Từ quả điều đến dứa mật, HTX viết tiếp giấc mơ thoát nghèo cho người dân
Huyện Bác Ái từng được xem là vùng đất gian khó của tỉnh Ninh Thuận, một hành trình đổi thay đang diễn ra mạnh mẽ nhờ những bước đi bài bản và kiên trì trong phát triển KTTT. Các HTX, đặc biệt là HTX Điều hữu cơ TrueCoop, không chỉ trở thành 'bà đỡ' của nông dân trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, mà còn mở ra hướng đi bền vững từ mô hình nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Những ngày này, trở về huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), dọc các sườn đồi thuộc các xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Hòa và Phước Bình, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con tất bật bước vào vụ thu hoạch điều – loại cây trồng chủ lực đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây.
Cầu nối đưa hạt điều Bác Ái "xuất ngoại"
Tại Bác Ái, mô hình liên kết giữa người dân và HTX trong sản xuất và tiêu thụ điều đang phát huy hiệu quả rõ rệt. HTX Điều hữu cơ TrueCoop là một điển hình. Đơn vị đã tiên phong liên kết cùng nông dân tại ba huyện: Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Bắc phát triển vùng nguyên liệu điều đạt chuẩn hữu cơ quốc tế, bao gồm tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Liên kết với HTX trồng điều, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Trước đây, người dân chủ yếu trồng điều theo tập quán truyền thống, thiếu quy trình kỹ thuật, năng suất và chất lượng không ổn định, đầu ra bấp bênh vì phụ thuộc vào thương lái. Sự đồng hành của HTX như “bà đỡ” đã giúp bà con thay đổi tư duy, tiếp cận quy trình canh tác hiện đại, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Huỳnh Văn Thôi, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Điều hữu cơ TrueCoop, chia sẻ: Việc phát triển vùng nguyên liệu điều hữu cơ đạt chuẩn quốc tế là một quá trình đầy thách thức. Dù bà con có kinh nghiệm trồng điều, nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ lại đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt và thời gian dài.
Để đồng hành cùng nông dân, HTX không chỉ “ăn, ở cùng dân”, mà còn chủ động trích 25% lợi nhuận vào Quỹ phúc lợi, dùng để hỗ trợ cây giống, thiết bị kỹ thuật, vật tư thiết yếu. HTX không chỉ đóng vai trò liên kết sản xuất mà còn là người bạn đồng hành bền vững với người dân trong hành trình nâng cao sinh kế.

HTX Điều hữu cơ TrueCoop đã liên kết với hơn 1800 hộ dân trồng bao thu mua hạt điều thô.
Hiện nay, HTX Điều hữu cơ TrueCoop đã liên kết với hơn 1.800 hộ nông dân, canh tác gần 5.000 ha điều theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư và cam kết thu mua 100% sản phẩm với giá ổn định – khoảng 30.000 đồng/kg (năm nay). Với sản lượng thu mua khoảng 5.000 tấn mỗi năm, doanh thu ước đạt 150 tỷ đồng, HTX đang trở thành hạt nhân liên kết quan trọng trong chuỗi giá trị cây điều của tỉnh Ninh Thuận.
Gia đình anh Katơr Thuận ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa hiện đang thu hoạch 1,2 ha điều. Mặc dù năm nay vụ thu hoạch đến muộn gần hai tháng và thời tiết nắng gắt khiến tỷ lệ đậu trái giảm, anh vẫn yên tâm vì toàn bộ sản phẩm được HTX thu mua với giá tốt. “Giá cao, không lo đầu ra nên tôi rất phấn khởi. Nhờ HTX, chúng tôi có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình”, anh Thuận bày tỏ.
Cũng ở thôn Chà Panh, bà Chamaleá Thị Thái đang tất bật thu hoạch 2 ha điều trong vụ thứ tư liên kết với HTX. Bà cho biết, trước đây sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu nên năng suất thấp, giá cả lại không ổn định. Từ khi tham gia HTX, bà được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chất lượng hạt điều được nâng lên đáng kể. Quan trọng hơn cả, bà không còn nỗi lo “được mùa mất giá” như trước.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Điều hữu cơ TrueCoop còn tích cực lan tỏa giá trị vì cộng đồng thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Mới đây, HTX đã ký kết chương trình phối hợp với Tỉnh đoàn Ninh Thuận nhằm hỗ trợ các mô hình “Học sinh 3 tốt”, “Sinh viên 5 tốt” được thực tập, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp ngay tại HTX cùng hệ sinh thái liên kết. HTX vừa trao tặng 2 ngôi nhà nhân ái với tổng trị giá 120 triệu đồng, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và tinh thần sẻ chia sâu sắc với cộng đồng.
Theo UBND xã Phước Hòa: Sự đồng hành của các HTX không chỉ giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập mà còn dần khẳng định cây điều là cây trồng chủ lực cho mục tiêu “giảm nghèo bền vững” tại vùng núi Bác Ái. Việc phát triển điều theo chuỗi giá trị không chỉ góp phần cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, mà còn đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường – phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện, nơi hiện có gần 1.500 ha điều, phần lớn trồng dưới tán rừng.
Giấc mơ thoát nghèo từ dứa mật
Song song với chuỗi giá trị điều, HTX Điều hữu cơ TrueCoop còn mở rộng mô hình liên kết tại xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) – một địa bàn còn nhiều khó khăn – để triển khai dự án trồng hoa bụp giấm và dứa mật theo hướng hữu cơ. HTX hỗ trợ toàn diện từ cây giống, kỹ thuật canh tác đến bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện sinh kế và thoát nghèo bền vững.
Ngày 31/5/2024, những cây dứa mật đầu tiên đã được trồng trên diện tích 6,5 ha tại Ma Nới. Sau hơn một năm triển khai, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt: không chỉ mang lại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái mà còn mở ra cơ hội việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trong tương lai gần, HTX dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu dứa hữu cơ lên 5.000 ha, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Cánh đồng dứa mật HTX liên kết trồng cùng người dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, sự phát triển bài bản, chuyên nghiệp theo chuỗi giá trị của HTX TrueCoop không chỉ nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương như hạt điều hay dứa mật, mà còn mở ra những cơ hội xuất khẩu đầy triển vọng. Quan trọng hơn cả, người nông dân tham gia HTX giờ đây không chỉ là người làm thuê mà đang trở thành chủ thể sản xuất, biết canh tác theo quy chuẩn quốc tế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại, bền vững.
Chung tay giảm nghèo bền vững
Những thành công của khu vực kinh tế hợp tác, HTX ở Ninh Thuận thời gian qua phải kể đến vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận.
Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới.
Thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, hàng trăm cán bộ HTX và thành viên ở các địa phương đã được trang bị kiến thức về kế toán, điều hành sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm...
Những thành quả của khu vực KTTT, HTX đã góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở Ninh Thuận. Theo đó, tính đến đầu tháng 12/2024, toàn tỉnh Ninh Thuận có 12.411 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm 6,49% tổng số hộ, giảm 2,33% so với năm 2023. Trong năm, có 3.157 hộ thoát nghèo, gồm 1.610 hộ chuyển sang cận nghèo, 1.538 hộ thoát hẳn tình trạng nghèo và 9 hộ chuyển biến khác. Ngoài ra, 3.147 hộ đã thoát khỏi diện cận nghèo.
Cùng với công tác giảm nghèo, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai quyết liệt. Tính đến ngày 19/5/2025, toàn tỉnh đã khởi công 2.213 căn nhà, đạt 100% kế hoạch, trong đó 1.402 căn đã hoàn thành (909 xây mới, 493 sửa chữa), còn lại 811 căn đang thi công.
Hai địa phương là Ninh Hải và TP. Phan Rang – Tháp Chàm đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu. Các địa phương còn lại đang tăng tốc: Ninh Sơn đạt 87,2%, Ninh Phước 77,8%, Thuận Nam 68,4%, Thuận Bắc 58,5% và Bác Ái đạt 49%.
Trước yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/5/2025, Ban Chỉ đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Bác Ái và Thuận Bắc, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Các xã như Bắc Sơn, Phước Chiến (Thuận Bắc) và các xã thuộc huyện Bác Ái là trọng điểm cần ưu tiên chỉ đạo…
Riêng huyện Bác Ái có số lượng nhà cần xây dựng lớn nhất tỉnh với 885 căn (gần 39% toàn tỉnh), gồm 46 căn cho người có công, 198 căn theo chương trình giảm nghèo bền vững và 641 căn cho hộ nghèo, cận nghèo. Huyện đã hoàn thành 308 căn và đang quyết liệt thực hiện “Chiến dịch 90 ngày đêm” để kịp hoàn thành đúng tiến độ.
Một Bác Ái mới đang hình thành – nơi hạt điều nở hoa, dứa mật đơm trái, và những mái nhà ấm áp yêu thương dựng xây nên tương lai. Sự đồng hành của các HTX, cùng với nỗ lực chính quyền và cộng đồng, đang góp phần biến vùng đất khô cằn thành nơi ươm mầm những cơ hội mới. Với quyết tâm vượt khó, phát triển kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đảm bảo an sinh xã hội, Bác Ái đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng trong hành trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận.