Từ 'siêu xe' đến 'siêu ngông'
Chưa đầy một tuần, có tới 2 vụ tiêu cực liên quan đến những chiếc xe đắt tiền khiến dư luận đặc biệt chú ý. Chơi 'siêu xe' là một thú vui hạng sang và là quyền của bất cứ ai có đủ điều điện kinh tế. Tuy nhiên, làm sao để đam mê này trở nên hài hòa, để giới 'siêu xe' không bị người dân đánh đồng là 'những ông trời con' thì nhất thiết, rất cần ứng xử chuẩn mực và văn minh của những người cầm lái.
Khi “trời con” xuống phố
Lúc 8 giờ 30 một ngày cuối tháng 4-2021, khi các hàng quán đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) còn đang huyên náo thực khách thì từ đâu tiếng gầm rú điếng tai dội đến, khiến ai nấy cũng giật mình. Đó là tiếng nẹt pô của một chiếc ôtô thể thao chạy từ hướng công viên Gia Định về phía cầu Bình Lợi. Sau làn khói khét nghẹt, chiếc xe chẳng mấy chốc mất hút vào khoảng tối với tốc độ kinh hoàng.
Cuộc nhậu trở lại khi các thực khách kịp hoàn hồn, nhưng chủ đề trong bàn nhậu lúc này đã đổi từ chuyện “thần y trên mạng” sang nỗi bức xúc với mấy “ông trời con” ỷ có tiền mua “siêu xe” mà cố tình làm phiền thiên hạ.
“Ông trời con”, một danh xưng thể hiện sự bất bình của người dân, hễ khi họ ra đường mà gặp phải những chiếc “siêu xe” tham gia giao thông với ý thức tệ như thế! Một lần tương tự, chúng tôi đang lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) vào lúc tan tầm và tại vòng xoay Hàng Xanh luôn là điểm nóng về ùn ứ giờ cao điểm, khiến tổ CSGT tháo mồ hôi thông xe.
Trong lúc dòng người vật vã nhích từng chút một thì từ phía sau, một chiếc xe thể thao hiệu BMW xấn tới, nẹt pô gầm rú giành đường khiến ai nấy đều thất kinh. Sự ngang ngược này làm một bác xe ôm công nghệ chạy tới gõ cửa xe, phản ứng: “Không thấy đường đang kẹt hả? Nẹt pô vậy người ta giật mình té thì sao?”. Đáp lại chỉ là một ánh nhìn khinh khỉnh của gã tài xế
Đây chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện tương tự mà chúng tôi từng chứng kiến về sự hiện diện của những chiếc “siêu xe” trên đường phố. Chạy quá tốc tộ hoặc cố tình nẹt pô ầm trời, là trò mà một bộ phận ông chủ của những chiếc xe đắt tiền hay “xài” để “chơi trội”.
Họ vô tư thể hiện cái ngông ấy và tự huyễn hoặc cho rằng đó là “đẳng cấp của một dân chơi” mà bất cần đến sự an toàn của người khác khi tham gia lưu thông trên đường. Từ đây, cộng đồng nảy sinh góc nhìn phiến diện khi ra đường “đụng” phải “siêu xe”, dù chưa biết người cầm lái chiếc xe đấy có gây ra tội tình gì hay chưa?
Giá của… cái “ngông”
Chiều 11-5, Công an Q.Bình Thạnh cho biết đang tích cực điều tra, truy xét nhóm thanh niên gây ra vụ chém 2 người ngồi trên chiếc xe BMW vào khuya 9-5 tại khu Thanh Đa.
Theo đó, Nguyễn Hữu Th. (SN 1984, ngụ Q.Bình Thạnh) và Bùi Nguyễn Hoàng L. (SN 1992, ngụ TP.Thủ Đức) điều khiển ôtô BMW đi mua thức ăn tại một quán nhậu ở P27, Q.Bình Thạnh. Do để tiếng pô xe nổ to nên 2 người ngồi trong xe xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên đang ngồi nhậu. Không ngờ khi chiếc xe chạy về ngã tư Thanh Đa, nhóm thanh niên đã đuổi theo dùng đá ném vào xe. Lúc Th. và L. mở cửa bước xuống thì đối phương dùng dao, bình xịt hơi cay tấn công tới tấp. Những vết chém nguy hiểm khiến 2 nạn nhân bị trọng thương, còn nhóm đối tượng gây án vội vã rời khỏi hiện trường.
Trước đó 2 ngày, vào 10 giờ ngày 9-5, trên đường Dương Bá Trạc (Q8), P.L.D (ngụ Q.Bình Thạnh) điều khiển “siêu xe” Ferrari màu xanh chuối bị Tổ công tác 363 Công an TPHCM kiểm tra hành chính. Thay vì hợp tác xuất trình giấy tờ, tài xế lại huy động người thân đến để livestream, lớn tiếng quát tháo gây áp lực cho lực lượng thi hành công vụ.
Sự việc gây thu hút người dân hiếu kỳ và ngay sau đó, hàng loạt thông tin phiến diện xuất hiện trên mạng xã hội. Cụ thể, một tài khoản facebook tên Phan Công K. (là một trang chuyên về buôn bán “siêu xe”, bạn của tài xế D.) đã đăng tải thông tin thất thiệt với những lời lẽ ám chỉ thiếu căn cứ về lực lượng CSGT, khiến người dân chưa hiểu việc bị nhầm tưởng.
Màn đổ “vạ” này bị phản tác dụng bởi ngay sau đó, một clip khác bất ngờ được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, ghi lại cảnh tài xế “siêu xe” không những ngăn cản người thi hành công vụ mà còn lớn tiếng thách thức, buông lời chửi thề xúc phạm các CSGT.
Chứng kiến sự coi thường và thách thức của tài xế “siêu xe”, anh Nguyễn Thế Bảo (ngụ Q8) bức xúc: “Ngay từ thời điểm mới bị kiểm tra, tôi thấy rõ tổ làm nhiệm vụ rất từ tốn. Nhưng tài xế này lại liên tục lớn tiếng, sau đó chủi tục xúc phạm họ. Lúc ổng bị công an khống chế, người dân tại khu vực ai cũng đồng tình”.
Liên quan đến vụ việc, Công an Q8 (TPHCM) thông tin, hành vi của thanh niên này chưa dù chưa tới mức xem xét trách nhiệm hình sự nhưng công an cũng sẽ mời thanh niên này lên lập hồ sơ, xử phạt hành chính hành vi “cản trở người thi hành công vụ”. Còn theo một điều tra viên cao cấp thuộc Bộ Công an, khi xem được clip quay lại hành vi của tài xế “siêu xe” đã nhận định rằng việc tổ công tác khống chế đối tượng sau sự mất kiểm soát về hành vi là hợp lý và đúng luật!
Vậy là tài xế “siêu xe” vẫn còn cơ hội để nhìn lại hành động bộc phát của bản thân, vì sự việc chưa diễn biến theo hướng tồi tệ nhất. Tuy nhiên, 2 vụ kể trên cũng chính là bài học nhãn tiền cho thói ngông nghênh của một bộ phận các lái xe ngồi trên những chiếc xe đắt tiền hiện nay. Nhưng một điều cũng cần phải nói rõ, những tay tài xế này không là đại diện cho tất cả những người có niềm đam mê với “siêu xe” chân chính khác.
“Siêu xe” nào có lỗi?
Xe chỉ là một vật vô tri, được điều khiển bằng ý thức của con người. Vậy nên, dù có là chiếc xe bình thường hay những “siêu xe” giá hàng chục tỉ đồng thì đều không có khả năng tự gây ra chuyện “chướng tai gai mắt”. Chúng luôn có ích với cuộc sống hiện đại này.
Nói tới “siêu xe” đương nhiên nói tới sự đắt đỏ. Muốn thỏa mãn sở thích có được một chiếc “siêu xe” thì chí ít cũng phải nắm trong tay hàng chục tỉ đồng. Người mua “siêu xe” cũng có nhiều loại: có người là doanh nhân, đại gia, không thiếu tiền. Có người là người nổi tiếng, cũng không thiếu tiền. Và cũng có một bộ phận cậu ấm, cô chiêu thừa hưởng thành quả lao động từ cha mẹ, muốn chơi trội nên “tậu” một chiếc “siêu xe”, thành phần này lại càng không thiếu tiền!
Không phải ai cũng giống ai nhưng quy cho cùng, người sở hữu được một chiếc siêu xe phải là người có cá tính. Nhưng cá tính mạnh không đồng nghĩa là bất cần người khác nghĩ gì để mặc nhiên thể hiện.
Hiện tượng một bộ phận người có tiền sắm được “siêu xe”, vì muốn thỏa mãn sự thể hiện của bản thân đã bày ra chuyện “độ” pô, gây ra tiếng ồn huyên náo trên phố phường hay phóng nhanh vượt ẩu; hoặc vì cảm giác được đi trên một chiếc xe “oách” mà nghĩ rằng thái độ phải “oách” theo với đời… tất cả chỉ là “đẳng cấp dỏm” không được người đam mê “siêu xe” chân chính thừa nhận.
Ít ai biết được, thiết kế nguyên thủy của những chiếc xe này thực ra không gây phiền đến vậy. Cụ thể, theo Trung tá Nguyễn Văn Hải (nguyên Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra – Dẫn Đoàn thuộc Phòng CSGT Công an TPHCM), bản chất những chiếc ôtô thể thao từ các hãng danh tiếng như Lamborghini, BMW hay Rolls Royce… khi nhập về Việt Nam đều bắt buộc phải đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 7880:2008) về phương tiện giao thông đường bộ, tiếng ồn phát ra từ ôtô.
“Trong các quy định của tiêu chuẩn này, thể hiện rõ chỉ số tiếng ồn của xe con là bao nhiêu, xe tải, xe khách là bao nhiêu. Mặt khác, tất cả các hãng lớn này khi thiết kế xe, đều tạo bộ lọc tiếng ồn ở pô xe. Không có chuyện “siêu xe” là gây ra tiếng ồn khó hay, ức chế cho người đi đường như hàng ngày chúng ta thấy” – Trung tá Hải nói.
Nói về thói chơi trội của một số thiếu gia, công tử, phải kể đến những “lò” độ “siêu xe”. Tìm tới đây, một bộ phận người đi “siêu xe” luôn muốn làm sao cho chiếc xe được “ngầu hơn”, cá biệt hơn. Và để chiều lòng những những ông chủ thừa tiền nhưng thiếu ý thức, các tay “độ” xe chuyên nghiệp luôn tận tình “biến tấu” những chiếc xe từ hình hài và mục đích nguyên thủy theo những sở thích “chẳng giống ai”.
Cứ thế, những chiếc xe có giá trị, dù không có tội tình tình gì, cũng nghiễm nhiên bị mất giá trị trong mắt người đi đường, nguyên nhân chính từ sự “biến tướng” trong cách sử dụng đồng tiền của một bộ phận người chơi. Suy cho cùng, “siêu xe” mang lại nét đẹp cho phố phường, chứng minh sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu lúc nào nó cũng được cầm lái từ những người có ý thức thì sẽ đẹp biết bao…
Ngày 12-5, đại diện Phòng CSGT CATP cho biết đơn vị đã hoàn tất thủ tục, gửi giấy mời tài xế P.L.D tới trụ sở Trạm CSGT Đa Phước để xử lý vi phạm xảy ra trong tối 9-5. Sau quá trình này, nếu D. vẫn không tới trụ sở làm việc, Trạm CSGT Đa Phước sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/tu-sieu-xe-den-sieu-ngong_112098.html