Từ sản vật làng quê xứ Đông tiến vua thành OCOP
Thời xưa, mọi của ngon vật lạ đều được dâng tiến vua. Tục lệ này đã có hàng nghìn năm, thậm chí có nhiều triều đại còn xây dựng thành luật. Nhiều sản vật tiến vua của xứ Đông nay đã được nâng cấp thành sản phẩm OCOP.
Tự hào có sản vật tiến vua
Hải Dương là mảnh đất trù phú với nhiều sản vật mang mùi vị riêng có. Nhiều sản vật trong số đó đã từng được tuyển chọn là lễ vật mang tới kinh thành dâng các đời vua thưởng thức. Dù là nông sản dân dã, gắn liền với đời sống người dân nhưng với vị ngon đặc sắc những sản vật này đã vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao của các triều đại, trở thành sản vật tiến vua.
Theo sử sách ghi lại, thời Tự Đức (1847 - 1883), cụ Hoàng Văn Cơm ở Thanh Hà (Hải Dương) trong một lần dự tiệc với người Hoa Kiều đã lấy về 3 hạt vải có gốc Thiều Châu (Trung Quốc) để ươm trong vườn nhà. Song chỉ có một cây vải duy nhất sống được và cho quả rất ngon. Từ đó, mọi người chiết các cây vải con từ cây quý này trồng phổ biến thành giống vải thiều ngon nổi tiếng.
Trong các vùng có trồng cây vải ở Việt Nam, vải thiều Thanh Hà nổi tiếng hơn cả. Vải thu hoạch từ các cây trong khu vực này thường có vị thơm và ngọt hơn các nơi khác. Vải thiều quả dáng tròn, to vừa phải, vỏ rất mỏng, bên trong múi dày, mọng nước và đặc biệt gần như không bị sâu đầu như nhiều loại vải khác. Hạt của vải thiều rất nhỏ cộng thêm cùi dày, thơm, vị ngọt thanh. Chính vì thế đây là loại vải vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe để dâng lên các bậc vua chúa xưa kia. Không chỉ là sản vật tiến vua nhiều đời, vải thiều Thanh Hà còn được lựa chọn là sản vật tặng ra nước ngoài.
Hải Dương còn có 1 loại quả khác cũng từng được tiến vua là cam đường. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, ghi về quả cam đường tỉnh Hải Dương như sau: “Cam đường: có một tên nữa là cam nhũ, sản ở các xã Vũ Xá, Nhũ Tĩnh, Đồng Quang, huyện Tứ Kỳ và Lực Đáp, Hòa Ung, huyện Vĩnh Lại, quả nhỏ, vị ngọt và thơm, có lệ cống". Một số ván khắc thuộc khối mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, minh chứng cho việc cung tiến quả cam đường ở Hải Dương vào kinh dưới triều Nguyễn mỗi khi Tết đến xuân về. Cam đường Hải Dương với hương vị thơm ngon, mát ngọt đã được chọn làm vật phẩm để dâng tiến lên các vua Nguyễn và rất được các vua yêu thích.
Ngoài các loại quả, thì bánh đậu xanh cũng là một trong những món ăn của Hải Dương từng được lựa chọn tiến vua. Theo tích xưa, Vua Bảo Đại có dịp kinh lý qua trấn Hải Dương. Tại nơi đây, dân chúng đã dâng lên ngài một thứ bánh được tạo nên từ đỗ xanh. Sau khi thưởng thức thứ bánh đặc sản này, cảm nhận được hương vị cũng như tình cảm của người dân Hải Dương nên vua Bảo Đại đã hết lời khen ngợi và ban chiếu sắc phong “Bánh ngon”. Ngài cho phép dân chúng được in hình rồng lên thức bánh đó và tiến vua sử dụng tiệc trà trong cung. Đó chính là bánh đậu xanh Rồng Vàng.
Nâng tầm sản vật thành OCOP
Từ những sản vật tiến vua, trong thời kỳ hiện đại, nhiều địa phương đã khôi phục, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, Hải Dương đã nâng tầm rất nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng có. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã mạnh dạn thay đổi cách làm, đưa sản phẩm OCOP quê hương đến gần hơn với mọi nhà và có thể mang đi khắp nơi.
Vải thiều Thanh Hà đã trở thành thức quà quen thuộc với nhiều người, ở nhiều quốc gia. Năm 2007, sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Vải thiều Thanh Hà". Đến nay, vải thiều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao. Ngoài thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, huyện Thanh Hà có 191 mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Trung Quốc... Thanh Hà hiện có khoảng 3.300 ha vải, tập trung ở các địa phương trong vùng quy hoạch sản xuất vải tập trung. Gần 500 ha vải Thanh Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Các địa phương trong vùng sản xuất vải tập trung tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng, chăm sóc để quả vải đạt chất lượng, mẫu mã cao nhất, đáp ứng tiêu chí ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bánh đậu xanh Hải Dương vẫn là món ăn truyền thống được nhiều người ưa thích. Hải Dương có rất nhiều hãng sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng như Bảo Hiên, Nguyên Hương, Hòa An, Hoàng Gia, Gia Bảo… Xét về khía cạnh sáng tạo trong mùi vị bánh đậu xanh thì phải kể tới thương hiệu Bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia của Công ty CP Hoàng Giang (TP Hải Dương). Đây là một trong số ít doanh nghiệp đăng ký sản phẩm bánh đậu xanh trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài vị nguyên bản, thương hiệu này đã cho ra mắt nhiều hương vị mới như khoai môn, hương cốm, vị dừa, hương sen, sầu riêng… Để nâng tầm sản phẩm của mình, công ty này đã cho ra mắt sản phẩm bánh đậu xanh Hoàng Gia tiến vua. Đây cũng là sản phẩm đơn vị đang đề nghị được công nhận OCOP 5 sao. “Quy trình sản xuất cùng yêu cầu về sản phẩm cao hơn, không sử dụng chất bảo quản, mẫu bao bì cũng sang trọng hơn. Sản phẩm bánh đậu xanh Hoàng Gia tiến vua này cũng chiếm 50% sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp, chủ yếu xuất bán tại các siêu thị, cửa hàng du lịch, khách hàng đặt làm quà tặng”, ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Giang cho biết.
Hải Dương còn rất nhiều sản vật khác được công nhận là sản phẩm OCOP và được nâng tầm trở thành các thức quà biếu.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-san-vat-lang-que-tien-vua-thanh-ocop-378563.html