Từ rau rừng hoang đến 'mỏ vàng' trên đất Lộc Giang
Người dân xứ Lộc Giang (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) thường nói với nhau, những món như bánh xèo, bánh tráng cuốn, mắm chua,... mà thiếu rau rừng thì không đúng bài, đúng vị. Xưa, để có được mớ rau này, người dân phải băng rừng, lội sông, sình lầy vất vả. Thấy được nhu cầu cao của thị trường, nhiều hộ tìm cách mang rau rừng về đồng. Sau thời gian chăm sóc, cây không phụ người, cành lá xum xuê, đem lại thu nhập không nhỏ.
Đó là trường hợp của ông Lê Văn Hội (ấp Lộc Thuận, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa). Thời thanh niên, ông ở Trảng Bàng, hành nghề thợ rèn và đánh võ đài. Nghề đánh đấm vốn tuổi thọ chẳng lâu, nghiệp quai búa lại cần nhiều sức khỏe, trong khi tuổi ông ngày càng lớn, nhìn vợ con vất vả, cảnh nhà khó khăn, ông suy nghĩ: “Cần tìm gì đó làm để đổi đời, cho con mình có tương lai tươi sáng hơn”. 8 năm trước, ở Tây Ninh có mô hình trồng rau rừng đem lại thu nhập cao, anh trai ông Hội là một trong những người tiên phong. Biết tin ấy, sau giờ rèn, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm. Càng tìm hiểu, ông càng tin chắc loại rau mọc hoang này sẽ giúp mình khấm khá hơn.
Ông bàn tính với vợ, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đang trồng đậu phộng, khoai mì thu nhập bấp bênh sang rau rừng. Ban đầu, ông mua cây giống giá 50.000 đồng/gốc. Giữa chừng hết vốn, ông đi rừng, lội sông bứng cây về. Khoảng 3 năm thì số cây mới lấp đầy diện tích đất. Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho những sản phẩm đầu tiên. Lúc này, ông mới nghỉ hẳn nghề rèn để tập trung sự nghiệp mới. Hiện tại, ông sở hữu 2.300 gốc trong độ tuổi thu hoạch với 11 loại rau như trâm ổi, trâm sắn, chòi mòi, bí bái, săn máu, lá cách, mặt trăng,…
Theo ông Hội, các loại rau rừng dễ trồng, sức sống mạnh mẽ, không tốn nhiều công chăm sóc. Do là cây lấy lá nên cây càng xum xuê, tán cây càng rộng thì năng suất càng cao. Để bảo đảm điều đó, người thu hoạch lá phải biết cách chừa lại phần chồi cho nhánh mọc ra. So với trỉa đậu, trồng lúa thì nghề này đỡ nhọc hơn. Sáng sớm, ông ra bẻ rau, khoảng 9 giờ thì nghỉ, chiều mát mới làm tiếp. Cây cũng không cần nhiều phân, thuốc vì ít sâu, bệnh. Mùa nắng thì kéo nước tưới, mùa mưa không cần.
Hiện tại, ông thu hoạch quanh năm, mỗi ngày được hơn 100kg, chỉ nghỉ 3 ngày tết. Rau sau khi hái được xếp cẩn thận rồi giao thương lái. Ông Hội kể: “Có khi tôi đang giao hàng, người đi đường thấy rau ngon quá nên chặn xe lại mua từ 5-10kg là chuyện bình thường nhưng tôi chỉ chia cho mỗi người một ít ăn lấy thảo vì đã hợp đồng với thương lái rồi. Tôi cam đoan rau này sạch, không tồn dư phân bón, thuốc hóa học. Theo Đông y, mỗi loại rau là một vị thuốc nên ăn rau cũng rất tốt cho sức khỏe”. Ước tính, với số lượng cây hiện có, mỗi tháng, ông Hội thu nhập hàng chục triệu đồng chỉ với 1 lao động chính và 2 lao động phụ. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn người em vợ trồng và cũng đã cho sản phẩm.
Ông Hội cho biết thêm, cái khó nhất của nghề trồng rau rừng là cây giống và đầu ra. Giống cây này tương đối đắt, đòi hỏi nông dân phải có vốn. Người trồng nên chọn cây mọc từ hạt để tuổi thọ cây cao hơn. Do đây là mô hình mới, chưa nhiều người làm nên nông dân cần nghiên cứu tìm đầu ra chất lượng, tránh manh mún, nhỏ, lẻ, dễ bị thương lái ép giá.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Giang - Hồ Văn Uông cho biết, ông Hội là người kiên trì, cần cù. Từ khó khăn, ông nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng thành công mô hình trồng rau rừng đầu tiên của xã, mang lại giá trị kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ kết nối nhiều đơn vị, hỗ trợ giống, khoa học - kỹ thuật,... để phát triển vườn rau này; đồng thời, nhân rộng mô hình cho những nông dân khác.
Tìm cành chòi mòi tươi tốt, ông Hội hái lá ngon nhất đưa chúng tôi nếm thử, vị chan chát, chua chua. Ông cười, nói vườn rau này là của để dành cho con. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, chính ý chí kiên cường, nghị lực vươn lên của ông mới là tài sản to lớn nhất./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-rau-rung-hoang-den-mo-vang-tren-dat-loc-giang-a181545.html