Từ scandal kẹo Kera: Tăng cường bảo vệ quyền lợi người mua trên sàn thương mại điện tử thế nào?
Việc đơn vị công bố kẹo rau củ Kera, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị xử phạt vì những vi phạm trong công bố thông tin, quảng cáo sai sự thật gây xôn xao dư luận thời gian gần đây là một 'hồi chuông cảnh báo' về việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT).
Mới đây, CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) - đơn vị công bố kẹo rau củ Kera, bị xử phạt vì hai vi phạm: Buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc không đúng nội dung bắt buộc, Kinh doanh sản phẩm không phù hợp với thông tin đã được công bố. Công ty CER phải nộp phạt 125 triệu đồng, buộc thu hồi số hàng vi phạm, đồng thời phải nộp lại toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sản phẩm không đúng quy định. Chỉ khi công ty chấn chỉnh, ghi nhãn đúng quy định, sản phẩm mới được phép lưu thông trở lại.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cũng bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phạt 140 triệu đồng vì có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm đã được công bố. Ngoài việc nộp phạt, họ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục bằng cách cải chính thông tin đối với các nội dung vi phạm.

Thành viên CER Group cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Đây là ví dụ điển hình cho thấy thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, kéo theo tình trạng các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng gia tăng và trở nên phức tạp hơn. Tại tọa đàm Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế sáng 27/3, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, một trong những nguyên nhân chính là do không ít các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thiếu ý thức, “vì lợi nhuận” mà sẵn sàng bỏ qua các tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, phần lớn người dân chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để kiểm chứng độ tin cậy của sản phẩm hoặc sàn TMĐT. Họ dễ tin vào quảng cáo hào nhoáng, bị thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm nhanh, từ đó rơi vào những lựa chọn rủi ro. Ông Trung nhấn mạnh, người tiêu dùng luôn ở “thế yếu” khi không được trang bị đầy đủ thông tin, dẫn đến những thiệt hại về vật chất, tinh thần và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) 2023 đã quy định rõ hơn các trách nhiệm của từng chủ thể trong TMĐT, từ chủ sàn đến người bán, đặc biệt là những cá nhân có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC, influencer).
Trong bối cảnh Việt Nam, các KOL được rất nhiều người theo dõi, tin tưởng, thậm chí lên đến hàng triệu lượt xem cho mỗi nội dung được đăng tải. Một khi họ tham gia giới thiệu sản phẩm, họ phải có trách nhiệm về thông tin mình cung cấp, đảm bảo trung thực, minh bạch. Luật mới yêu cầu rõ ràng những người có tầm ảnh hưởng này phải cam kết và chịu trách nhiệm nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua nội dung quảng bá.
Từ góc nhìn kinh nghiệm quốc tế, ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, chia sẻ rằng tại Anh, hệ thống bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử được xây dựng khá sớm và toàn diện: “Vương quốc anh đã có hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mạnh mẽ và rộng khắp, bao trùm khá nhiều vấn đề có thể phát sinh. Hệ thống này cũng giải quyết vấn đề về an toàn sản phẩm hoặc thu hồi sản phẩm khi cần thiết”.
Bàn về giải pháp, đại sứ nhận định, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, từ sản phẩm, dịch vụ cho tới cách thức tiếp cận khách hàng, điều quan trọng là phải có một hệ thống có thể dự đoán được những thay đổi, từ đó rà soát, cập nhật các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Vũ Văn Trung nhìn nhận, công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò then chốt. Hội Bảo vệ Người tiêu dùng và các cơ quan liên quan liên tục cập nhật thông tin, cảnh báo và khuyến khích người tiêu dùng mạnh dạn lên tiếng nếu phát hiện vi phạm, kể cả những trường hợp nhỏ nhất. Điều này sẽ thúc đẩy cơ quan quản lý vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn nữa, có thể thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân cố tình tái phạm.
Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng và những cá nhân có tầm ảnh hưởng, thị trường TMĐT mới thực sự lành mạnh, bảo vệ được quyền lợi và an toàn cho tất cả các chủ thể.
Ngày 25/3, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng. Hai bên có thể hợp tác, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm trong phát triển công tác bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính minh bạch thông tin cho người tiêu dùng ở cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử.