Từ nông nghiệp xanh đến 'cánh đồng thông minh' ở Đồng Tháp
Trên nền tảng của các hội quán và HTX, các mô hình nông nghiệp thông minh đang được nhân rộng tại Đồng Tháp, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương.
Được xác định là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tháp Mười, những năm qua, Mỹ Đông đã chủ động phát triển trên mọi “mặt trận” từ kinh tế đến xã hội, trong đó các HTX đang thể hiện dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.
Điểm tựa từ HTX
Nổi bật trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác ở Mỹ Đông có thể kể đến mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với an toàn sinh thái, ứng dụng công nghệ cao của HTX Thắng Lợi. HTX cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa thông minh” của tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, mô hình cánh đồng liên kết được HTX áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Hiện, trên 70% các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, bảo quản thóc, gạo của HTX đều đã áp dụng máy móc.
Sự thay đổi trong tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ mới giúp HTX xây dựng thành công những cánh đồng lớn hiện đại, thông minh, hiệu quả sản xuất ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Nếu ở Tháp Mười có HTX Thắng Lợi thì ở huyện Lấp Vó có HTX DVNN Bình Thành (xã Bình Thành). HTX hiện đã xây dựng thành công vùng lúa chất lượng cao rộng 256ha, có 81ha sản xuất lúa an toàn, 30ha sản xuất lúa giống cung cấp cho thành viên.
Để nâng cao giá trị canh tác, HTX đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp, chiếm 80% trên tổng diện tích.
HTX cũng có nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thu nhập.
Ấn tượng từ các hội quán
Đến nay, 100% diện tích sản xuất của HTX Bình Thành đang tiêu thụ thông qua liên kết với các doanh nghiệp, ổn định thị trường cho thành viên.
Đáng chú ý, HTX còn có hội quán sinh hoạt đa dạng các lĩnh vực kỹ thuật chăm sóc cây có múi, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý ra hoa xoài trái vụ, tỉa cành tạo tán, bón vôi... với 127ha, chủ yếu là xoài và cây có múi...
Mô hình hội quán trong HTX, hay HTX trong hội quán cũng cũng chính là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch sinh thái ở Đồng Tháp những năm gần đây.
Điển hình, mô hình hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc) đang là một trong những mô hình điểm trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mang lại ưu điểm vượt trội cả về kinh tế và môi trường cho người dân trên địa bàn từ nhiều năm qua.
Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc cho biết, từ năm 2015 trở về trước, nhiều hộ gia đình trồng cây kiểng ở làng hoa hơn 100 tuổi này thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ, nên sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thu nhập bấp bênh.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn. Với 12 khu điểm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi năm hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách, lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống.
Cùng với hội quán làm du lịch, ở Đồng Tháp còn nhiều mô hình hội quán nổi bật, đã và đang góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung…
Theo thống kê, đến nay, trên 70% số xã, phường, thị trấn ở Đồng Tháp thành lập ít nhất 1 mô hình hội quán, có 4 hội quán đã được cấp mã số vùng trồng. Đặc biệt, có 35 HTX nông nghiệp được thành lập trên cơ sở các hội quán.
Điển hình như ở huyện Châu Thành, có tới 13 HTX được hình thành từ hội quán. Đơn cử, ở xã An Hòa, từ Hội quán Canh Tân, 2 HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành và HTX nông sản an toàn An Hòa được thành lập, tạo điểm tựa vững chắc cho hàng trăm nông dân.
Thúc đẩy nông nghiệp thông minh
Không chỉ là điểm tựa cho các HTX, chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Đây cũng là nền tảng giúp tỉnh hình thành nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả vượt trội. Như mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Quýt Hồng Lai Vung, HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, HTX Thanh Long VietGAP Phong Hòa, huyện Lai Vung, áp dụng kỹ thuật giàn treo và che lưới trái.
Hay mô hình sản xuất có lắp đặt trạm kiểm soát sâu rầy thông minh, gắn với liên kết tiêu thụ tại HTX nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông).
Không chỉ với khu vực HTX, ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái cũng chính là định hướng chung cho toàn ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Với định hướng đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chuỗi đa giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, theo hướng tận dụng phế phẩm phụ phẩm, gắn kết phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thành sản phẩm OCOP cho các nông sản chủ lực của địa phương.
Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp trong chuyển đổi số như sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; giám sát sâu rầy thông minh, hệ thống quản lý tưới thông minh, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu... Chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ưu tiên quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời kết hợp mô hình chăn nuôi...