Từ những cuộc 'đào thoát' và nỗ lực chưa thành
Nhìn vào bảng xếp hạng DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2023 do UBND tỉnh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình vừa công bố, cho chúng ta nhiều cảm xúc.
Sự vươn lên thông qua nỗ lực cải cách của một số sở, ngành, địa phương ở nhóm dưới trong lần công bố trước được xem như một cuộc “đào thoát”. Và dù đã có sự cố gắng nhưng có lẽ vẫn chưa đủ tầm để thuyết phục doanh nghiệp, nên còn có những địa phương chưa thể thoát ra khỏi nhóm cuối bảng trong lần công bố này.
Nhìn chung, qua bảng xếp hạng cho thấy những nỗ lực rất lớn đã đem lại cho những địa phương, sở, ngành vị trí xứng đáng. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước ở một lĩnh vực liên quan đến gần như tất cả doanh nghiệp. Ở lần công bố trước, với sự bất tín nhiệm lớn, nhiều doanh nghiệp đã bỏ phiếu cho Sở Tài nguyên và Môi trường ở vị trí “đội sổ”. Nhưng chỉ qua 1 năm, với sự cầu thị, nỗ lực lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng 8 bậc, từ vị trí 22 lên 14.
Hay như thị xã Bỉm Sơn - một trong những địa phương đầu tàu kinh tế của tỉnh, có nhiều doanh nghiệp lớn đứng chân, ở lần xếp hạng trước bị xếp vào nhóm trung bình, với vị trí thứ 20/27, thì ở lần xếp hạng này đã vươn lên thứ 8. Một địa phương khác cũng có sự tăng tiến mạnh mẽ tới 16 bậc, từ vị trí thứ 26 năm 2022 lên vị trí thứ 10 trong năm 2023, đó là Yên Định, một huyện lớn, có nhiều doanh nghiệp. Với nhiều cải cách, địa phương này đã thuyết phục được lá phiếu doanh nghiệp dành cho mình, thay cho việc bỏ qua, phớt lờ sự nhìn nhận từ doanh nghiệp. Những cái ngoái nhìn sau mỗi lần đánh giá, công bố thật giá trị, nó giúp các chủ thể nhìn nhận chân thực về mình.
Kết thúc mỗi lần đánh giá, vị trí thứ hạng biết là sẽ làm vui địa phương này, và buồn cho địa phương kia. Nhưng vượt lên cảm xúc, đều đặt lên vai các chủ thể một trách nhiệm lớn lao trong chặng đường kế tiếp, vì sự nỗ lực vươn lên cải cách bản thân không bao giờ là muộn và đủ cả.
Với những sở, ngành, địa phương đã “đào thoát” ra khỏi khu vực đáy bảng xếp hạng như Sở Tài nguyên và Môi trường, thị xã Bỉm Sơn, huyện Yên Định, đòi hỏi họ phải kiên trì, kiên định, phát huy những giải pháp, cách làm của mình để phục vụ, kiến tạo ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, thúc đẩy PCI của tỉnh. Vị trí, thứ hạng mà họ có được lần này phải xem là động lực để phấn đấu thêm, chứ không nên xem đó là “chiếc quạt gió” làm mát mặt và ru ngủ.
Còn với những địa phương chưa thể “thoát” ra khỏi tốp cuối bảng xếp hạng, đòi hỏi họ càng phải nỗ lực hơn, trong đó thị xã Nghi Sơn là ví dụ. So với vị trí 27 ở lần công bố trước và vị trí 26 trong lần công bố này, sự thay đổi là không nhiều, nhưng ít nhiều cho thấy chiều hướng dịch chuyển. Công bằng, nếu xét về khối lượng công việc phải giải quyết cho doanh nghiệp thì chúng ta cũng dễ thông cảm. Bởi, so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có số lượng doanh nghiệp vượt trội, đồng nghĩa mức độ công việc phải giải quyết nhiều hơn, sự rủi ro luôn đi kèm.
Vấn đề đặt ra từ kết quả công bố lần này là các sở, ngành, địa phương cần nhìn nhận lại cách thức điều hành của đơn vị mình, để từ đó có những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn trong thời gian tới. Nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Càng có nhiều doanh nghiệp, càng yêu cầu thái độ và chất lượng phục vụ cao hơn, không có điểm dừng. Có thế việc đánh giá DDCI hàng năm mới trở nên hữu ích.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tu-nhung-cuoc-dao-thoat-nbsp-va-no-luc-chua-thanh-214721.htm