Từ Quang Hóa đến Trảng Bàng (Nhân 120 năm thành lập quận Trảng Bàng, nay là thị xã Trảng Bàng)
Có thể tóm tắt lại quá trình biến động địa danh, địa giới của Trảng Bàng như sau:
(Tiếp theo và hết)
Trong bài trước:
“Từ Quang Hóa đến Trảng Bàng”, đăng trên Báo Tây Ninh số ra ngày 20.9.2023, do chủ quan trong một phép tính trừ đơn giản nên đã sai. Đấy là ở trong phần ngoặc đơn dưới tựa đề bài viết là “Nhân 130 năm thành lập quận Trảng Bàng” và một câu khác trong nội dung bài. Vậy xin được đính chính lại cho đúng là “120 năm thành lập quận Trảng Bàng”.
Tác giả xin được cáo lỗi cùng độc giả.
- Năm 1836, triều Nguyễn lập phủ Tây Ninh, có 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa.
- Năm 1862, Pháp chiếm và cũng lập lại phủ Tây Ninh gồm 3 huyện, trong đó có huyện Quang Hóa.
- Năm 1866, Pháp thành lập Sở thanh tra Quang Hóa, độc lập và tương đương với Sở thanh tra Tây Ninh.
- Ngày 16.8.1867, đổi tên Sở thanh tra Quang Hóa thành Sở thanh tra Trảng Bàng.
- Năm 1871, hai sở trên lại sáp nhập thành Hạt tham biện Tây Ninh. Năm 1900, đổi hạt tham biện thành tỉnh, chia 2 huyện. Đến năm 1903 đổi huyện thành quận Trảng Bàng. Đến đây, có người sẽ “cắc cớ” hỏi: - Huyện Quang Hóa mới có từ khi lập phủ Tây Ninh- năm 1836.
Vậy sao lại nói cái tên này đã có gần trăm năm? Xin được trả lời, rằng đến năm 1836 thì Quang Hóa chính thức là tên một huyện trong bản đồ hành chính của triều Nguyễn thời vua Minh Mạng, nhưng xuất xứ cái tên này lại đã có gần cả trăm năm.
Trong bài “Tây Ninh xưa và nay” (Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn.
Đạo sở đặt tại Cẩm Giang. Một số thôn cũng được thành lập như thôn Cẩm Giang Tây, thôn Thạnh Đức, thôn Thanh Phước, thôn Bình Phú, thôn Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh). Đó là tổ chức hành chính đầu tiên được tổ chức tại đây”.
Cũng trong số tạp chí vừa kể, lại có bài “Tổ chức Hành chính Tây Ninh 1836-1970” của học giả Nguyễn Đình Đầu- nhà nghiên cứu hàng đầu về địa chí Nam bộ. Ông viết: “Mùa thu năm 1836, đặt phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định.
Sở thực lục ghi: “Một dải địa phương thành Quang Hóa giáp giới các phủ Cao Miên là Tuy Lạp, Tầm Đôn, Kha Lâm, Ba Nam có địa thế rất xung yếu. Trước đây đã đặt đạo Quang Hóa và các thủ sở Thuận Thành, Quang Phong, Quang Phục, Quang Uy để coi giữ…”.
Trong đoạn văn trên, Nguyễn Đình Đầu lại gọi đạo mới lập trên đất Tây Ninh là đạo Quang Hóa. Chúng tôi cho rằng cách gọi trên cũng không sai. Là bởi vì sự kiện được ghi trong sách Đại Nam Nhất thống chí, mục huyện Quang Hóa được ghi: “Hồi đầu bản triều, đặt đạo Quang Phong ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824), đắp bảo gọi là bảo Quang Hóa, năm thứ 17 (1836) bỏ đạo, đặt tên huyện hiện nay, thuộc phủ Tây Ninh thống hạt…”.
Như vậy là đạo Quang Phong được thành lập từ năm 1789, nhưng sau này, khi đắp thành bảo tại đạo sở Cẩm Giang lại gọi là thành Quang Hóa. Do vậy mà các sử gia xưa nay, lúc gọi Quang Phong, khi lại gọi Quang Hóa. Có lẽ đều đúng cả khi nó chỉ một vùng đất biên cương nay là tỉnh Tây Ninh.
Chỉ từ năm 1836, khi lập phủ Tây Ninh, cái tên Quang Hóa thành tên huyện thì vị trí của nó mới được xác lập nhỏ hơn và rõ hơn. Chính là vùng đất mà sau đó huyện Trảng Bàng được kế thừa từ năm 1867, và đến năm 1903 thì lên quận.
Từ đoạn trích của Nguyễn Đình Tư, chúng ta còn được biết thêm là một số thôn (xã) ở Tây Ninh được thành lập từ rất sớm (1789), như Cẩm Giang, Thạnh Đức, Thanh Phước, Bình Tịnh. Bình Tịnh nay là An Tịnh, còn 3 thôn kể trên vẫn còn gọi là tên xã tới ngày nay. Ông cũng cho biết: “Đạo chỉ còn phụ trách về an ninh quốc phòng”; còn về mặt hành chính, các xã kể trên đều thuộc huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (năm 1809).
Dù chỉ là tên một đạo, trấn giữ một dải đất biên cương Tây Nam, nhưng địa danh Quang Hóa được nhắc đến nhiều lần trong sách sử. Như Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, sớm nhất có đoạn: “1778, sai Cai đội Trần Văn Phúc sang đạo Tân Châu, Nguyễn Đức Huy sang đạo Quang Hóa để đóng chiến thuyền đi biển”.
Hoặc, Gia Định thành thông chí có đoạn kể về khai thác gỗ rừng Quang Hóa vào năm 1780, khi ấy: “Ở miền Quang Hóa có cây sao già cỗi, ban đêm trên ngọn cây thường thấy lửa sáng như hình hai ngọn đèn.
Người ở miền núi kinh sợ phải lánh xa, cho nên nó cao lớn không cây nào bằng. Khi ấy quan quân chợt thấy, lấy rìu búa bổ vào, lập tức hộc máu chết…”. Huyền thoại xen lẫn hiện thực. Mà hiện thực ấy là hàng trăm chiến thuyền được đóng từ rừng Quang Hóa, phục vụ cho cuộc tiến công ra Bắc tiêu diệt nhà Tây Sơn của chúa Nguyễn.
Vào cuối thế kỷ 18 ấy, cái tên Quang Hóa không chỉ là tên đạo, mà còn là tên rừng, tên sông. Do vậy, ở chương Núi sông của sách Đại Nam nhất thống chí có mục từ Rừng Quang Hóa: “gò đồi trùng điệp, rừng núi liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm…”; lại có mục từ sông Quang Hóa: “ở cách huyện lị Quang Hóa chừng 1 dặm (ý nói từ thành bảo, nay là nơi có dinh thờ Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng ra tới bờ sông, đoạn có chùa Cẩm Phong, thuộc xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu ngày nay)…
Ven sông có nhiều rừng, trên phía Tây, nước chia thành hai đường dòng phía bắc tục gọi “Cái Bát”, đi về phía bắc hơn 100 dặm đến suối cùng; dòng phía tây tục gọi “Cái Cạy”, đi về phía tây hơn 150 dặm đến suối cùng, đều là đất thông liền của rừng Quang Hóa…”.
Đến đây, tạm ngưng câu chuyện địa danh, rừng, sông núi, để quay trở lại cái đô thị sớm nhất của tỉnh Tây Ninh. Là quận Trảng Bàng năm 1903. Gần thời điểm này nhất có tác phẩm Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông của bác sĩ J.C Baurac, xuất bản lần đầu năm 1899 (bản dịch của Huỳnh Ngọc Linh, Nxb Tổng hợp TP .Hồ Chí Minh, 2022).
Tại mục Trảng Bàng, có đoạn: “Sau chinh phạt, chính quyền Pháp đã xây dựng ở Trảng Bàng một pháo đài, một tòa tham biện và gửi viên chức đến đây. Đường sá mở ra và kênh rạch khơi dòng; làng xóm từ đó cũng bắt đầu mở rộng, thương mại phát triển và người Hoa ùn ùn kéo đến làm ăn sinh sống/ Hiện nay Trảng Bàng có hơn 1.500 dân.
Đây là trú sở của một quan phủ. Biệt đội lính tập An Nam từng được thiết lập ở đó đã bị giải tán/ Một viên quản lý kho sống tại trung tâm này và có nhiệm vụ giám sát một nhà máy rượu gạo do người Hoa điều hành/ Trảng Bàng có một nhà việc chung rất lớn, một trường tổng, một phòng bưu chính và điện báo… Về nông nghiệp, Trảng Bàng không có gì nổi bật; dân chúng bản địa vùng này chủ yếu tập trung canh tác lúa/ Buôn bán thuốc lá ở đây khá quy mô, công nghiệp gần như vắng bóng…”.
Không cần bình luận gì thêm về sự đơn giản, nghèo nàn của đô thị Trảng Bàng đầu thế kỷ 20.