Tư pháp Lâm Đồng: Nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu, giải quyết các vấn đề pháp lý
Sáng 5/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp Lâm Đồng, cùng dự buổi làm việc có ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Nỗ lực hoàn thành tốt vai trò “người gác cổng”
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng đã điểm lại kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực. Nổi bật như trong lĩnh vực quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh báo cáo, đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước...
Để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật về XLVPHC, Sở Tư pháp đã thực hiện Đề tài sáng kiến xây dựng Danh mục hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực XLVPHC nhằm giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, công chức và người dân, doanh nghiệp tìm hiểu một cách đầy đủ, ngắn gọn và nhanh nhất đối với các quy định của pháp luật về XLVPHC với mục tiêu trong thời gian ngắn nhất, người dùng có thể cập nhật được lĩnh vực xử phạt, mức xử phạt tối đa, văn bản áp dụng đang có hiệu lực thi hành trong bối cảnh đang có rất nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế; nhiều quy định mới nằm rải rác hầu hết tại các văn bản QPPL khác.
Hay như trong lĩnh vực Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Sở Tư pháp đã thực hiện biên soạn, xây dựng và tổ chức cấp phát 460.000 Tờ gấp các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và 3.750 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị, địa phương, các Tổ Covid cộng đồng trên địa bàn tỉnh; Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đối với công tác xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành rà soát văn bản do HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, trong đó chú trọng rà soát các quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp và tham mưu ban hành các văn bản nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tế của tỉnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trên địa bàn Lâm Đồng cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như: Các quy định còn thiếu đồng bộ, quy trình phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành liên quan chưa thực sự nhịp nhàng; trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có trường hợp các cơ quan còn lúng túng trong xác định thẩm quyền của HĐND và UBND…; Mức chi cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật qua tổ chức thực hiện chưa phù hợp với tình hình thực tế; chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật còn thấp nên chưa huy động được những người có trình độ tham gia.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tư pháp Lâm Đồng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất đến Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan cũng như UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập để công tác tư pháp phát triển hơn nữa, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi lắng nghe phản ánh từ địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã trao đổi, chia sẻ về nghiệp vụ, nêu lên một số tồn tại cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp trên địa bàn Lâm Đồng.
Tiếp tục phát huy hiệu quả lãnh đạo, phối hợp trong công tác
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long cơ bản nhất trí với báo cáo, ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Tư pháp Lâm Đồng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chia sẻ khó khăn, thách thức với công tác Tư pháp nói chung và Tư pháp Lâm Đồng nói riêng thời gian qua. Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức đó, ngành Tư pháp Lâm Đồng cơ bản bám sát nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ; mặc dù các lĩnh vực quản lý, nội dung hoạt động rộng nhưng cơ bản thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, trong công tác Tư pháp cần có cách nhìn tổng thể, toàn diện, từ đó xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm.
Nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới của bộ, ngành Tư pháp hết sức nặng nề, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu ngành Tư pháp nói chung, ngành Tư pháp Lâm Đồng nói riêng cần tập trung vào một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Trước tiên là nâng cao vai trò trong tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, góp ý kiến về các vấn đề pháp lý ở địa phương cũng như xử lý các tồn đọng.
Cùng với đó là thực hiện các yêu cầu về quản lý ngành; tăng cường hiệu quả thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền; phát huy hiệu quả các công cụ của bộ, ngành Tư pháp trong một số lĩnh vực như thanh tra, kiểm tra XLVPHC, kiểm tra các tổ chức hành nghề luật; chú ý sau khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra cần đôn đốc thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Lâm Đồng cần quan tâm hơn nữa tới việc thực hiện Đề án 06. Trong đó theo sát các chỉ đạo của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành liên quan tới việc triển khai thực hiện Đề án 06…Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý ngành Tư pháp Lâm Đồng nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả lãnh đạo; phát huy tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo giải quyết trong thẩm quyền.
Tiếp thu các chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng hứa sẽ cùng tập thể cán bộ tư pháp kịp thời khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp, góp phần chung vào sự ổn định, phát triển của địa phương.