Tư pháp quận 10 phục vụ dân tối đa

'Cả vòng đời con người ta phải gắn liền với giấy tờ tư pháp nên cán bộ tư pháp phải phục vụ dân cẩn trọng, chu đáo' - trưởng phòng Tư pháp quận 10, TP.HCM chia sẻ.

Những ngày cuối năm, tại phòng tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận 10, TP.HCM vẫn đông người dân đến giao dịch, chứng thực sao y, chữ ký.

Linh động để dân không chờ qua hôm sau

“Quận 10 làm nhanh lắm, cô ơi!” - bà Nguyễn Thị Tuyết, quận 5, TP.HCM chia sẻ. Bà Tuyết cho biết bà đến UBND quận để sao y CMND, hộ khẩu nhằm bổ túc hồ sơ xin visa du lịch. Bà nói nộp hồ sơ vô đây ngồi chờ, hôm nào đông thì khoảng 10 hay 15 phút là được, hôm nào vắng thì chỉ hơn năm phút là có liền, nhanh lắm. Vì vậy, bà toàn tới đây làm giấy tờ.

Chiều hơn 16 giờ, ông Phạm Văn Hòa ở Tiền Giang mới đến trích lục khai sinh. Ông Hòa kể ông đi từ trưa đến giờ mới tới được đây và lo không kịp lấy khai sinh ngay trong chiều, nếu phải chờ tới sáng mai thì rất cực. Tuy nhiên, sau khi nghe ông trao đổi thì cán bộ đã tiếp nhận hồ sơ và lãnh đạo quận giải quyết ngay trong cuối giờ chiều cho ông. Ông Hòa mừng rỡ: “Hên quá, họ giải quyết luôn cho tôi về chứ không là phải ngủ lại một đêm rồi”.

Nói về việc này, ông Trần Văn Phước, Trưởng phòng Tư pháp quận 10, TP.HCM, cho biết theo quy định, hồ sơ tiếp nhận sau 15 giờ thì việc hẹn trả kết quả vào hôm sau là đúng pháp luật. “Tuy nhiên, để tránh trường hợp dân phải đi lại nhiều lần, chờ đợi qua hôm sau thì chúng tôi quán triệt là sẽ giải quyết ngay trong ngày cho dân luôn. Hơn nữa, việc trích lục khai sinh, hộ tịch là có liên quan đến nhiều người sinh sống ở nhiều tỉnh, thành khác về đây trích lục chứ không phải chỉ riêng những người ở TP. Vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên giải quyết ngay trong ngày để họ tiện đi lại và thuận lợi trong việc làm hồ sơ” - ông Phước nói.

Ông Phước kể, có người dân từ tỉnh Lâm Đồng xuống trích lục khai sinh cho con mà gần 17 giờ mới tới quận. Biết là muộn nhưng khi thấy ông ấy đến quầy tiếp nhận trình bày hoàn cảnh và lý do đến muộn thì cán bộ vẫn nán lại giải quyết cho xong rồi mới rời cơ quan.

Người dân đến làm giấy tờ cuối năm 2018. Ảnh: KP

Người dân đến làm giấy tờ cuối năm 2018. Ảnh: KP

Ông Trần Văn Phước (Trưởng Phòng Tư pháp quận 10) trao đổi với PV. Ảnh: KP

Ông Trần Văn Phước (Trưởng Phòng Tư pháp quận 10) trao đổi với PV. Ảnh: KP

Cải cách theo hướng phục vụ dân tối đa

Theo trưởng Phòng Tư pháp quận 10, UBND quận và phòng tư pháp xác định công tác hộ tịch là công tác quan trọng, trọng tâm của ngành tư pháp vì nó liên quan trực tiếp đến nhân thân của công dân.

Ông Phước khẳng định: “Làm cái nghề này ngoài việc có trình độ, kiến thức về tư pháp, cán bộ, công chức còn phải có cái tâm. Tôi mới về công tác ngành này được ba năm nhưng càng làm càng thấy thú vị và thấy trách nhiệm mình rất lớn. Bởi lẽ công tác tư pháp-hộ tịch gắn liền với mỗi cá nhân từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi sinh ra họ phải làm khai sinh-đi học, rồi lớn lên thì kết hôn, lý lịch…, đến khi chết đi thì phải làm khai tử. Cả một vòng đời con người ta phải gắn liền với giấy tờ liên quan đến ngành tư pháp, chưa kể liên quan đến tài sản như thừa kế”.

Ông Phước kể trước đây có một trường hợp ông phải giải quyết “hậu quả” của câu chuyện gần 30 năm về trước. Đó là việc người ông đi khai sinh cho cháu nhưng lại ghi vào giấy khai sinh ông là cha đứa bé. Khi phát sinh thừa kế thì mới phát hiện ra việc này và phải làm cải chính hộ tịch. “Giao ban tư pháp 15 phường, tôi đã lấy đây làm bài học kinh nghiệm cho sự cẩn trọng, cho tầm quan trọng của công tác hộ tịch” - ông Phước cho biết.

Theo ông Phước, công tác hộ tịch nhiều khi không phát sinh hậu quả ngay mà có khi đến nhiều năm sau mới phát hiện. Do đó, cán bộ làm công tác này phải cẩn thận, cẩn trọng để tránh hậu quả, tránh gây phát sinh hệ lụy về sau.

Nói về công tác chứng thực, sao y tăng hơn 42% (so với năm 2017), ông Phước cho rằng khi người dân lựa chọn mình để họ được phục vụ là rất mừng. Qua đó thể hiện được việc mình có làm tốt thì người dân mới chọn khi đến để làm hồ sơ. Tuy nhiên, gánh nặng công việc cũng chồng lên bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

“Chúng tôi cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân đang cần cái gì thì chúng tôi đáp ứng để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Cụ thể là việc giải quyết kết hôn với người nước ngoài. Luật quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ và đủ điều kiện kết hôn nhưng quận đã rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Điều này được sự đồng thuận rất lớn của người dân vì giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc đi lại” - ông Phước nói.

Tư pháp TP.HCM gần dân hơn

Cùng hòa nhịp với TP.HCM, trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, tập thể ngành tư pháp TP cố gắng, nỗ lực nắm bắt các cơ hội để tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác của ngành, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của TP.

Năm 2019, ngành tư pháp TP.HCM xác định một số định hướng quan trọng như sau: Một là tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ngành tư pháp TP trong việc tham mưu cho chính quyền TP nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp và ổn định cho sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của TP. Hai là tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn pháp lý cho chính quyền TP, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: TP

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: TP

Ba là đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tư pháp. Trong đó, ngành tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân như hộ tịch, quốc tịch, công chứng, chứng thực, lý lịch tư pháp… theo hướng phục vụ nhân dân, góp phần kiến tạo nền hành chính phục vụ người dân. Bốn là thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND TP quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc ngành tư pháp nhằm đảm bảo chất lượng việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp...

Để thực hiện thành công các định hướng nêu trên, ngành tư pháp TP đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp quan trọng như tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực ngành tư pháp TP theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành tư pháp TP trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình TP hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương “hướng về cơ sở”, đưa tư pháp gần dân hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Từ những định hướng, giải pháp nêu trên, cùng với tinh thần, ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, toàn ngành tư pháp TP tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2019 với tinh thần chủ động, sáng tạo, hiệu quả.

PHAN THỊ BÌNH THUẬN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

KIM PHỤNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tu-phap-quan-10-phuc-vu-dan-toi-da-816407.html