Từ phòng đọc trẻ em trong thư viện thành phố

Khi tôi đưa bạn nhỏ đến thư viện thì một nửa thời gian mùa hè đã đi qua. Tôi tự hỏi sao mình không nghĩ ra ý tưởng này sớm hơn, để thằng bé có nơi chốn tự do tích cực giữa những giá sách, còn người cha ra vẻ bận rộn của nó thì có thể yên tâm với những cuộc hẹn cà phê hay đến công sở mà không băn khoăn chuyện gửi trẻ ở đâu cho hết mùa hè...

1.Thường thì khi mùa hè đến, phụ huynh ở đô thị khá chật vật trong việc lên kế hoạch vui chơi cho con trẻ. Những tour ngắn ngày của gia đình, những chuyến thăm bà con ở thôn quê, những trại hè dã ngoại, những lớp huấn luyện kỹ năng ngắn hạn... sẽ được đặt lên trên một cái khung thời gian eo hẹp của chỉ chưa đầy hai tháng trời mà tính toán cân não. Những lịch trình nghỉ ngơi giải trí bỗng chốc trở nên căng thẳng không chỉ với người lớn mà lây cả sang bọn nhỏ. Thay vì thảnh thơi tận hưởng ngày hè, tụi nhỏ phải “đua” với những sắp xếp đầy áp đặt và chộn rộn của người lớn. Chịu thôi, chúng đang sống trong một xã hội của sự chuẩn bị sống chứ không phải là sống, thì làm sao vô nhiễm cho được!

Cho cùng, ngày hè, ngày nghỉ sao cho thong thả là điều mà trẻ con cần. Nhưng để được như vậy thì cha mẹ chúng cũng cần có một tư duy khác. Nên nhìn lại một chút về ý tưởng tận hưởng. Trẻ con có thể rất vui nếu có được những chuyến đi xa thoải mái, nhưng cũng có thể cộng thêm khả năng này: chúng có thể thoải mái tận hưởng những không gian thư giãn, sinh hoạt và giải trí trong thành phố mà không nhất thiết phải cố gắng với những chuyến đi xa kém thảnh thơi. Những điểm tham quan trong thành phố như bảo tàng, thảo cầm viên, di tích, khu du lịch homestay nhà vườn ngoại thành, các tuyến city tour... hoàn toàn có thể đem lại sự thư giãn ngày hè mà không phải chật vật chen lấn vào những điểm du lịch quá tải sau những chặng đường dài nhọc nhằn. Chúng không có lỗi gì phải gánh chịu những bực dọc cáu gắt căng thẳng của những bon chen ngay cả trong việc hưởng thụ mà người lớn đang theo đuổi một cách phi lý trí.

Không gian phòng đọc thiếu nhi trong Thư viện Tổng hợp TP.HCM.

Không gian phòng đọc thiếu nhi trong Thư viện Tổng hợp TP.HCM.

2. Bây giờ, nói tới việc đi thư viện. Khi đưa thằng nhỏ đến phòng đọc thiếu nhi của thư viện, thì bạn, người cha luôn tự coi mình gắn bó ngày ngày với sách vở mới giật mình: hóa ra sự nghỉ ngơi của con trẻ mới thật là giản đơn làm sao. Một thẻ thư viện thành phố được làm trong hai phút, chi phí chỉ 20 ngàn đồng, thằng con đã có thể làm quen với một thế giới rộng mở với hàng ngàn đầu sách được đặt trên các hàng kệ decor thoáng đãng và văn minh.

Hóa ra lâu nay kẻ tự cho mình gần gũi sách vở đã chỉ quan tâm chăm chút cho cái thế giới tinh thần của mình mà quên rằng, trẻ con cũng cần đến một sự vun bồi thói quen giản dị là được tắm trong không gian của sách, trao đổi sách vở với những bạn bè mê đọc, để học hỏi thay vì ngồi một mình trong căn phòng buồn tẻ và chìm đắm vào những clip xao lãng, nhạt nhẽo thời thượng của TikTok, YouTube khi ba mẹ bận rộn đi làm.

Trẻ con cũng cần đến một sự vun bồi thói quen giản dị là được tắm trong không gian của sách, trao đổi sách vở với những bạn bè mê đọc, để học hỏi thay vì ngồi một mình trong căn phòng buồn tẻ và chìm đắm vào những clip xao lãng, nhạt nhẽo thời thượng của TikTok, YouTube.

Phòng đọc thư viện thành phố, thư viện một số quận bây giờ đã có góc cho thiếu nhi. Không khí thoải mái, cởi mở, các cô thủ thư giờ đây cũng đã hết mang những khuôn mặt ảm đạm của cơn bão mùa thu đến sớm như trong ký ức về những thư viện nhà nước ở vào thời các phụ huynh còn ấu thơ. Các cô xếp sách khoa học, bày cho các con cách hệ thống hóa một kệ sách, tổ chức những nhóm sinh hoạt trao đổi kỹ năng, mở rộng kỹ năng đọc... Tất cả đều miễn phí ở mức... chiều chuộng, và, quan trọng nhất là tạo cho những độc giả trẻ một nếp sinh hoạt, thói quen văn minh hiện đại trong thế giới sách vở, tri thức.

Thằng con của bạn có thể ngủ gật trong một hai buổi đầu vì nó đã quen mắt với những kênh YouTube sống động, nó có thể mất tập trung bởi quen coi video TikTok dài 60 giây. Nhưng cũng đừng quá lo. Trẻ con sẽ thích ứng từ từ nếu bạn một ngày cũng bước vào thế giới thư viện và ngồi xuống bên cạnh nó, cùng tìm hiểu về một cuốn truyện tranh, một tập sách kiến trúc hay cuốn sách ảnh về lịch sử thành phố nơi mình sống được biên soạn theo phong cách họa báo... Những chân trời mới sẽ được mở ra từ thói quen đến thư viện, cha mẹ và con cái cùng ngồi lại bên những cuốn sách.

Biết trẻ em bây giờ có quá nhiều lựa chọn, nên phòng đọc thiếu nhi thư viện thành phố có những không gian để độc giả nhỏ tuổi có thể nằm dài đọc truyện tranh, có những căn chòi để một đứa chưa quá mê sách chui vào ngủ và nhất là chúng có thể di chuyển, tìm hứng thú với đủ thể loại sách, tìm góc đọc phù hợp cho tâm trạng của chúng.

3. Điều đáng nói là trong suốt mùa hè, cái không gian phòng đọc thiếu nhi trong Thư viện Tổng hợp TP.HCM khá vắng vẻ. Ngày đông nhất cũng chừng hai ba chục em (nếu không có các buổi tham quan chuyên đề của một trường mầm non hay tiểu học nào đó), cho thấy rằng, trong một thành phố đông đúc, nơi những ông bố bà mẹ luôn than thở không có chỗ sinh hoạt giải trí vui chơi cho con nhưng có lẽ không mấy người nghĩ đến việc tạo cho con có thói quen tìm đến thư viện, sống với không khí thư viện, học lấy những nếp văn minh từ thư viện.

Chẳng phải chúng ta đã từng đòi hỏi cần phải giàu có thêm nữa các thiết chế văn hóa công cộng trong đời sống đô thị, ở đó, những kho sách là một dấu chỉ và biểu trưng quan trọng. Nhưng cũng chẳng phải rằng, chính những tiện ích của việc mua sắm sở hữu sách dễ dàng cộng với cuộc sống bận rộn đã khiến cho đa số người lớn ở đô thị quên mất sự hiện diện của những tàng thư công cộng trong thành phố mình đang sống.

Vậy thì tôi sẽ phải bắt đầu thuyết phục những phụ huynh bận rộn rằng, hãy giao con mình cho thư viện đi, đảm bảo rằng quý vị sẽ không phải... thuê người giữ trẻ trong mùa hè và các kỳ nghỉ, không phải lo tụi nhỏ bị các màn hình thiết bị công nghệ và những màn giải trí xao lãng hời hợt trên đó đánh cắp linh hồn. Tụi nhỏ sẽ biết phải làm gì khi được đặt vào một thế giới tha hồ sách hay, tha hồ bạn bè và các câu chuyện thú vị từ sách. Thứ tình yêu thuần khiết với sách vở và hiểu biết cần được gieo mầm từ đây thay vì đi đòi hỏi những kho sách thật to mà bản thân mình chưa từng một lần bước chân đến.

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-phong-doc-tre-em-trong-thu-vien-thanh-pho-36350.html