Từ 'Nha bình dân học vụ' đến 'Bình dân học vụ số'
Ðảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số (CÐS), mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và CÐS mang lại.
Đó là một trong những mục đích trong triển khai Kế hoạch 303-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quán triệt, tuyên truyền Kế hoạch số 01-KH/BCDTW, ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CÐS về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” (Kế hoạch số 01).
Ngược dòng lịch sử, cách đây 80 năm, sau khi đọc bản Tuyên ngôn Ðộc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vấn đề cấp bách đất nước đứng trước 3 loại giặc, là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ chống giặc dốt.
“Ngày nay cũng vậy, CÐS là một cuộc cách mạng, bình dân học vụ số chính là phổ cập kiến thức cơ bản về CÐS cho mọi người dân”, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khẳng định.
Với tinh thần đó, tỉnh Cà Mau triển khai đầy đủ mục đích, yêu cầu, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Phong trào "Bình dân học vụ số", đảm bảo việc thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt các chỉ tiêu theo quy định. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về CÐS và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình CÐS quốc gia.

Ðể thực hiện chủ trương bình dân học vụ số, cán bộ phải là những người làm mẫu, vừa học vừa hướng dẫn, chỉ dẫn cho người dân tiếp cận kiến thức CÐS, công nghệ số.
Theo đó, xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình CÐS, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của CÐS”. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật, nâng cao nhận thức về CÐS, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác.
Ðồng thời, thi đua tự học về CÐS, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu CÐS của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình và công dân số. Gắn kết phong trào với triển khai thực hiện Ðề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Kế hoạch số 01 đặt ra các chỉ tiêu cụ thể triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" đến năm 2026, đó là cả nước có 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CÐS, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số. 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về CÐS, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số. 60 triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CÐS, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Về công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo việc tuyên truyền Kế hoạch số 01 và quá trình triển khai thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phù hợp. Ban Tuyên giáo và Dân vận các cấp trong tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, tuyên truyền Kế hoạch số 01 ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của phong trào “Bình dân học vụ số” được nêu tại Kế hoạch số 01 bảo đảm phù hợp với tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Chủ động nắm chắc và dự báo tình hình tư tưởng, tâm lý xã hội; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp giúp cấp ủy chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.
Các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền sâu rộng Kế hoạch số 01, nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào “Bình dân học vụ số”, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CÐS.
“Ðể thực hiện chủ trương bình dân học vụ số, cán bộ phải là những người làm mẫu, vừa học vừa hướng dẫn, chỉ dẫn cho người dân tiếp cận kiến thức CÐS, công nghệ số. Còn người dân phải là chủ thể, mỗi người dân phải có ý thức, nhận thức đầy đủ về CÐS. Sở Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể vấn đề này, thành lập các đội hình bình dân học vụ số với số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và nguyên tắc hoạt động cụ thể, kết hợp cùng tổ công nghệ số cộng đồng... vừa đi vào hoạt động vừa điều chỉnh, nâng cấp", Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-nha-binh-dan-hoc-vu-den-binh-dan-hoc-vu-so--a38784.html