Từ nỗ lực số hóa đến bí kíp thu tiền tỷ của người dân tộc thiểu số ở 'thủ phủ sầu riêng' tỉnh Đắk Lắk
Đồng bào dân tộc miền núi tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả vượt trội.
Krông Pắc nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 30 km về phía Đông, đồng bào dân tộc thiểu số là người Ê-đê, Xơ-đăng, Vân Kiều... chiếm tỷ lệ xấp xỉ 33%. Với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Krông Pắc đang nổi lên như là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh.
Ứng dụng thương mại điện tử
Sở hữu vườn sầu riêng quy mô hơn 150 gốc, ông Y Guk Bkrông, người dân tộc Ê Đê, xã Ea Phê, chia sẻ trước đây, cây sầu riêng thường được trồng xen trong vườn cà phê, tuy nhiên thời gian gần đây, các hộ dần chuyển hướng sang trồng thuần, với sự đầu tư mạnh hơn cho khoa học – kỹ thuật.
Sầu riêng Dona và Ri6 là hai giống chất lượng cao được các hộ sản xuất lựa chọn trồng nhiều nhất. Khoảng gần chục năm trở lại đây, với giá bán bình quân ở mức 70.000 – 100.000 đồng/kg, cây sầu riêng trở thành cây thoát nghèo, làm giàu bền vững của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Người dân tộc thiểu số ở Krông Pắc đang giàu lên nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
“Sự đồng hành của ngành nông nghiệp địa phương trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa,… là nền tảng giúp đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Puân A nói riêng và xã Ea Phê nói chung vươn lên thoát nghèo”, ông Y Guk Bkrông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, để hỗ trợ người dân, đặc biệt là nông dân, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong việc tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và tổ chức các phiên livestream bán hàng trực tuyến.
Điển hình, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề "Tạo tài khoản và đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương lên sàn thương mại điện tử".
Hội nghị thu hút 380 cá nhân đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, HTX, doanh nghiệp và hộ kinh doanh nông sản tham gia. Nội dung tập huấn đi sâu vào các vấn đề về chuyển đổi số trong nông nghiệp, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hướng dẫn tạo lập tài khoản trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn và Postmart.vn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngoài ra, huyện Krông Pắc cũng đã tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số với chủ đề "Kết sức mạnh - Nối thành công". Sự kiện này bao gồm khoảng 50 gian hàng tư vấn, hỗ trợ người dân ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực như thực hiện thủ tục hành chính, quản lý sản xuất nông nghiệp, giáo dục và tài chính.
Người dân cũng được tiếp cận với các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất giúp nông dân trồng sầu riêng tại Krông Pắc tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian, từ đó tăng lợi nhuận và cải thiện đời sống kinh tế.
Đơn cử, là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất sầu riêng, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc (xã Ea Yông) đang mở ra cho “thủ phủ sầu riêng" một không gian sản xuất hiện đại, thông minh.

HTX đang trở thành điểm tựa giúp thành viên, nông dân liên kết phát triển sản xuất, làm giàu.
Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc, chia sẻ chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Chính vì vậy, HTX đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều tiện ích công nghệ số vào sản xuất, trong đó có thiết bị thông minh đo dinh dưỡng đất Enfarm, bộ giải pháp AIGU Smart Farm… trên diện tích hơn 10 ha.
Bước đầu, các tiện ích công nghệ số này đã giúp cho chủ vườn nắm chính xác những chỉ số về độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ… của đất, từ đó bổ sung đúng, đủ lượng dưỡng chất, nước mà cây cần, tránh được việc chăm bón dư thừa gây tốn kém và ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của cây trồng.
Ứng dụng này còn có thể tích hợp với hệ thống tưới nước, bón phân tự động, các thông tin hiển thị nhanh, cập nhật liên tục trên điện thoại di động, giúp chủ vườn có thể quản lý quy trình sản xuất từ xa, giảm công lao động.
Mặt khác, thông qua các ứng dụng này, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc cũng có thể đồng giám sát, quản lý, hướng dẫn thành viên thực hiện đúng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng…
Khơi thông những điểm nghẽn
Hoạt động hiệu quả của các HTX đang là điểm tựa vững vàng cho các thành viên, nông dân, đặc biệt là các thành viên, nông dân người dân tộc thiểu số vươn lên.
Điển hình, hơn 3 năm qua, được sự vận động của địa phương cũng như sự hướng dẫn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc, gia đình bà Hoàng Thị Mùi, dân tộc Tày ở xã Ea Yông đã thực hiện chăm sóc vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Quá trình chăm sóc vườn cây đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật có sự giám sát chặt chẽ.
Bà Mùi chia sẻ: “Sự đồng hành của địa phương và HTX giúp tôi hoàn thiện quy trình canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ, đảm bảo thu nhập 100-150 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng các ban ngành tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch để nâng cao hơn nữa giá trị quả sầu riêng”.
Có thể nói, những đóng góp của các HTX, cùng sự hỗ trợ của địa phương, kinh tế Krông Pắc đang khởi sắc từng ngày, trở thành một điển hình về phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk.
Những thành công hiện tại của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Krông Pắc không thể không nhắc đến vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, với loạt chương trình hỗ trợ về vốn, nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại…
Điển hình, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX.
Việc tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, giúp các HTX tại Krông Pắc quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp, đại lý tiêu thụ. Không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia các hội chợ, triển lãm còn giúp HTX nâng cao kiến thức về thị trường và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Đáng chú ý, để hỗ trợ các HTX trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, HTX. Các HTX tại Krông Pắc đã tham gia các chương trình này, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với thành công đang có, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Krông Pắc sẽ tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học – kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Chủ động hỗ trợ, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, để hình thành liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.