Tự phê bình và phê bình - những vấn đề thực tiễn: Bài 3: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Khen thì dễ nhưng phê thì rất khó, ai cũng muốn được khen mà không muốn bị chê. Bởi chê là đụng chạm đến khuyết tật của con người, đụng chạm đến nó là sẽ đau. Chính vì thế trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác, chưa biết cách tự phê bình và phê bình... Khắc phục được những căn nguyên này sẽ giúp tự phê bình và phê bình trong Đảng nâng lên.
Nhận thức đúng đắn về tự phê bình và phê bình
Thực chất của tự phê bình và phê bình là tự bản thân kiểm điểm, góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp xem lại việc đã làm được và chưa làm được; làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm.
Theo đồng chí Lê Việt Trung, Bí thư chi bộ tổ 12, phường Chiềng Lề (Thành phố) - Chi bộ tiêu biểu về học và làm theo Bác, được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị: Tự phê bình và phê bình phải đúng phương pháp, nghiêm túc không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, công tâm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh), chia sẻ: Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên phải tự giác, gương mẫu tự phê bình và phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình phải “trong trước, ngoài sau”, phải được thực hiện trong tổ chức của Đảng, không được nói xấu sau lưng nhau.
Trong tự phê bình và phê bình, phải dựa vào Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết và các quy định của Đảng và Nhà nước. Phải nhìn nhận ưu, khuyết điểm một cách toàn diện, tránh phiến diện, thiên lệch; khắc phục khuyết điểm, cổ vũ, khuyến khích ưu điểm. Cần chú ý đến đặc điểm về giới, dân tộc, trình độ của cán bộ, đảng viên; lựa chọn thời điểm phê bình phù hợp. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng.
Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Phải đưa tự phê bình và phê bình đi vào nền nếp, thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục kịp thời thiếu sót, khuyết điểm từ lúc mới manh nha. Do vậy, Đảng bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW và các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác; chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trọng tâm là đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và hoạt động, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; lấy cái đẹp dẹp cái xấu; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan đảng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng: Rà soát, ban hành, bổ sung quy chế làm việc để hoạt động đảm bảo nguyên tắc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Phân công các ủy viên cấp ủy cấp trên về sinh hoạt cùng chi, đảng bộ cấp cơ sở, trực thuộc. Chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương phân công cán bộ, đảng viên khối đảng, đoàn thể của huyện, thành phố về dự sinh hoạt với chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố; thực hiện chủ trương phân công đảng viên là cảnh sát phụ trách khu vực phường, công an chính quy xã về dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư.
Từ đó, tăng cường thông tin hai chiều, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khắc phục tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh, che giấu khuyết điểm. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nâng cao vai trò, vị trí của Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở, để tự phê bình và phê bình có “đất” cho chân - thiện - mỹ sinh sôi nảy nở, đẩy lùi dần cái xấu, cái ác, sự ích kỷ, vô cảm.
Chân thành, cầu thị nhận khuyết điểm và sửa chữa
Thực tiễn cho thấy, khi cấp trên thực sự có thái độ chân thành, cầu thị trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, dám thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân, dũng cảm nói thẳng, nói thật, tự phân tích những hạn chế, khuyết điểm của mình, không định kiến, trù dập người phê bình và có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ân cần với cấp dưới để cùng tiến bộ thì cấp dưới mới dám mạnh dạn, thẳng thắn phê bình cấp trên, phê bình đồng chí, đồng nghiệp và tự phê bình bản thân. Ngược lại, nếu thực hiện công tác này không tốt sẽ dẫn đến tình trạng “dĩ hòa vi quý”, bao che, né tránh khuyết điểm, biết đúng không bảo vệ, biết sai không đấu tranh. Do vậy, cán bộ chủ chốt phải nêu gương về tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò của cấp ủy và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị.
Tự phê bình và phê bình chỉ được tiến hành thực sự có hiệu quả khi đề cao và mở rộng dân chủ. Đồng thời, cần bảo vệ và khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực dám nói thẳng, nói thật trong phê bình góp ý cho lãnh đạo, cho đồng chí, đồng nghiệp. Khi dân chủ nội bộ không được phát huy, những người thẳng thắn, trung thực, dũng cảm trong phê bình sẽ bị cô lập, ức hiếp, trù dập thì hoạt động tự phê bình và phê bình dù có tiến hành cũng chỉ là hình thức, không đem lại hiệu quả.
Khi “bị” phê bình mà tiếp thu với tinh thần cầu thị, thái độ thành khẩn nhận ra khuyết điểm của mình và có biện pháp sửa chữa, không những tránh được “vết xe đổ” mà còn tiến bộ hơn. Theo đồng chí Cầm Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Đảng ủy đã nhận toàn bộ trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, coi đây là bài học đắt giá trong công tác lãnh đạo giáo dục tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên trong toàn Đảng bộ.
“Sai đâu, sửa đó”, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung lãnh đạo triển khai các giải pháp khắc phục, thể hiện rõ tinh thần tại Thông báo số 544/TB-SGDĐT ngày 16/9/2019 của Sở gửi toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La có nội dung “không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học”; yêu cầu cấp học dưới bàn giao học sinh cho cấp học trên phải có sự tiến bộ; quy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện (Sở và Phòng GD&ĐT), người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục (Giám đốc Sở, trưởng các phòng của Sở, trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố) và cơ sở giáo dục (hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm) là cơ quan và người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của tỉnh, của huyện, của trường. Một trong những giải pháp trọng tâm là Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát chất lượng theo đề chung của Sở đối với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10); kiểm tra học kỳ theo đề chung của Phòng GD&ĐT đối với học sinh lớp 9, đề chung của Sở đối với học sinh lớp 10, 11 và đề chung của trường đối với các khối lớp còn lại, không để giáo viên tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả học sinh do mình giảng dạy. Giao chỉ tiêu chất lượng trên cơ sở kết quả của kỳ thi năm trước đối với từng trường, từng môn theo tiêu chí: Rút ngắn khoảng cách điểm thi từng môn so với trung bình các môn thi toàn quốc và rút ngắn khoảng cách điểm trung bình các môn thi với điểm trung bình cả năm học lớp 12 trong học bạ của học sinh. Đồng thời, tham mưu với tỉnh chỉ đạo tổ chức, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của Sơn La từng bước cải thiện theo hướng thực chất. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Sơn La năm 2020 đạt 95,74%, tăng 23,3% so với năm 2019; năm 2021 đạt 98,34%, tăng 2,6% so với năm 2020; điểm thi trung bình đạt 6,04 đứng thứ 59/63 tỉnh, thành trong cả nước...
Tại Đảng bộ Sở Y tế cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ hơn; thể hiện năng lực ứng phó, làm tốt công tác tham mưu với tỉnh lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cán bộ, lãnh đạo, nhân viên y tế toàn ngành căng mình cùng các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, không quản ngại nguy hiểm, trắng đêm truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, điều trị ca dương tính. Nhiều cán bộ, y, bác sỹ đã xung phong tình nguyện vào “vùng đỏ” cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, hỗ trợ tâm dịch Phù Yên, góp phần quan trọng vào chiến thắng bệnh dịch. Trong khó khăn hiểm nguy, lại càng sáng ngời hình ảnh đẹp về những chiến sỹ mặc áo Blouse trắng...
Nghiêm khắc với chính mình
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đảng viên có chức, có quyền nếu không nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng rất dễ nảy sinh những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quan liêu, xa rời quần chúng... Đảng viên cũng là con người, không phải là thánh thần, có hoạt động thì khó tránh khỏi sai lầm, ai cũng có cái tốt, cái xấu, chỉ khác nhau ở chỗ nặng hay nhẹ và trạng thái biểu hiện của nó, nhưng đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, tác động không nhỏ tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình là yêu cầu cấp bách của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. Bên cạnh việc thực hiện thường xuyên, nghiêm túc của cấp ủy, tổ chức đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên càng phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu Tự soi - Tự sửa - Tự rèn luyện - Tự miễn dịch với cám dỗ - Thành thật với chính mình, với mọi người.
Cốt yếu là nghiêm khắc với chính mình, có như vậy, tự phê bình và phê bình sẽ nâng lên, mỗi đảng viên đều tốt sẽ làm tổ chức tốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.