Từ những phép màu trong lòng tháng Chạp

Hồi nhỏ, tôi luôn mong chờ tháng Chạp. Bởi vào quãng này, khi nắng ấm đã bừng lên reo vui trong mắt người, cha má tôi sẽ về nhà với đàn con sau những ngày tha hương, quần quật trong bạt ngàn rẫy rừng cao nguyên đất đỏ.

Lớn lên, tôi vẫn luôn mong chờ tháng Chạp. Bởi tới lượt anh em tôi được về nhà, nao nao bước qua bậc cửa mòn dấu thời gian, nghèn nghẹn cất tiếng gọi “má ơi” hệt như lúc nhỏ dẫu đã thấy bóng má quày quả bước lên từ góc bếp, mừng tủi đỡ lấy hành lý của con sau dặm dài sấp ngửa áo cơm.

Cũng từ đó mà tôi hay gọi tháng Chạp là mùa đoàn tụ.

Tôi tự hỏi đời người sẽ về đâu nếu như không có những mùa đoàn tụ như thế?

Đã đi qua bao nhiêu mùa đông vần vũ gió mưa, để rồi tôi nhận ra mùa đông lạnh giá nhất của đời mình là mùa đông đầu tiên phải xa vòng tay má. Đó là quãng cà phê chín rộ trên miền rừng núi thâm u, mà ở quê tôi lại đương vào độ mưa lê thê ngút ngát, những đôi vợ chồng trong xóm bắt đầu rủ nhau đón những chuyến xe đò, lên vùng rẫy đồi cao nguyên hái cà phê mướn.

Tôi nhớ suốt nhiều đêm vắng hơi ấm của má, nằm giữa anh chị tôi ở hai bên trên chiếc nệm cũ trải giữa nhà, tôi cứ mãi trằn trọc nhìn lên bóng đèn trái ớt. Nhớ má nên chẳng thể nào dỗ mình vào giấc ngủ. Thao thức với lời hẹn rằng tháng Chạp cha má sẽ về.

Tôi bắt đầu thói quen chào ngày mới bằng việc xé một tờ lịch trên tường cũng từ dạo ấy. Tháng Mười, mặt trời ngủ mê sau những cơn sụt sùi triền miên của mưa, lũ từ đầu nguồn ồ ạt đổ về biến xóm tôi thành ốc đảo, ngỡ ngày cũng như đêm, mất điện chừng nửa tháng. Tôi biết cha má ở xứ xa cũng chạo rạo không yên, trong tâm trí hiện lên những đôi mắt ngầu đỏ chẳng phải vì bụi đất rẫy rừng mù mịt.

Nên tôi nhớ đậm sâu một chiều tháng Chạp năm nào, khi nắng đã lùi dần về phía ngọn đồi dương liễu, anh em tôi đương cặm cụi chuẩn bị cơm tối. Tôi đã nhảy cẫng lên quàng lấy cổ má mừng rỡ trong nước mắt, khi cha má vừa bước về tới cửa, cùng lỉnh kỉnh những chiếc túi gói ghém theo nhiều phông bánh kẹo đặc sản cao nguyên, cùng bao chắt chiu tằn tiện cho ngày tết cận kề.

Bởi vậy mà với tôi, tháng Chạp dường như luôn có những phép màu.

Phép màu tháng Chạp còn đượm trong những khóm hoa lay ơn một thuở cha má tôi trồng bán tết. Mảnh đất trồng hoa ở trước ngôi nhà cũ vách bùn trộn rơm khô, dãy ngói rêu xệu xạo sau nhà phủ dày lá bạch đàn mục ải. Mớ củ lay ơn mùa trước được má dồn gọn vào bao đặt dưới gầm giường, cứ đến ngày 18 tháng Mười Âm lịch lại được đổ ra bóc hết lớp vỏ nâu mịn óng. Rồi cha má sẽ đào đất chôn củ xuống thành hàng đều đặn, phủ lên lớp phân rạ ngai ngái ẩm mềm.

Những vạt hoa lay ơn đã không để lỡ lời hẹn cha má dành trọn lòng gửi vào từng ô đất. Bao mỡ màu dưỡng chất từ bầu ngực của đất cùng mưa nắng gió sương, và những chi chút cần mẫn từ hai đôi bàn tay dạn dày dâu bể, cả hơi ấm chân phương của niềm hy vọng, tất thảy vun bồi tích tụ nên hình hài những cành hoa muốt xanh vừa hé nụ, chớm nở, gội mình trong văn vắt sương đêm. Để cha má kịp chở hoa ra phiên chợ tháng Chạp ở làng chài xóm biển, vào buổi mờ sương ngày 29 và 30 Tết, cho người đi chợ mua về chưng trên gian thờ tổ tiên.

Tôi thường dặn má gọi tôi dậy sớm để theo cha má ra phiên chợ bán hoa. Cha rọi đèn cho má cắt rồi bó lại thành từng khóm mượt dài bằng dây chuối, mỗi khóm đơm thêm vài cành liễu mảnh mai. Đường ra chợ uốn lượn chỉ le lói vài ánh đèn lẫn vào đầm đậm sương sớm, trời còn phủ rèm tối như màu nhọ nồi. Cuối Chạp, gió liu riu thổi về từ biển lạnh “xanh xương”. Đi hết con đường quanh co ven núi sẽ ra đến chợ, tôi ngồi giữa cha má trên xe nhìn xuống những ngọn đèn câu tựa ánh sao giăng đầy mặt biển, như chú chim mới ra ràng vừa lạ lẫm, vừa thích thú.

Cha má đã dành những khóm hoa đẹp nhất để rạng rỡ sắc hương trên gian thờ ông bà ngày tết. Mỗi người đi chợ mua những khóm hoa thẹn thùng ngan ngát như mang theo bóng mùa xuân về nhà. Mùa xuân cũng hiện hữu trong ngôi nhà vách bùn mái dột, bởi những đóa hoa ủ đầy hương trời đất và thảo thơm lòng người, bởi những đối đãi dịu dàng của gió sương tháng Chạp, và lênh loang ánh lửa ngời lên từ trái tim của cha má. Hai trái tim ấm không cần cất lên tiếng nói vẫn có thể dạy cho đàn con một lẽ đời chân thật, rằng nghèo phải cho sạch, rách phải cho thơm…

Khi những cành hoa cuối cùng được bán trong sáng ngày 30, cha má mới có thể ngược xuôi sắm tết. Tôi mang ơn từng khóm hoa một thuở, những nụ những cành đã can trường vượt qua giá lạnh, dẫu thế nào cũng không để trễ hẹn chuyến tàu mùa xuân. Để rồi nhận ra, có vẻ đẹp nào ấm áp hơn vẻ đẹp của yêu thương ánh lên từ bủa vây khốn khó.

Tháng Chạp, và tết, vốn dĩ luôn đầy ắp những phép màu không bao giờ có thể thay thế, chôn vùi…

TRẦN VĂN THIÊN

Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-nhung-phep-mau-trong-long-thang-chap-post728814.html