Từ nghiên cứu khoa học đến sinh kế bền vững
Ứng dụng khoa học vào bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đang xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, góp phần phục hồi hệ sinh thái và nâng cao giá trị kinh tế từ rừng.
Nguồn tài nguyên dược liệu quý hiếm giữa đại ngàn Pù Hu
Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hu nằm trên địa bàn 10 xã thuộc hai huyện miền núi Quan Hóa và Mường Lát (Thanh Hóa), có tổng diện tích hơn 28.000 ha.

Cán bộ Khu BTTN Pù Hu kiểm tra mức độ sinh trưởng của cây sa nhân tím
Đây là một trong những vùng sinh thái đặc trưng của khu vực Tây Bắc, được đánh giá có độ đa dạng sinh học cao, đặc biệt về thảm thực vật rừng nhiệt đới núi thấp.
Theo kết quả điều tra thực vật gần đây, Pù Hu hiện ghi nhận 669 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài quý hiếm như ba kích tím, sa nhân, mạch môn, bách bộ, chè hoa vàng, nấm linh chi…
Tuy nhiên, do khai thác không kiểm soát trong nhiều năm, cộng với tác động của biến đổi khí hậu và sự xâm lấn của con người, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt về trữ lượng hoặc tuyệt chủng cục bộ trong tự nhiên.
Trước thực trạng đó, Ban Quản lý KBTTN Pù Hu đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng tập trung vào bảo tồn nguyên vị và phát triển các loài dược liệu đặc hữu.
Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như dự án “Bảo tồn và phát triển ba kích và sa nhân tại xã Hiền Chung”; đề tài “Nghiên cứu, phát triển loài cây dược liệu mạch môn và bách bộ”; nghiên cứu trồng thử nghiệm nấm linh chi, cây quế, chè hoa vàng, cát sâm dưới tán rừng; đề tài “Điều tra, bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc dưới tán rừng tại KBTTN Pù Hu”
Các chương trình này đều áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, một hướng đi được các chuyên gia đánh giá cao do giúp tận dụng hệ sinh thái sẵn có, duy trì điều kiện vi khí hậu phù hợp, đồng thời giảm thiểu xói mòn đất, tăng độ che phủ rừng và hạn chế khai thác tài nguyên quá mức trong tự nhiên.
Kết quả ban đầu cho thấy, các loài cây dược liệu như sa nhân tím, ba kích tím, mạch môn, bách bộ… đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao khi được trồng dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng sản xuất.
Từ rừng ra bản: Nhân rộng mô hình trồng dược liệu ở vùng đệm
Từ những thành công ban đầu, các mô hình trồng dược liệu đang được KBTTN Pù Hu nhân rộng ra vùng đệm, nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái và Mông.

Cây ba kích tại Khu BTTN Pù Hu
Cụ thể, mô hình trồng sa nhân tím đã được triển khai tại xã Nam Tiến (1 ha), Hiền Chung (1 ha), Trung Lý (2 ha). Cây ba kích tím cũng được trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha tại Hiền Chung.
Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành trồng 1 ha mạch môn, 1 ha bách bộ, 1 ha chè hoa vàng và 1 ha cát sâm để đánh giá khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế.
Điểm nổi bật là các hộ dân vùng đệm được tham gia trực tiếp vào quá trình trồng, chăm sóc và theo dõi, qua đó hình thành nhận thức và kỹ năng canh tác theo hướng bền vững.
Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, Ban Quản lý còn tổ chức tập huấn, kết nối với doanh nghiệp chế biến, từng bước xây dựng chuỗi giá trị dược liệu gắn với bảo tồn.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc KBTTN Pù Hu nhận định: “Việc triển khai thành công các mô hình dược liệu không chỉ tạo cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, mà còn là nền tảng để nhân rộng mô hình sinh kế bền vững ở các thôn, bản vùng đệm. Người dân được sống nhờ rừng, sống cùng rừng thì mới giữ rừng được”.
Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục định hướng xây dựng các mô hình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, kết hợp ứng dụng công nghệ cao vào quá trình nuôi trồng, sơ chế và bảo quản dược liệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, KBTTN Pù Hu sẽ phối hợp với các tổ chức khoa học để nghiên cứu nguồn gen, tuyển chọn giống tốt, phát triển kỹ thuật nhân giống và bảo tồn gen quý.
Điều quan trọng là song song với hoạt động khoa học – kỹ thuật, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cũng được chú trọng.
Nhiều năm qua, KBTTN Pù Hu đã triển khai chương trình vận động người dân vùng đệm tham gia quản lý rừng, cam kết không khai thác trái phép, đồng thời hưởng lợi từ các mô hình sinh kế thay thế như trồng dược liệu, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng…
Với cách làm bài bản, dựa trên nền tảng khoa học, sự tham gia của cộng đồng và định hướng thị trường, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở Pù Hu đang mở ra hướng đi hiệu quả cho phát triển kinh tế xanh, vừa bảo tồn tài nguyên, vừa cải thiện sinh kế.
Các nhà chuyên môn nhận định, nếu được đầu tư đúng mức và có sự đồng hành từ doanh nghiệp, các mô hình như ở Pù Hu hoàn toàn có thể mở rộng ra các khu bảo tồn khác, đặc biệt là ở miền núi phía Bắc, nơi có tiềm năng về dược liệu và đang cần các giải pháp sinh kế bền vững thay thế cho khai thác rừng truyền thống.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/tu-nghien-cuu-khoa-hoc-den-sinh-ke-ben-vung-130649.html