Từ ngày 1.10.2023: Triển khai điều trị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh
Phòng điều trị đột quỵ được đặt tại Khoa Nội B, chính thức hoạt động từ ngày 1.10.2023.
Sau hơn 3 tháng chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh triển khai điều trị đột quỵ cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện, Phòng điều trị đột quỵ có quy mô 15 giường, được trang bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, CT 128 lát cắt... Ngoài ra, bệnh viện còn cử ê-kíp gồm 8 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh để bảo đảm trong công tác điều trị người bệnh đột quỵ. Bệnh nhân khi khám và điều trị đột quỵ được thanh toán bảo hiểm y tế.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử đội ngũ y, bác sĩ học tập kinh nghiệm về đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 và một số bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Việc triển khai điều trị đột quỵ tại bệnh viện giúp người bệnh tranh thủ được “giờ vàng”, không phải chuyển viện mất thời gian, kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm Bệnh viện Đa khoa tỉnh là hạt nhân hỗ trợ phát triển chuyên môn, kỹ thuật cho mạng lưới khám bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, tỷ lệ tử vong cao. Hiện có 85% trường hợp đột quỵ có nguyên nhân là thiếu máu não cục bộ (tắc mạch máu não), 15% do xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (vỡ mạch máu não).
Tại Việt Nam, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Người bệnh cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.
Những năm qua, các tiến bộ trong kỹ thuật cấp cứu can thiệp đột quỵ do thiếu máu não cục bộ được ghi nhận rất tích cực. Khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, càng được cấp cứu sớm, người bệnh càng có nhiều lựa chọn điều trị hơn và phương pháp can thiệp cũng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân nên tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý; ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động...