Từ rốn lũ kinh hoàng thành làng du lịch
Từ cảnh đói ăn, giờ đây người dân vùng rốn lũ Tân Hóa tự tin sống chung với thiên tai, biến thiên nhiên khắc nghiệt thành tour du lịch độc đáo.
Ký ức kinh hoàng
Những ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông có dịp cùng Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) ông Đinh Minh Hiền đi trên những tuyến đường bê tông chạy khắp các thôn cùng, ngõ hẻm trong xã.
Những màu xanh bạt ngàn của các cánh đồng ngô, những rặng núi đá vôi hùng vĩ bao quanh như một bức tranh đẹp hiếm có. Nhìn phong cảnh yên ả này, ít ai biết rằng, cứ mỗi mùa lũ về, cả làng quê này đều chìm sâu dưới nước.
“
Có lẽ, sau cơn đại hồng thủy năm 2010, những kí ức đau thương đó sẽ chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của những người lớn tuổi. Lớp trẻ sau này may ra còn biết đến cơn lũ dữ năm nào qua những lời kể của bố mẹ, ông bà bởi rút kinh nghiệm từ cơn lũ đó, người dân giờ đã tự làm cho mình những căn nhà phao để mỗi lần nước lên thì nhà cũng nổi theo”.
Ông Đinh Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa
”
Lần theo hướng chỉ tay của Bí thư xã, chúng tôi hướng mắt về con sông Rào Nan, chảy uốn lượn quanh xã, nhìn đẹp thơ mộng.
Nhưng theo ông Hiền, đến mùa mưa lũ, nước từ trên các vùng thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, sôi sục khiến cho con sông trở nên hung dữ lạ thường.
Cách đây hơn chục năm, khi mùa mưa lũ tràn qua, người dân Tân Hóa phải khốn khổ chạy lũ.
“Tân Hóa nằm ở vùng thung lũng, xung quanh là các dãy núi đá vôi bao bọc, nên mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn đổ cả về Tân Hóa. Có quá nhiều trận lũ tràn về, nhưng năm 2010 là cơn lũ tồi tệ nhất, ám ảnh nhất, có đến 550 ngôi nhà bị ngập từ 1 - 2m”, ông Hiền kể.
Nhớ về trận lũ năm 2010, ông Trương Việt Trì (76 tuổi, nguyên Phó Công an xã Tân Hóa) nhớ lại: “Những ngày đó, mưa lớn kinh khủng, mực nước sông Rào Nan lên nhanh.
Người dân chỉ kịp mặc vội quần áo rồi chèo chống nhau lên 2 địa điểm cao nhất là trụ sở UBND và Trạm Y tế xã vì ở đó có nhà 2 tầng. Thế mà nước vẫn tiếp tục dâng, buộc người dân phải chèo thuyền đến các lèn đá để tránh lụt”.
Thời điểm đó, ông Trì đang là cán bộ của xã nên phải ưu tiên việc chung của xã trước. Ở nhà, con dâu ông mang thai sắp sinh, được người nhà chở đến tránh lũ ở lèn đá. “Cảm thấy không ổn, gia đình chở cháu đến chỗ Trạm y tế xã - nơi cũng bị ngập hết, chỉ còn chừa lại mái nhà tầng 2 là nơi chưa ngập dùng để cấp cứu các bệnh nhân. Do đến trễ quá, Trạm y tế chỉ cứu được mẹ, còn cháu bé thì không…”, ông Trì buồn rầu kể lại.
Còn ông Trần Minh Hồng, thôn Yên Thọ, xã Tân Hóa cũng không thể quên được cảnh lũ dâng vùn vụt, bà con cuống cuồng leo lên những con thuyền nhỏ của gia đình rồi chèo đến vài vị trí trong xã còn chưa ngập để trú.
Ông Hồng lúc đó là Xã đội trưởng dân quân, cùng với anh em dân quân xã chèo thuyền đến từng nhà để xem ai còn sót lại để chở bà con đến nơi cao hơn. “Đứng trên các lèn đá cao nhìn xuống làng, chỉ còn một biển nước đục ngầu, tất cả mọi thứ của cải, vật nuôi đều trôi theo dòng nước dữ… thực sự kinh hoàng”, ông Hồng kể.
An toàn mùa mưa lũ nhờ nhà phao
Từ sau cơn lũ lịch sử năm 2010, xã Tân Hóa còn trải qua nhiều trận lũ nữa, gần đây nhất là cơn lũ năm 2020. Nó cũng chẳng khác gì so với cơn lũ năm xưa nhưng bà con đã biết cách sống chung với lũ và không còn bị động như trước nữa. Tất cả là nhờ sáng kiến làm nhà phao.
Anh Thái Xuân Lực - hộ dân tiên phong làm căn nhà phao đầu tiên trong xã cho biết, sau cơn lũ lịch sử năm 2010, anh tình cờ đi đến các nhà hàng nổi, thấy họ làm nhà phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước bằng các thùng phuy nhựa. Anh về nhà, bắt chước làm theo và quả thật nó phát huy tác dụng ngay trong những mùa lũ tiếp sau này.
“Từ khi biết tôi làm nhà phao có tác dụng trong việc sống chung với lũ, bà con trong xã từ đó cũng làm cho mình căn nhà phao. Tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình, nhà phao có thể lớn, nhỏ...”, anh Lực nói.
Ghi nhận của PV, tại nhà các hộ dân, ngoài các ngôi nhà chính, mỗi hộ dân ở đây đều “sắm” cho mình 1 hoặc 2 căn nhà phao, diện tích các ngôi nhà tùy thuộc vào kinh tế từng gia đình.
Ở phía dưới sàn nhà người dân kết các thùng phuy nước lớn, xung quanh nhà được cắm cố định các cọc cao khoảnh 15 - 20m bằng gỗ hoặc sắt để mỗi lần nhà nổi lên theo dòng nước thì các cọc này giữ cố định ngôi nhà khỏi trôi.
“Chính nhờ các ngôi nhà phao này mà tính từ thời điểm năm 2010 đến nay, xã Tân Hóa cũng trải qua nhiều đợt lũ nữa nhưng không có thiệt hại gì về người và tải sản. Tất cả tài sản có giá trị đều được bà con chủ động đưa vào nhà phao cả”, ông Hiền nói.
Cả làng làm du lịch
Theo chia sẻ của ông Hiền, thiên nhiên lấy đi nhiều thứ của dân Tân Hóa nhưng cũng ban lại nhiều cảnh đẹp mà ít địa phương có được. Tân Hóa có những cánh đồng xanh mướt mát nằm yên bình dưới chân các dãy núi đá vôi hùng vĩ, có dòng Rào Nan uốn lượn giữa làng mạc và hệ thống hang động Tú Làn đẹp như tranh vẽ.
Cảnh sắc nơi này từng được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế như: “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” và phim “Kong: Đảo đầu lâu”. Cảnh sắc thiên nhiên, cùng tài nguyên văn hóa phong phú đã trở thành điều kiện thuận lợi, giúp cho mảnh đất này phát triển du lịch, trong đó, đẩy mạnh du lịch cộng đồng.
Năm 2011, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) được cấp phép khảo sát và thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn tại xã Tân Hóa. Mỗi năm, các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn đón gần 10.000 lượt khách.
Gần đây, người dân xã Tân Hóa bắt đầu tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá. Đến nay, toàn xã có hơn 100 lao động tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch.
Nhiều người cũng đi học các lớp nấu ăn, hướng dẫn du lịch, sau đó tự nấu ăn tại nhà phục vụ du khách, cũng như đưa họ đi tham quan. Nhiều gia đình cũng biến căn nhà nhỏ của mình thành homestay để khách lưu trú.
Anh Cao Văn Thanh (thôn 2 xã Tân Hóa) là một trong những hộ phục vụ du khách tại nhà cho biết: “Bước đầu, lợi nhuận đưa lại từ mô hình này cũng tương đối tốt, thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng nếu khách đông. Đây là mức thu nhập trong mơ, vì trước đây chúng tôi chỉ biết làm ruộng”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, người cũng tham gia phục vụ du khách cho biết: “Gia đình tôi cũng làm homestay, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Từ khi làm du lịch, vợ chồng tôi không còn phải đi làm thuê nữa, cuộc sống khấm khá hơn nhiều”.
Trong khi đó, ông Đinh Minh Hiền cho biết, sắp tới sẽ có một công ty chuyên tổ chức các tour du lịch hợp tác với 10 hộ dân xây dựng 10 căn homestay. Họ sẽ bỏ tiền đầu tư biến những căn nhà phao thành phòng lưu trú cao cấp với đầy đủ thiết bị hiện đại. Mức chia lợi nhuận sẽ là công ty 4, người dân 6.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-ron-lu-kinh-hoang-thanh-lang-du-lich-d585757.html