ nêu trên được Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra đó là cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các quy định về chứng chỉ dành cho giáo viên đã không tính đến sự hiệu quả và cần thiết của những loại chứng chỉ nêu trên, tạo điều kiện cho các hành vi gian dối, tiêu cực trong ngành giáo dục.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ: “Một trong những loại chứng chỉ giáo viên phản ánh nhiều nhất là chứng chỉ ngoại ngữ. Đối với môn ngoại ngữ việc có chứng chỉ hay không không quyết định đến trình độ của giáo viên.
Muốn giỏi ngoại ngữ anh phải có điều kiện và môi trường để thực hành nhất là các kỹ năng nghe, nói, đọc.
Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, giáo viên vùng sâu, vùng xa quanh năm suốt tháng ở bản, giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số thì lấy đâu ra môi trường để học và thực hành ngoại ngữ.
Người giỏi ngoại ngữ đến mấy mà không có môi trường thực hành cũng sẽ bị thui chột.
Vậy thử hỏi tại sao lại yêu cầu những giáo viên đó phải có chứng chỉ ngoại ngữ khi mà họ không dùng đến. Mà đối với những giáo viên như vậy họ chỉ còn cách đi mua chứng chỉ.
Cho nên chính sách này nếu không tính toán cho đúng sẽ cổ súy hành vi gian lận của chính giáo viên.
Những quy định đầu vào như vậy thực chất không giúp nâng cao trình độ của giáo viên mà đang hại họ.
Người giáo viên vừa là nạn nhân của cơ chế quan liêu đẻ ra các loại chứng chỉ lại vừa tiếp tay cho hành vi phạm tội, gian lận trong học tập, thi cử.
Theo tôi muốn nâng cao trình độ, năng lực của giáo viên có thể tổ chức những khóa đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng vào các dịp nghỉ hè; thiếu ở đâu ta bù ở đó thì mới hiệu quả được”.
Để giải quyết căn cơ vấn nạn nhức nhối mua bán chứng chỉ, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ không thể làm ngơ cho các trường tự tung tự tác như trước đây.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ: “Tôi nghĩ Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể làm ngơ trước tình trạng này. Trước tiên các cơ quan quản lý khi đặt ra những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ cần căn cứ vào điều kiện thực tế đặt ra những yêu cầu hợp lý, triển khai nghiêm túc.
Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên đánh giá, thanh tra, kiểm tra toàn diện chứ không được làm nhàng nhàng rồi cho qua. Điều này sẽ cổ súy tiêu cực, chạy chọt không chỉ riêng chứng chỉ mà còn chạy bằng cấp.
Tôi nghĩ Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biết đến những việc này vì dư luận, báo đài đã phản ánh quá nhiều.
Hơn nữa họ còn quản lý một hệ thống theo trục dọc từ Bộ cho đến tận các cơ sở thì tất nhiên họ phải biết.
Vì thế liên Bộ phải có những đánh giá khẩn trương và kịp thời để giảm bớt các loại giấy phép con không cần thiết.
Đành rằng chúng ta chấp nhận việc học viên không cần đến lớp mà vẫn có thể học qua trực tuyến nhưng riêng khâu thi cử, đánh giá phải làm nghiêm túc, chặt chẽ; kiến thức của giáo viên là kiến thức thật chứ không phải đi mua.
Nếu anh là giáo viên đi dạy người ta mà anh còn không trung thực, giả dối thì anh còn trồng người làm sao được? Cho nên việc này giáo viên vừa là nạn nhân, vừa là kẻ đồng lõa, rất đau lòng!”.