Từ phượt thủ đến ông chủ chuỗi homestay xanh
Mang trong mình đam mê xê dịch, chàng phượt thủ 9X Âu Mạnh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Dhome (Long Biên, Hà Nội) bỏ dở ngành tài chính, trở thành chủ chuỗi homestay Dhome.
Tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên
Tọa lạc tại 215 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) Home Đà Lạt 3 (Home Đà Lạt) là một nơi an yên, mang lại cảm giác bình dị và thân thuộc như trở về ngôi nhà của chính mình giữa thiên nhiên tuyệt đẹp của cao nguyên Đà Lạt.
Trong khi nhiều homestay hướng tới thiết kế trẻ trung "chill chill", Dhome lựa chọn việc đề cao sự thoải mái, tiện nghi và trải nghiệm của khách hàng. Các căn phòng tại Dhome Đà Lạt được thiết kế theo phong cách tối giản, nét mộc mạc tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của xứ ngàn hoa.
Không gian nhỏ được chăm chút tỉ mỉ với đầy đủ tiện nghi từ phòng ăn, bếp, phòng giặt và vật dụng cần thiết như nước lọc, thuốc uống dự phòng... Công nghệ AI cũng được đưa vào vận hành, khách hàng check-in, check-out hoàn toàn tự động, không cần đến nhân viên lễ tân, thời gian chờ đợi.
Home Đà Lạt hạn chế tối đa đồ dùng một lần, trang bị những tiện ích xanh như: Máy lọc nước RO, chai đựng nước bằng thủy tinh có thể sử dụng nhiều lần. Ở Dhome không xuất hiện những đồ dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu. Thay vào đó, Dhome hướng dẫn khách hàng mang theo đồ dùng cá nhân từ nhà.
Theo ông chủ Dhome Đà Lạt Âu Mạnh Quang, đó là cách Dhome chung tay bảo vệ môi trường, để Đà Lạt vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc và thanh khiết.
"Đi đâu cũng là nhà"
Lan tỏa giá trị bền vững, Dhome đã ghi dấu trong lòng nhiều du khách. Chị Thủy Tiên, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ, chị tình cờ biết đến Dhome qua diễn đàn du lịch. Trải nghiệm tại đây hai đêm, chị cảm nhận được sự ấm cúng, đa tiện lợi, mọi thứ đều có sẵn giống như ở chính nhà mình.
Một du khách khác xúc động: "Mỗi góc nhỏ đều hòa quyện với thiên nhiên, nơi bầu trời xanh thẳm, rừng thông vi vu trong gió và thung lũng mờ sương tạo nên bức tranh thanh bình và thơ mộng".
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Âu Mạnh Quang cho biết, Dhome còn liên kết với các đơn vị để tổ chức tour khám phá văn hóa địa phương, lớp học nấu ăn với nguyên liệu đặc trưng vùng miền và những buổi giao lưu với người dân bản địa.
Dhome tập trung mang lại trải nghiệm thoải mái nhất cho du khách nhờ sự hậu thuẫn của công nghệ AI, kết nối với khách hàng, để du khách "đi đâu cũng là nhà". Định hướng đó đã đã tạo dựng tên tuổi của chính Dhome với ý nghĩa "D" là "đi", ‘home’ trong tiếng Anh có nghĩa là "nhà".
Giám đốc 9X cho hay, sau 2 năm, Dhome đã có 6 cơ sở, trong đó 3 cơ sở tại Đà Lạt, 3 cơ sở tại Sapa (Lào Cai), thu hút 12.000 lượt khách lưu trú. Tỷ lệ khách hàng "tái đơn" tại Đà Lạt 25%, Sapa 10%, còn lại là khách hàng mới. Doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 12 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 2,5 - 2,7 lần so với năm trước.
Cùng với phát triển homestay, Dhome tuyển dụng và đào tạo nhân sự là người địa phương, giúp người dân có thu nhập. Dhome trích ra 10% lợi nhuận cho các dự án cộng đồng tại địa phương nơi có cơ sở của Dhome.
Hai lần thoát khỏi "sa lầy"
Ngược dòng hành trình lập nghiệp, anh Quang kể, anh dở ngành học tài chính. Tuy nhiên, luôn mang trong mình đam mê xê dịch, anh quyết định học thêm ngành du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội).
Khoảng thời gian ấy, ngoài đi học anh tranh thủ làm thêm tại các khách sạn trên phố cổ (Hoàn Kiếm), dẫn tour theo yêu cầu. Ngoài ra, rảnh là anh lại xách xe đi phượt khắp nơi để trải nghiệm không gian, văn hóa, ẩm thực đặc sắc từng điểm đến. Cũng nhờ thế anh được đi nhiều, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, xu hướng của thị trường.
Dành dụm tiền làm thêm, anh "ôm" quỹ phòng khách sạn tại Sapa trước mỗi dịp lễ, Tết, sau đó bán lại hưởng chênh lệch. Thương vụ thất bát đã làm anh mất cả chì lẫn chài bởi đại dịch Covid-19 ập tới. Anh trở lại đi làm thuê.
Năm 2022, anh quay lại đầu tư homestay tại Sapa. Tuần bốn lần chạy xe máy Hà Nội - Sapa, quãng đường hơn 200km để tìm địa điểm, anh "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tìm homestay cho phù hợp định hướng.
Sau nhiều ngày lặn lội, anh nghĩ ra cách nhờ chính chủ nhà này giới thiệu cho chủ nhà khác, thay vì gõ cửa từng nhà như trước. Anh gọi vui đó là "nguyên tắc lực hấp dẫn". Cách làm thuận lợi, trong 2 năm 2022 - 2023, anh mở liền 9 homestay tại Sapa và Đà Lạt, năm sau số lượng tăng gấp đôi năm trước.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, việc mở rộng ồ ạt khiến anh không quản trị được dòng tiền, vốn lưu động không đủ. Anh buộc phải tái cơ cấu, đóng cửa 3 homestay. Sau đó, anh mượn sổ đỏ của gia đình để vay tiền vận hành chuỗi, tiếp tục cải thiện, nâng cao dịch vụ để thu hút khách hàng. Quyết định kịp thời này đã giúp chuỗi homestay thoát sa lầy, dần phục hồi.
"Hiện nay, Dhome đang tự chủ gần như 100% về mảng kinh doanh, 80% doanh thu của Dhome đến từ kênh trực tiếp. Dhome đã chuẩn bị rất tốt nguồn lực để có thể gấp đôi quy mô như hiện tại.
Dự kiến, 3 năm tới, Dhome mở rộng lên 20 điểm lưu trú ở các địa bàn miền núi như Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Ninh Bình và một số đảo ở miền Nam", anh Quang cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 40.000 cơ sở kinh doanh homestay với hơn 500.000 phòng nghỉ. Những
homestay này có thể tập trung trong một khu vực nhất định nhưng cũng có thể biệt lập ở những khu vực hẻo lánh, xa dân, gần nơi có cảnh đẹp.
Sự phát triển nhanh của homestay đặt ra yêu cầu về quản lý bởi hiện nay, việc quản lý các homestay đều do các địa phương thực hiện, giống như với các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống.