Từ quá khứ hào hùng đến tương lai rộng mở
Mùa xuân năm Quý Tỵ 1653, vâng lệnh chúa Nguyễn, Cai cơ Hùng Lộc hầu thu nhận vùng đất từ nam đèo Cả đến bắc sông Phan Rang lập nên dinh Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay). Nhìn lại quá trình 370 năm hình thành và phát triển của quê hương Khánh Hòa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, càng tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông. 'Lật trang xưa tìm dấu cũ…', quá khứ hào hùng ấy chính là động lực cho sự phát triển hôm nay và mai sau.
Lật trang sử xưa
Cách đây 20 năm, lễ kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa đã gây được tiếng vang lớn. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Khánh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm cho biết:
- Thời điểm đó, Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa - xã hội, nhiều công trình văn hóa được dựng xây... Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, những người làm công tác văn hóa - thông tin ngày ấy luôn chung sức đồng lòng, tìm tòi, nghiên cứu, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, góp phần tuyên truyền, quảng bá về quê hương Khánh Hòa.
Quá trình tập trung nghiên cứu, sưu tầm những chứng tích lịch sử đã khẳng định, vùng đất Khánh Hòa đã về với nước Việt từ năm 1653, tính đến năm 2003 là tròn 350 năm. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa - Thông tin đề xuất UBND tỉnh và Tỉnh ủy cho phép xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, xem đây là sự kiện văn hóa mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Sự kiện này không chỉ tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa của xứ Trầm Hương trong tiến trình dựng nước và giữ nước, mà còn góp phần quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu về kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh sau 17 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Để có cơ sở vững chắc cho kế hoạch tổ chức kỷ niệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học mang tầm vóc quốc gia về chủ đề Khánh Hòa 350 năm, với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử uy tín tham gia, như: Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc… Hội thảo rất thành công, tất cả đều ủng hộ Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm 350 năm hình thành và phát triển. Trong kế hoạch tổ chức kỷ niệm có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trọng tâm là lễ kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm theo hình thức sân khấu hóa dưới dạng sử thi; triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội Khánh Hòa trong thời kỳ đổi mới; biên soạn và xuất bản cuốn sách Tìm hiểu những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống Khánh Hòa 350 năm; Diện mạo văn hóa một vùng đất; hoàn thành công trình Địa chí Khánh Hòa để làm quà tặng cho các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Vang vọng bước chân những người mở cõi
- Lịch sử 350 năm của Khánh Hòa (tính đến năm 2003) có không ít những trang sử vẻ vang gắn chặt với lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Điều này được tái hiện như thế nào trong lễ hội sân khấu hóa năm ấy, thưa ông?
- Lịch sử một vùng đất không thể tách rời lịch sử của quốc gia, dân tộc. Thực tế lịch sử đã chứng minh, suốt 350 năm trước đó, các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua bao hy sinh, gian khổ trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến, thực dân, đế quốc. Từ cuộc chiến đấu chống lại chế độ của các chúa Nguyễn thối nát ở Đàng Trong (1775 - 1795), rồi phong trào Cần Vương yêu nước của nhân dân Khánh Hòa do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong lãnh đạo những năm 1885 - 1886 đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược... Tiếp nối truyền thống yêu nước hào hùng của các thế hệ cha anh, ngày 16-7-1930, 1.000 quần chúng huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh sớm giành chính quyền tại các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa; và đúng ngày 19-8-1945, tại sân vận động Nha Trang, lực lượng quần chúng cách mạng đã lật đổ chính quyền phong kiến, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa. Ngày 23-10-1945, quân và dân Khánh Hòa lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu là 101 ngày đêm chiến đấu kiên cường bao vây quân giặc Pháp tại Mặt trận Nha Trang, được Bác Hồ gửi điện khen “đã làm gương anh dũng cho toàn quốc”. Từ năm 1946 đến 1975, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng nhân dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi, hào hùng, hết đánh Pháp, rồi đuổi Mỹ, đập tan chính quyền tay sai cho đến ngày quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù (2-4-1975), từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp.
Sở Văn hóa - Thông tin đã tập trung xây dựng đề cương kịch bản lễ kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm trình UBND tỉnh và được chấp thuận. Kịch bản có 2 phần: phần lễ do tôi chịu trách nhiệm; phần hội chúng tôi đặt hàng cho nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết theo hình thức sử thi. Yêu cầu được đặt ra là kịch bản phải thể hiện được tinh thần yêu nước và tầm vóc của nhân dân Khánh Hòa trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp… Sau nhiều lần chỉnh sửa rất công phu, chúng tôi đã hoàn thành kịch bản, cộng thêm bàn tay đạo diễn tài ba của NSND Phạm Thị Thành ở phần hội, đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của tỉnh tham gia chương trình, tất cả những trang sử oai hùng ấy đều được tái hiện bằng hình tượng nghệ thuật trên sân khấu một cách sinh động, hấp dẫn, đem lại cảm xúc sâu sắc và những ấn tượng khó quên cho người xem.
- Bản sắc văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương chắc hẳn đã để lại nhiều dấu ấn trong lễ hội năm ấy?- Sân khấu hóa là sự cách điệu hiện thực đời sống, vì vậy luôn có sự đan xen, cài đặt các giá trị văn hóa lịch sử, đời sống, nghệ thuật của người dân trong các hoạt cảnh trên sân khấu. Tôi còn nhớ lúc đó những màn múa Chăm gợi nhắc đến nền văn minh Champa rực rỡ còn lưu dấu trên xứ Trầm Hương; những điệu hò bá trạo đặc trưng của ngư dân miền biển, lễ hội Cầu ngư; những điệu múa chim yến gọi bầy, sự khéo léo của những người làm nghề thủ công khai thác trầm hương, thu hoạch yến sào, hay những động tác quăng chài (lưới) đánh bắt cá của cư dân miền biển… Những làn điệu dân ca, dân vũ ngợi ca nét đẹp non nước Khánh Hòa đã hòa điệu cùng với những câu hò điệu lý làm bật lên một Khánh Hòa giàu bản sắc, đầy tiềm năng về kinh tế. Ở màn kết, các nghệ sĩ xếp hình kết tụ lại thành hình tượng con rồng vươn ra biển lớn, làm nên tổng thể bản trường ca hào hùng trong quá khứ, vững vàng trong hiện tại và xán lạn ở tương lai của vùng đất Khánh Hòa.
Khơi dậy khát vọng dựng xây tương lai
- Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển với nhiều hoạt động, trong đó Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa lần thứ 10 là sự kiện chính. Ông kỳ vọng gì ở lễ hội sắp tới?
- Thành công của Lễ kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa đã tiếp thêm niềm tin để tỉnh tổ chức Festival Biển 2003 để quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, từ đó mở ra một giai đoạn sôi động về các hoạt động văn hóa - nghệ thuật với lễ hội biển được tổ chức 2 năm/lần, chương trình Duyên dáng Việt Nam 16, các cuộc thi hoa hậu hàng đầu của Việt Nam và thế giới… Trong chừng mực nào đó, Nha Trang gần như đã trở thành “thành phố của sự kiện”. Đáng tiếc, giai đoạn “rực rỡ” về văn hóa ấy chỉ kéo dài chừng một thập kỷ. 20 năm qua, cùng với cả nước, Khánh Hòa đã có sự phát triển mạnh, Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có; trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng thiếu vắng các sự kiện văn hóa nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Nhưng rất phấn khởi là từ đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng lễ kỷ niệm 370 năm Khánh Hòa sắp tới không chỉ đào sâu vào các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương, mà còn phải khơi dậy khát vọng vươn ra biển lớn.
- Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)