Từ người bán ve chai đến đại phú Sài Gòn - Chợ Lớn
Quách Đàm từng là đại phú ở Hong Kong nhưng bị trắng tay trong phút chốc. Với kinh nghiệm trong thương trường ông đã làm lại sự nghiệp ở Chợ Lớn và lần thứ hai trở thành đại phú.
Người Miền Nam có câu nói về những người gốc Hoa giàu có ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thế kỷ 20: “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”, cho thấy Quách Đàm (1863-1927) là nhân vật xếp thứ hai sau Chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa).
Từ người mua bán ve chai vô gia cư đến bậc đại phú
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người), Quách Đàm là người gốc Triều Châu đến Chợ Lớn lập nghiệp, buôn bán và thành công vượt bậc. Ông làm chủ các nhà máy xay lúa, địa ốc, các cơ sở làm ăn trong Chợ Lớn trong thập niên 1920.
Trụ sở của nhà buôn Quách Đàm nằm ở bến Quai de Gaudot cạnh rạch Chợ Lớn (sau này khi rạch lấp, Quai de Gaudot trở thành đại lộ Boulevard Gaudot, sau thời Pháp là đường Khổng Tử và nay là Hãi Thượng Lãn Ông). Tòa nhà này hiện nay vẫn còn.
Còn theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (sách Sài Gòn vang bóng), khi mới sang đất Nam Bộ, Quách Đàm mưu sinh bằng nghề buôn bán ve chai khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn - Chợ Lớn, tối đến ngủ dưới mái hiên nhà người. Mua ve chai được ít năm, ông có được số vốn lận lưng mới xoay sang nghề mua da trâu, vi cá và bong bóng cá, nhưng đêm đêm vẫn ngủ nhờ dưới hiên nhà hay trong chợ. Cũng vì có chí và mưu lợi nên Quách Đàm mau lên hơn bất kỳ ai.
Theo bài báo tựa đề “Le Bouddha de la richesse“, đăng trên tờ nhật báo “Le Journal” xuất bản ở Paris ngày 18/7/1927 của phóng viên Georges Manue (tác giả Nguyễn Đức Hiệp dẫn lại trong sách), trước khi sang lập nghiệp ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Quách Đàm từng là một đại phú ở Hong Kong nhưng bị trắng tay trong phút chốc. Bằng kinh nghiệm trong thương trường, ông đã làm lại sự nghiệp ở Chợ Lớn và lần thứ hai trở thành đại phú.
Bài báo viết: “Lúc thuở ban đầu, ông làm bồi, cu li, bán súp hủ tiếu, tiểu thương kiếm lời từ xu đến chủ tiệm sang trọng, một nhà doanh nghiệp khôn khéo và biết bao nghề khác đã mang lại cho ông một tài sản khổng lồ mà chỉ trong vòng vài giờ ông đã mất hết trong trò chơi thương mại mà trước đó đã phục vụ ông rất tốt.
Hôm qua giàu, sáng nay nghèo giống như ngày ông từ Hong Kong ở trần từ hầm tàu bước xuống Chợ Lớn, ông không một mảy may tuyệt vọng, hay nao núng.
Nghèo tiền, nhưng giàu kinh nghiệm. Cũng chịu cực, cũng trau chuốt, cũng mềm dẻo từ một tinh thần dày dặn như trước kia, chỉ trong vòng 20 năm ông đã làm lại sự nghiệp và vượt qua đến nỗi đã làm ngạc nhiên nhiều người Âu khi ông có cả chục triệu tiền piastres nhân lên 12 hay 13 lần để chuyển thành tiền franc”.
Bài báo cũng cho biết về mức độ giàu có của Quách Đàm: “Ông có nhiều ruộng lúa và nhiều nhà may xay xát. Ông có cả nghìn hec-ta cao su, trước khi cao su trở thành mốt làm ăn, và cả đất trồng trà, cà phê và một đội tàu thương mại đi các cảng Singapore, Hong Kong.
Ông đứng đầu cả trăm tiệm, cơ ngơi thương mại, và điều khiển nhiều chục công việc, xây dựng nhiều khu hoàn toàn mới Nước Pháp đã tặng ông huy chương Bắc đẩu bội tinh mà ông lấy đó làm hãnh diện”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Quách Đàm làm giàu nhanh chóng nhờ có chí và mưu lợi. Để công việc làm ăn của mình thuận lợi, ông đã bắt tay với chính quyền thuộc đạ và chia sẻ quyền lợi của một số tư bản Pháp.
Trên tờ Écho Annamite ngày 2/5/1927 (nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp dẫn trong sách) có đăng bài viết cho thấy Quách Đàm có thể khuynh đảo chính quyền địa phương và có được những lợi thế hơn trong thương trường.
Bài báo này nói về nhà máy xay xát lúa của Quách Đàm ở Mỹ Tho rất ô nhiễm đã làm 2 phần 3 dân chúng phải chịu bụi khói xả ra từ các ống khói. Ống khói của nhà máy này cao đến 32 m (dự định sẽ làm cao thêm 6 m) nên xả bụi hầu như đến toàn thành phố.
Người dân thành phố đã nhiều lần trình báo chính quyền về vấn đề ô nhiễm gây hại đến sức khỏe do nhà máy gây ra, nhưng vẫn không được giải quyết. Cuối cùng tác giả bài báo này đã cho rằng sức khỏe dân chúng đã bị đồng tiền áp đảo.
Bỏ tiền hiến đất, xây chợ tặng thành phố
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, khi đã giàu có rồi, Quách Đàm nằm nhà với “nàng tiên nâu” để nghĩ mưu kế cạnh tranh trên thương trường, giao du với quan to đầu tỉnh Pháp và các quan Nam Kỳ… Nhờ đó mà ông được độc quyền nhập một số hàng hóa tại Nam Kỳ.
Quách Đàm cũng xoay sang đứng bảo lãnh con nợ của Ngân hàng Đông Dương. Cứ mỗi lần xin chữ ký bảo chứng là họ phải chịu cho ông một lượng hoa hồng nhất định. Không may, có một năm kinh tế khủng hoảng, các nhà buôn vỡ nợ không có sức trả tiền vay, làm ông bị vạ lây.
Di sản lớn nhất mà Quách Đàm để lại cho ngày nay đó chính là chợ Bình Tây ở khu vực Chợ Lớn. Khoảng những năm 1920, Chánh tham biện Sài Gòn thấy Chợ Lớn cũ (ở đất nền Bưu điện Chợ Lớn bây giờ) nhỏ hẹp, không đủ cho việc buôn bán và muốn mở rộng thành phố nên muốn xây một cái chợ lớn hơn. Lúc đi kiếm mua đất thì chủ đất bắt chẹt đòi giá cao.
Được tin này, Quách Đàm đã tặng một miếng đất rộng hơn (Chợ Bình Tây hiện nay) cho chính quyền thành phố, không lấy một xu nào, chỉ xin một điều là cho đặt tượng Quách Đàm ở đó. Việc này chẳng mấy khó khăn nên chính quyền thành phố thời đó đã chấp thuận ngay.
Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn khi ấy,
Điều đáng tiếc là trước khi chợ khánh thành (1930) thì Quách Đàm qua đời (1927). Theo cụ Vương Hồng Sển (sách Sài Gòn năm xưa) khi Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng. “Bàn đưa không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên...
Khách đi dường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay la ve (bia) và riêng tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (năm đồng bạc) đền ơn có lòng đưa đón! Quách Đàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm giáp ranh Chợ Lớn và Gia Định”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-nguoi-ban-ve-chai-den-dai-phu-sai-gon-cho-lon-post1468008.html