Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng
Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là phương thuốc hay nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên (ĐV) sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng.
Trong tác phẩm ''Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến? Mỗi ĐV, mỗi cán bộ (CB) cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.
Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, cùng nhau tiến bộ; cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, tự phê bình cũng như phê bình theo Bác phải triệt để, không nể nang, không thêm bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, “cần phân tích rõ ràng, cái gì đúng, các gì sai; ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm; khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa chữa những lỗi lầm; đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết và những người bị phê bình thì phải vui lòng lắng nghe nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét.
Trong thực tế, cái khó nhất của tự phê bình là phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình. Bởi ai cũng muốn được khen, không muốn bị phê bình, muốn người khác nói tốt về mình và muốn nói về những cái tốt của mình hơn là nói về những điều chưa tốt. Đây là một hạn chế, một trở lực, nó đòi hỏi mỗi CBĐV phải thành khẩn, biết lắng nghe, không ngừng học hỏi và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu CBĐV không tự xem xét, không tự phê bình mình thì không thể tiến bộ được.
Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ, sửa chữa khuyết điểm; nó thể hiện tình cảm chân thành chứ không phải lợi dụng phê bình để “đập cho tơi bời”, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Bác đã chỉ ra rất rõ những khuyết điểm mà CBĐV hay mắc phải đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Trong ba bệnh nguy hiểm này thì căn bệnh thứ ba, thói ba hoa, được Bác tách riêng và đặt ở phần sau cùng của tác phẩm với “toa thuốc” chữa thói ba hoa mà từng CBĐV phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành. Còn hai căn bệnh do khiếm khuyết về tư tưởng và khiếm khuyết về quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng được Bác thẳng thắn chỉ rõ như một yêu cầu cấp bách “bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ hẹp hòi,… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy, mỗi CBĐV, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hàng ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
Thực chất của việc phê bình phải hướng đến 2 mục đích: Cổ vũ, phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt; đồng thời, chỉ ra biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, thiếu sót nhằm hoàn thiện để tiến bộ hơn. Nếu chỉ nói cái xấu, chỉ trích nhau là sai lệch, làm mất ý nghĩa của phê bình, nhưng nếu cổ vũ những kết quả không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, xu nịnh và nó sẽ là cơ hội, đồng minh của chủ nghĩa cá nhân, của việc kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ. Do đó, đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sẽ trình bày, không thêm, bớt ưu, khuyết điểm, tránh hiện tượng “tô hồng”, “bôi đen”, “bóp méo” sự thật.
Bên cạnh đó muốn việc phê bình đạt kết quả thì bản thân người lãnh đạo phải thực sự khách quan, công tâm, đánh giá CB phải thể hiện quan điểm toàn diện chỉ rõ từng ưu điểm và khuyết điểm của CBĐV. Trước khi phê bình, cần phải kiểm điểm lại bản thân có nóng giận hay thành kiến cá nhân không. Khi phê bình cần nắm vững thực chất vấn đề, xác định rõ mức độ, yêu cầu của việc phê bình, lựa chọn phương pháp, cách thức, lời lẽ thích hợp, tránh gây phản cảm, khó chịu cho người bị phê bình.
Tự phê bình và phê bình vừa mang tính cách mạng và khoa học vừa mang tính nhân văn, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện. Do đó, tự phê bình và phê bình đòi hỏi tính đảng, tính nguyên tắc cao; phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai, có lý, có tình, thực hiện nhằm mục đích xây dựng.
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Ai cũng có những ưu điểm và đôi khi cũng mắc phải khuyết điểm, thiếu sót. Vì vậy, tự phê bình và phê bình chính là để củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi CBĐV tham gia xây dựng, lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, địa phương, đơn vị./.
PHÒNG TTTT & LLCT (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-sinh-hoat-chi-bo-dang-a156800.html