Từ ngày 1-7-2024: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước

Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Trần Ngọc Minh.

Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Trần Ngọc Minh.

Cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, công dân chưa đăng ký thường trú, tạm trú và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là những điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Trao đổi với Báo Đồng Nai về công tác này, đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết:

- Đến nay, Công an tỉnh đã sẵn sàng cho việc triển khai cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân theo quy định mới của Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Công tác chuẩn bị triển khai Luật Căn cước năm 2023 đã được Công an tỉnh thực hiện ra sao, thưa ông?

- Để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Căn cước năm 2023 với 10 điểm mới cho người dân biết bằng nhiều hình thức như: treo băng-rôn, áp-phích tại 170/170 phường, xã, thị trấn; tuyên truyền cho 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước; đặc biệt là cho các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với đó, tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về Luật Căn cước năm 2023 cho nội bộ Công an tỉnh và cho toàn thể công dân trên địa bàn toàn tỉnh; tập huấn cho 100% cán bộ, chiến sĩ chuyên trách thuộc 11/11 đơn vị công an các huyện, thành phố về việc thu nhận hồ sơ đối với người dưới 14 tuổi và thu nhận thông tin sinh trắc học “mống mắt” theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.

Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 (ngày Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.

Do đó, người dân không phải đi làm thẻ căn cước theo mẫu mới mà có thể sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân đến hết thời hạn giá trị sử dụng quy định như trên.

Ngoài ra, để tiến hành chuẩn bị thật tốt cho việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi; công dân chưa đăng ký thường trú, tạm trú (trước đây sẽ không được cấp thẻ căn cước công dân do không đủ điều kiện) và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, Công an tỉnh đã khẩn trương thu thập hồ sơ đối với các nhân khẩu là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn tỉnh (khoảng 2.283 nhân khẩu). Trong đó có các nhân khẩu đang sinh sống trong lòng hồ Trị An, thường xuyên di cư từ Campuchia về Việt Nam (1.565 nhân khẩu). Hướng dẫn công dân thực hiện tốt công tác thu thập thông tin dân cư và khai báo thông tin về cư trú khi không đủ điều kiện đăng ký trường trú, đăng ký tạm trú cho: 1.254 nhân khẩu không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; 202 nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân, 682 nhân khẩu chưa đủ thông tin, 562 nhân khẩu định cư từ nước ngoài về.

Thưa ông, theo quy định, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi có bắt buộc hay không, trình tự cấp được thực hiện ra sao?

- Luật Căn cước năm 2023 bổ sung việc cấp căn cước đối với người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, việc này luật không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân (khoản 3, Điều 19) và không thu nhận thông tin nhận dạng, thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi
(điểm a, khoản 2, Điều 23).

Về quy trình cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi (tại khoản 2, Điều 23, Luật Căn cước năm 2023) được thực hiện như sau:

Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để được tiến hành hướng dẫn thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Đối với các trường hợp người dân lang thang hoặc chưa thể đăng ký thường trú do chưa đảm bảo về điều kiện chỗ ở hợp pháp có được cấp thẻ căn cước hay không, thưa ông?

- Kể từ ngày 1-7-2024, theo Điều 19 Luật Căn cước năm 2023, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Theo đó, thẻ căn cước sẽ được cấp cho tất cả công dân Việt Nam, kể cả công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thưa ông, Đồng Nai có nhiều nhân khẩu là người di cư tự do trên lòng hồ Trị An, hiện chưa xác định được quốc tịch. Khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực, các trường hợp trên sẽ được giải quyết chính sách về thông tin cá nhân như thế nào?

- Căn cứ khoản 4, Điều 3 Luật Căn cước năm 2023 quy định: “Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam” (gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

Công an xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) khảo sát thu thập thông tin người chưa xác định quốc tịch đang sinh sống trên lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Công an tỉnh cung cấp

Công an xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) khảo sát thu thập thông tin người chưa xác định quốc tịch đang sinh sống trên lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Công an tỉnh cung cấp

Tại khoản 12, Điều 3 Luật Căn cước năm 2023 quy định: “Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của luật này”.

Như vậy, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước và có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam (theo Điều 30 Luật Căn cước năm 2023).

Để được cấp giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cần phải thực hiện như sau:

- Chứng minh bản thân sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

- Liên hệ công an cấp xã hoặc công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã để cung cấp và được thực hiện thu thập thông tin xác lập số định danh cá nhân.

- Sau khi được xác lập số định danh cá nhân thì đề nghị công an huyện, quận, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương) hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống cấp giấy chứng nhận căn cước.

Riêng các nhân khẩu đang sinh sống trong lòng hồ Trị An, thường xuyên di cư từ Campuchia về Việt Nam là các trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, Công an tỉnh đã hoàn thành thu thập thông tin, xác minh hồ sơ cho khoảng 1.565 trường hợp để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận căn cước được thuận lợi.

Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/tu-ngay-1-7-2024-nguoi-goc-viet-nam-chua-xac-dinh-duoc-quoc-tich-se-duoc-cap-giay-chung-nhan-can-cuoc-ce04178/