Từ sai phạm trong đào tạo tại Trường Đại học Đông Đô: 'Lộ' bất cập trong quản lý văn bằng 2?
Chuyện sai phạm trong vụ việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ, song điều nhận thấy ở đây đó là việc đào tạo văn bằng 2, việc cấp phôi bằng còn lỏng lẻo, bộc lộ một số bất cập.
Đào tạo "chui" 3 năm mới "bị" phát hiện?
Vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm đến vụ việc đào tạo "chui" văn bằng 2 (VB2) tại Trường ĐH Đông Đô. Đáng chú ý là chi tiết trường này thực hiện chiêu sinh rầm rộ ở nhiều tỉnh thành, tổ chức xét tuyển, thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp khá dễ dãi nhưng phải vài năm mới bị phát hiện. Với nhiều sinh viên của trường, được nhận bằng tốt nghiệp "xịn", từ chính phôi bằng mà Bộ GD&ĐT cấp cho đến khi sự việc rùm beng mới vỡ lẽ, những bằng cấp này có nguy cơ mất giá trị vì đây là chương trình đào tạo chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép.
Một loạt lãnh đạo của Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, bắt tạm giam. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (47 tuổi, quê Nghệ An), Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô về tội "Giả mạo trong công tác". Về góc độ quản lý, Bộ GD&ĐT cũng đã có thông tin về vụ việc. Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT. Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị cũng chưa có văn bản cho phép Trường ĐH Đông Đô đào tạo VB2.
Về việc cung cấp phôi bằng, Bộ GD&ĐT giải thích, các trường được tự chủ trong in ấn phôi bằng tốt nghiệp. Do một số trường đại học gặp khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi bằng, trong đó có Trường ĐH Đông Đô. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi bằng như các cơ sở in phôi bằng khác.
Nhận định về vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Trong vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, các thông tin công khai cho thấy trường này đã tổ chức đào tạo VB2 tiếng Anh từ nhiều năm nay, có chương trình tuyển sinh, thi tuyển, tổ chức học, thi và cấp bằng... Cơ quan điều tra cần làm rõ và sớm có kết luận để Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Đông Đô thực hiện trách nhiệm của mình đối với các học viên. Đối với các trường hợp được cấp bằng sai quy định, cấp bằng mà không tham gia học tập, đào tạo thì cũng cần cân nhắc, xem xét trách nhiệm của người học và trách nhiệm cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý có thể xem xét thu hồi bằng cấp, hủy bỏ kết quả học tập nếu vi phạm".
Bất cập trong công tác quản lý
Câu chuyện trách nhiệm trong vụ việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô, các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ, song điều nhận thấy ở đây đó là việc đào tạo VB2, việc cấp phôi bằng của Bộ GD&ĐT còn lỏng lẻo, bộc lộ một số bất cập. Trên thực tế, việc được phép đào tạo VB2 của các trường cũng không phải quá khó. Mà theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT. Đối với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính quy của ngành đó do trường đào tạo tốt nghiệp. Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ, Bộ sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng từng lên tiếng về những bất cập trong đào tạo VB2 ở một số trường đại học. Tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thanh tra chương trình liên kết đào tạo, VB2 ở nhiều trường đại học. Mục đích của hoạt động này nhằm chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều cơ sở giáo dục đại học. Theo Bộ, kết quả kiểm tra là căn cứ để chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo và là cơ sở để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế. Thậm chí, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thông tin sẽ xử lý các đơn vị, cán bộ của Bộ nếu vi phạm quy định trong giao chỉ tiêu cho các trường chưa được cấp phép.
Nhiều năm làm công tác quản lý đại học, TS. Lê Viết Khuyến (Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) cho rằng: "Bộ GD&ĐT nên xem xét trách nhiệm của Bộ, bởi việc đào tạo của Trường ĐH Đông Đô diễn ra trong vòng vài năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, điều này cho thấy kẽ hở trong công tác quản lý đào tạo VB2. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong tuyển sinh và đào tạo. Việc trao quyền tự chủ chỉ nên trao cho các trường có chất lượng và xứng đáng, chứ không phải trường nào cũng được tự chủ hoàn toàn".
Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học nhằm chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Trong đó yêu cầu các trường rà soát các hoạt động đào tạo, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định hiện hành về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.