Từ ngày 1/7, người trên 60 tuổi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng

Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, người lao động từ 60 tuổi trở lên, dù chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, vẫn có thể được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể theo quy định mới.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 nêu rõ: Công dân Việt Nam đã đến tuổi nghỉ hưu, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ thời gian tối thiểu 15 năm để hưởng lương hưu (mức rút ngắn so với quy định hiện hành là 20 năm), đồng thời chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (hiện áp dụng từ 70 đến 75 tuổi tùy trường hợp), sẽ được xem xét nhận trợ cấp hằng tháng.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đang được triển khai: đến năm 2028, nam giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62, và đến năm 2035, nữ giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60. Trong năm 2025, tuổi nghỉ hưu được xác định là 61 tuổi 3 tháng đối với nam và 56 tuổi 8 tháng đối với nữ.

Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều người lao động từ 60 tuổi trở lên, đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ điều kiện nhận lương hưu, sẽ thuộc diện được hưởng chính sách trợ cấp xã hội mới.

Trợ cấp sẽ được tính toán căn cứ vào thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương trung bình làm căn cứ đóng. Mức hưởng tối thiểu không thấp hơn mức trợ cấp hưu trí xã hội hiện hành, tức 500.000 đồng/tháng.

Ngoài khoản trợ cấp hằng tháng, người thụ hưởng còn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí và nhận hỗ trợ mai táng phí khi qua đời.

Chính phủ sẽ định kỳ 3 năm thực hiện rà soát và điều chỉnh mức trợ cấp cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương có thể căn cứ vào điều kiện thực tế để hỗ trợ thêm cho người thụ hưởng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, kinh phí trợ cấp xã hội đang được phân bổ cho hơn 3,8 triệu người, tương đương khoảng 3,8% dân số, với tổng ngân sách lên đến 32.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người đã vượt qua độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam). Tuy nhiên, số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến tháng 5-2025, chỉ có hơn 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Điều này cho thấy thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu 60% người nghỉ hưu được hưởng lương hưu vào năm 2023, theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Tốc độ tăng bình quân số người được hưởng lương hưu chỉ đạt khoảng 80.000 người mỗi năm – một con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam dự báo, đến năm 2029, nước ta sẽ có khoảng 17,2 triệu người cao tuổi (chiếm 16,5% dân số). Dự kiến đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già, với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 14% dân số, tương đương khoảng 15,46 triệu người.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tu-ngay-1-7-nguoi-tren-60-tuoi-chua-du-dieu-kien-huong-luong-huu-se-duoc-nhan-tro-cap-hang-thang-317621.html